Ngành mỹ phẩm Trung Quốc đang trải qua thời kỳ hoàng kim chưa từng có trong lịch sử nhờ sự bùng nổ của hàng loạt nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Tiktok Shop, Temu, Shein hay AliExpress.
Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu mỹ phẩm Trung Quốc sang Hàn Quốc đã tăng 190% trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt tổng kim ngạch 152 triệu USD, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu mỹ phẩm Trung Quốc vào Nhật Bản cũng đạt hơn 121 triệu USD năm 2023, tăng 80% so với năm 2018.
Không dừng lại đó, những sản phẩm làm đẹp “Made in China” cũng xuất khẩu đến 489,6 triệu USD sang thị trường Đông Nam Á, tăng 38% so với năm 2022.
Báo cáo của Hải quan Trung Quốc cho thấy mỹ phẩm nước này đã xuất khẩu gần 7,6 tỷ USD tổng giá trị kim ngạch năm 2023, tăng 100% so với cách đây 10 năm và phá kỷ lục chưa từng thấy.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự bùng nổ của các nền tảng TMĐT tại Đông Nam Á và Đông Á.
Rẻ, đẹp, tiện lợi
Vào tháng 3/2024, những nền tảng như Temu và AliExpress đã thống trị số lượng tải xuống cho hệ điều hành smartphone iOS ở Hàn Quốc, qua đó cho thấy sức mạnh của các ứng dụng TMĐT từ Trung Quốc.
Số liệu của Business Korea cho thấy lượng người dùng Temu hàng tháng tại Hàn Quốc đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 3 tháng. Trong khi đó thị phần của AliExpress tại Hàn Quốc cũng đã tăng lên đến 26,6% trong năm 2023.
Tại Đông Nam Á, hàng loạt những cái tên Trung Quốc như Shopee của Tencent, Lazada của Alibaba hay Tiktok Shop của ByteDance thống lĩnh thị trường.
Hậu đại dịch Covid-19, mảng mỹ phẩm đang dịch chuyển khá mạnh từ kinh doanh truyền thống sang online do khách hàng chỉ việc click là có thể mua được sản phẩm dễ dàng. Chính điều này đã tạo thêm cơ hội cho mỹ phẩm Trung Quốc vốn nổi tiếng với chuỗi logistic hiệu quả và các nền tảng TMĐT nổi tiếng.
Thậm chí sự bùng nổ này còn đang dần làm thay đổi về quan điểm thẩm mỹ, trang điểm ở nhiều nước khi phong cách Trung Quốc được đánh giá là thực tế, trưởng thành trong cuộc sống hơn là kiểu dễ thương của Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Một yếu tố quan trọng nữa làm nên tên tuổi cho mỹ phẩm Trung Quốc là giá rẻ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu như đồ trang điểm. Trớ trêu thay, giá cả lại là nhược điểm của mỹ phẩm Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, chi phí khả dụng hộ gia đình chỉ tăng 2% trong năm 2023 nhưng giá thực phẩm lại tăng đến hơn 6%. Tờ Yonhap cho hay chính vì chi phí sinh hoạt tăng cao, cuộc sống khó khăn hơn đã khiến mỹ phẩm giá rẻ Trung Quốc thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc.
Trên các trang TMĐT như Amazon, một hộp mascara nổi tiếng của L’Oreal có giá đến 10 USD nhưng trên AliExpress, sản phẩm bán chạy nhất chỉ có giá 1 USD và được sản xuất bởi O.Two.O, một thương hiệu mỹ phẩm đến từ Quảng Châu.
Nghiên cứu của hãng tư vấn TMĐT Meetsocial cho thấy xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm giá rẻ Trung Quốc cũng đang bành trướng ở Đông Nam Á. Những dòng sản phẩm kẻ mắt chỉ có giá chưa đến 2 USD từ Trung Quốc đang là một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở khu vực này, qua đó cho thấy tiềm năng của các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc.
*Nguồn: Sixth Tone