Metro Nhổn – ga Hà Nội sẽ miễn phí cho tất cả hành khách trải nghiệm trong 15 ngày đầu.
Thời gian chạy tàu trong các ngày tiếp theo từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ, tần suất 10 phút/chuyến tại tất cả nhà ga trên cao.
Sáng cùng ngày 6-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra, làm việc tại Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội
Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết về khai thác thương mại đoạn trên cao (từ ga S1 đến ga S8), toàn bộ đoạn trên cao của Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử, công tác nghiệm thu và các thủ tục pháp lý đã hoàn thành, đủ điều kiện để vận hành thương mại.
Đối với đoạn ngầm (từ ga S9 đến ga S12), bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9 tiến độ tổng thể đạt 43,50%. Trong đó, phần các ga ngầm 49,4% (tương đương 23,6% toàn bộ gói thầu), phần hầm đạt 39,5% (tương đương 19,9% toàn bộ gói thầu). Hoạt động thi công diễn ra trên tất cả các công trường…
Ngày 30-7, hầm TBM số 1 đã khởi công, đến nay 9,8 m hầm đã được thi công, 9 vòng vỏ hầm đã được lắp đặt. Máy khoan hầm TBM số 2 dự kiến khởi công vào ngày 30-9-2024. Theo kế hoạch, công tác khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11-2025; toàn bộ phần ngầm của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12-2027.
Đối với việc thi công gói thầu hầm và các ga ngầm, ông Nguyễn Cao Minh cho rằng mặc dù chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn và nhà thầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn và chất lượng theo hợp đồng, nhưng do đây là lần đầu tiên tiến hành khoan hầm bằng máy TBM trên địa bàn Hà Nội và đi qua khu vực đông dân cư có thể có những thách thức không lường trước, cần phải có các giải pháp ứng phó kịp thời và khẩn cấp.
Về dự án này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao Bộ Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, chủ đầu tư và nhà thầu đã tích cực phối hợp để bảo đảm đủ điều kiện vận hành đoạn trên cao của dự án. Đây là niềm mong chờ của người dân Thủ đô và dư luận xã hội.
Từ kinh nghiệm vận hành đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị cần cố gắng vận hành thương mại đoạn trên cao trong tháng 8-2024 để người dân trải nghiệm, hình thành thói quen, cách tiếp cận mới về phương tiện vận tải hành khách khối lớn trong khu vực.
Với các kiến nghị của Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, thành phố sẽ giải quyết nhanh nhất, sớm nhất; đồng thời Ban cũng phối hợp để thiết lập quy trình chính thức, đẩy nhanh công tác vệ sinh môi trường đoạn trên cao chuẩn bị được vận hành. Với phần đi ngầm của dự án, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị các quận có liên quan chủ động, sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp không lường trước (nếu có).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô đang được trình cấp có thẩm quyền, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng dự án là cơ hội “ngàn năm có một” để tiếp cận công nghệ quốc tế, tích lũy kiến thức thực tiễn để đội ngũ cán bộ, kỹ sư nâng cao trình độ, kinh nghiệm; từ đó bảo đảm thành phố sẽ có được đội ngũ chuyên gia phục vụ xây dựng các công trình giao thông lớn trong tương lai cũng như đào tạo nhân lực cho ngành tại các đại học trên địa bàn.
Tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; trong đó, đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-ga Hà Nội) dài 4 km.
Năm 2009, thời điểm khởi công dự án, TP Hà Nội dự kiến khai thác thương mại tuyến metro này vào năm 2015. Thời điểm đó, dự án có tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro.
Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1,176 tỉ Euro.
Tháng 5-2023, dự án tiếp tục được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 1,3 tỉ Euro; thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2027.