Tờ The Star (Malaysia) đưa tin hôm 28/7, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim đã nộp đơn xin gia nhập nhóm nước mới nổi BRICS.
Trong thông báo của văn phòng thủ tướng, nguyện vọng gia nhập BRICS của Malaysia là chủ đề chính cuộc thảo luận của ông Anwar với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov có chuyến thăm Malaysia trong hai ngày 27 và 28/7.
“Malaysia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS cho Nga – nước hiện là chủ tịch luân phiên của tổ chức này”, ông Anwar cho biết. Nước này muốn tham gia với vai trò thành viên chính thức, hoặc đối tác chiến lược.
Trước đó, ngày 18/6, Malaysia xác nhận có kế hoạch gia nhập BRICS. Ông Anwar đánh giá tổ chức quốc tế này có “ý nghĩa chiến lược” với Malaysia, đồng thời nhận định vị trí địa lý của nước mình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khối.
“Phương Tây muốn kiểm soát quỹ đạo của thế giới, nhưng chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận điều này. Các quốc gia độc lập có quyền tự do bày tỏ nguyện vọng. Trật tự thế giới đơn cực không còn tồn tại. Sự trỗi dậy của BRICS và Trung Quốc đang mở ra niềm hy vọng mới về kiểm soát và cân bằng quyền lực toàn cầu”, Thủ tướng Anwar bình luận.
BRICS thành lập năm 2009, với thành viên ban đầu là các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập năm 2010. Đến nay, nhóm này được mở rộng, gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE. Tổ chức này đóng góp khoảng 25% GDP, 40% dân số và 20% thương mại toàn cầu. Hơn 20 quốc gia khác cũng đang đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
BRICS được coi là đối trọng của G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy). Ngoài việc hỗ trợ cho các thành viên, tổ chức này nhiều năm qua còn đặt mục tiêu tung ra đồng tiền chung, giảm phụ thuộc vào USD.
Năm 2015, họ thành lập NDB – giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vốn do Mỹ và châu Âu thống trị. Nhưng sau 9 năm hoạt động, NDB chỉ cho vay được 33 tỷ USD, khá nhỏ so với IMF và WB.
Hà Thu (theo The Star)