“Đầu năm vừa rồi, tôi có ký hợp đồng nhượng quyền với một bên của Singapore. Có khả năng cửa hàng sẽ khai trương trong tháng 3 hoặc tháng 4“, anh Vũ Trường Giang – Founder …Ka Coffee mới đây tiết lộ trong tập podcast thuộc series Chapter 0 của Rising Vietnam về chủ đề ngành F&B năm 2024.
Được thành lập từ năm 2020 và hiện có 4 quán tại Hà Nội, 1 quán tại TP. HCM, …Ka Coffee là một trong những thương hiệu F&B tiên phong cho phong trào kinh doanh cà phê rang xay chất lượng cao, từng hợp tác với Uniqlo và đưa hình ảnh chai cà phê lên áo phông của thương hiệu thời trang Nhật Bản.
Chia sẻ về kế hoạch “đem chuông đi đánh xứ người”, anh Giang cho biết tại thị trường Singapore, thương hiệu Luckin Coffee đến từ Trung Quốc gần như đang bao phủ với những kiosk rất nhỏ.
Theo số liệu của CNBC, tính đến cuối năm 2023 Luckin Coffee đã mở 30 cơ sở tại quốc đảo Đông Nam Á kể từ khi xuất hiện hồi tháng 3/2023. Ở quê nhà Trung Quốc, Luckin Coffee vượt qua Starbucks để trở thành chuỗi cà phê lớn nhất dù mới được thành lập năm 2017, với số cửa hàng đã lên đến hơn 13.000.
Công thức của Luckin Coffee khá tương đồng với một thương hiệu đang rất thành công ở Việt Nam là Mixue: mô hình nhượng quyền, mặt bằng nhỏ gọn chủ yếu để bán mang đi, giá cả hợp túi tiền và sản phẩm được yêu thích.
Trước mức độ phổ biến của Luckin Coffee tại Singapore, anh Giang cho biết bên mua nhượng quyền đã hỏi rằng …Ka muốn bắt đầu từ mô hình nhỏ gọn như vậy hay mở cửa hàng lớn cho khách hàng trải nghiệm.
“Tiền thuê mặt bằng bên Singapore rất đắt đỏ, mở cửa hàng lớn rất khó. Tuy nhiên, tôi yêu cầu với họ rằng Luckin làm như thế nào thì mình làm ngược lại, tức là mở cửa hàng lớn để trải nghiệm. Mình không thể đọ lại những thương hiệu sở hữu rất nhiều thế mạnh về công nghệ, app, quy mô chuỗi… nên phải định vị gần như ngược lại với họ.
Để thuê mặt bằng bên Singapore tốn rất nhiều chi phí, đôi khi lên tới 200 – 300 triệu cho một cửa hàng 80 m2 hai tầng, nhưng phải như vậy mới đi được“, ông chủ của …Ka nêu quan điểm.
Nói thêm về kế hoạch tiến sang Singapore, anh Giang cho biết …Ka có thể sẽ tìm thương hiệu để hợp tác bán các sản phẩm truyền thống của Việt Nam trong cửa hàng. Mặt bằng được thuê khá rộng, mô hình kinh doanh bao gồm cả ăn và uống, trong khi đồ ăn mới đang có bánh mì. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa các thương hiệu còn giúp tạo ra sự mới mẻ, thú vị, thu hút khách hàng.
Đề cập tới tình hình kinh doanh năm 2023, anh Giang cho biết nhờ mở được thêm một cửa hàng nên doanh số chung của …Ka tăng. Tuy nhiên, doanh số trung bình mỗi cửa hàng bị giảm so với năm 2022, do tình hình tiêu dùng chung của thị trường. Mặc dù vậy, lợi nhuận của …Ka lại tăng nhờ tối ưu được quy trình vận hành.
Về kế hoạch năm 2024, anh Giang mong muốn các cơ sở mới của …Ka sẽ tiến vào trung tâm thành phố, thay vì nằm ở những khu vực rìa như hiện nay.
“Trong ngành bán lẻ nói chung, yếu tố làm nên thương hiệu rõ ràng nhất là địa điểm. 3 năm qua, …Ka chọn định vị là nằm trong ngõ, không quá trung tâm để cạnh tranh theo hướng thiên về sản phẩm. Sau thời gian tích lũy, chúng tôi cũng có nguồn lực nhất định. Tôi đánh giá 2024 là năm mà …Ka có thể mở rộng, với mục tiêu là tiến vào trung tâm“, anh chia sẻ.