Thế Giới

Một nghề ‘khát nhân lực’ sắp được cả thế giới săn đón, mỗi tiếng kiếm tới 1,2 triệu đồng, nhưng phải đáp ứng một yêu cầu khắt khe

Sau 7 năm làm thực tập sinh, Dakota Carter, 29 tuổi, hiện là người giám sát trang trại gió Rail Splitter ở Delavan, tiểu bang Illinois, Mỹ. Carter đã lựa chọn đúng nghề, đúng thời điểm. Vì dữ liệu liên bang cho thấy kỹ thuật viên tuabin gió đang là công việc phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Mặc dù số lượng việc làm mới không nhiều, nhưng công việc này có mức tăng dự kiến 45% từ năm 2022 đến năm 2032, nhiều hơn mọi ngành nghề khác.

Trang web việc làm Indeed cho biết số lượng tuyển dụng kỹ thuật viên tuabin gió đã tăng 30% vào năm 2023. Cục Thống kê Lao động dự kiến sẽ có khoảng 1.800 vị trí tuyển dụng mỗi năm trong thập kỷ tới. Trên khắp Australia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc và Mỹ, nhu cầu về nhân lực sẽ là khoảng 240.000 người vào năm 2027.

Các quốc gia muốn nhanh chóng xây dựng trang trại gió trên đất liền và ngoài khơi để có thể đáp ứng mục tiêu về năng lượng tái tạo và giảm khủng hoảng khí hậu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng để thế giới đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, cần phải bổ sung thêm khoảng 17% công suất điện gió vào lưới điện mỗi năm. Mỹ dự kiến sẽ bổ sung thêm 11% công suất từ năm 2023 đến 2025.

Năm ngoái, mức lương trung bình cho một kỹ thuật viên tuabin gió là 61.770 USD, nhưng danh sách trên Indeed cho thấy mức lương trung bình là 80.100 USD/năm (khoảng 2 tỷ VNĐ). Chuyên gia về lĩnh vực gió Harry Willats, cố vấn điều hành tại Darwin Recruitment, nói với Business Insider rằng mức lương khởi điểm cho một kỹ thuật viên gió thường là 20 USD đến 25 USD một giờ. Những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hơn có thể kiếm được gần 50 USD/giờ (khoảng 1,2 triệu VNĐ). Ngoài ra, kỹ thuật viên gió ngoài khơi có thể kiếm nhiều hơn 30% đến 40% so với những người làm việc trong đất liền.

Một nghề ‘khát nhân lực’ sắp được cả thế giới săn đón, mỗi tiếng kiếm tới 1,2 triệu đồng, nhưng phải đáp ứng một yêu cầu khắt khe- Ảnh 2.

Thông thường, mọi người hoàn thành chương trình chứng chỉ điện một năm tại trường cao đẳng sau đó làm thực tập sinh. Những người muốn làm việc ngoài khơi còn phải hoàn thành các khoá học về an toàn cơ bản, sơ cứu và sinh tồn trên biển.

Ban đầu, kỹ thuật viên có thể làm công việc bảo trì và vệ sinh theo lịch. Khi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn, họ có thể tiến hành khắc phục sự cố, sửa chữa và quản lý đội ngũ.

Carter nói: “Khó khăn lớn nhất là thời tiết. Bạn có thể làm việc trong môi trường nắng nóng hoặc giá lạnh. Bạn cũng phải đu mình trên cao. Đó là công việc đòi hỏi thể lực tốt”.

Nhưng Carter nói rằng làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khiến anh cảm thấy như mình đang giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Hiện Carter là người giám sát, anh dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với các nhà phát triển và mọi người trong cộng đồng về các dự án mới mà công ty đang thực hiện.

Theo BI

Nguồn