Ngày 17/4/2025, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, trình thông qua kế hoạch doanh thu năm 2025 là 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với doanh thu thực hiện năm 2024. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thực hiện năm 2024. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2025 là 20%.
Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay và là mức lợi nhuận cao thứ 2 lịch sử của Hòa Phát.
Được quan tâm nhất tại Đại hội là thông tin về Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 – dự án theo kế hoạch được vận hành thương mại vào năm nay, đưa công suất sản xuất thép thô của Tập đoàn này nhảy vọt lên một nấc thang mới.
Trong quý 1/2025, Hòa Phát đã triển khai Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 đúng tiến độ, chạy thử phân kỳ 1. Trong suốt những năm qua, Tập đoàn liên tiếp thực hiện đầu tư vào các dự án lớn.
Bài toán của công ty thép lớn nhất Việt Nam là đầu ra cho sản phẩm, trong bối cảnh ngành thép liên tiếp bị đánh các đòn thuế quan từ chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia.
Tỷ trọng xuất khẩu trong tổng tổng doanh thu của Hòa Phát năm 2024 ở mức 31%, tỷ lệ này có sự nhảy vọt từ 9% lên 26% vào năm 2020 khi dự án Dung Quất 1 chính thức vận hành.
Thị trường nội địa – với từ khóa “đầu tư công” được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong năm nay và năm sau.
Để chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cũng như hoàn thành mục tiêu 3000km đường bộ cao tốc và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong năm 2024, Hòa Phát đã ký hợp đồng với Tập đoàn MFL Group (Italy) – nhà cung cấp thiết bị sản xuất cáp thép dự ứng lực (PC Strand) lớn nhất thế giới nhằm đầu tư nâng gấp đôi công suất thép dự ứng lực.
Một chính sách hỗ trợ cho tiêu thụ thép nội địa của Hòa Phát là vào ngày 21/2/2025, Bộ Công thương đã công bố thuế Chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sau quá trình khởi xướng điều tra từ tháng 7/2024 theo yêu cầu của Hòa Phát và Formosa.
Theo đó 27 công ty Trung Quốc cùng 96 công ty thương mại có liên quan sẽ chịu thuế từ 19,38% – 27,83%, thuế với các nhà xuất khẩu khác là 27,83%, quyết định sẽ có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày công bố.
Trong thời gian này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tham vấn các bên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng
Hòa Phát đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia, các ngành công nghiệp ô tô, đường sắt, đóng tàu… và xuất khẩu ra thế giới.
Theo thông báo, Hòa Phát sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt ngay trong tháng 4 với mục tiêu cung cấp sản phẩm phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Ngay sau “siêu dự án” Dung Quất, Hòa Phát đang lên kế hoạch cho các dự án lớn tại Phú Yên. Mới đây, Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Phú Yên về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án chiến lược với tổng vốn hơn 120.000 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD).
Các dự án bao gồm: Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm (13.300 tỷ đồng), Cảng Bãi Gốc (24.000 tỷ đồng) và Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm (86.000 tỷ đồng).