Theo
SCMP
, nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump trùng với giai đoạn năng lực chuyên giao công nghệ lưỡng dụng của Trung Quốc bứt tốc mạnh mẽ.
Chuyên gia Tian Qingfeng tại Đại học Công nghệ Tây Bắc Trung Quốc (NWPU), chủ nhiệm dự án nghiên cứu, cho biết các lệnh trừng phạt của Washington với Bắc Kinh đã thúc đẩy năng lực chuyển giao công nghệ lưỡng dụng của Trung Quốc.
Chẳng hạn, năng lực chuyển giao công nghệ giữa quân sự và dân sự tại tỉnh Thiểm Tây ở phía tây bắc Trung Quốc gần như tăng gấp đôi chỉ trong một năm kể từ năm 2020.
Tại tỉnh Quảng Đông ở phía nam, năng lực chuyển giao đạt đến giới hạn lý thuyết vào năm 2021, đồng nghĩa hơn 90% các công nghệ dân sự mới có thể chuyển đổi để sử dụng trong quân sự và ngược lại.
Trước năm 2016, tỷ lệ này ở Trung Quốc luôn duy trì dưới 20%, do quân đội thường không tin tưởng vào các nhà sản xuất dân sự, trong khi các doanh nghiệp dân sự lo ngại việc phát triển công nghệ quân sự làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và người tiêu dùng nước ngoài.
Ông Trump “vô tình” giúp Trung Quốc
Nghiên cứu cho rằng, ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên (2017 – 2020) đã vô tình giúp Trung Quốc phá bỏ những rào cản vô hình trong việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng, vốn gây khó khăn cho chính phủ nước này suốt nhiều thập kỷ.
Bằng các biện pháp hành chính, chính quyền ông Trump khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ZTE mất gần như toàn bộ nguồn cung cấp chip chỉ sau một đêm. Trong khi với các biện pháp ngoại giao, Mỹ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, tại Canada.
Số lượng lớn công ty Trung Quốc sau đó bị đưa vào danh sách trừng phạt và hàng nghìn nhà khoa học tại các trường đại học Mỹ có mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc bị chính quyền liên bang điều tra.
“Thời điểm đó, ngành sản xuất Trung Quốc đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng, trong khi các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu gia tăng các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Bắc Kinh. Điều này tạo ra một rào cản kỹ thuật khó vượt qua”
, nhóm nghiên cứu cho hay.
“Do đó, việc phát triển công nghệ lưỡng dụng trong các lĩnh vực mới nổi trở thành con đường quan trọng để thúc đẩy đổi mới độc lập và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài”.
Dựa trên dữ liệu của 170 công ty liên quan, nhóm nghiên cứu của ông Tian nhận thấy hiệu suất chuyển giao công nghệ lưỡng dụng của Trung Quốc tăng gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2021, đặc biệt tăng nhanh trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump.
Công nghệ mới bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học lượng tử, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ sinh học, không gian mạng, hàng không vũ trụ và công nghệ hàng hải. Những lĩnh vực này được cho là có tiềm năng làm thay đổi sâu sắc cục diện cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cả về kinh tế lẫn quân sự.
Đáng chú ý, Trung Quốc không có sự chênh lệch về năng lực công nghệ quân sự và dân sự.
“Khi công nghệ quân sự và dân sự trong một lĩnh vực mới nổi đạt mức ngang bằng, kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ đến từ cả hai phía, họ sẽ cùng nhau phát triển và khám phá thế hệ công nghệ mới tiếp theo nhằm phá vỡ sự kiềm chế của Mỹ”
, nhóm nghiên cứu cho hay.
Xét về mặt phát triển khu vực, khu vực quân sự trung tâm của Trung Quốc, do Bắc Kinh dẫn đầu với vai trò trung tâm chính trị và công nghệ, có hiệu suất chuyển đổi cao nhất.
Khu vực quân sự phía đông, dẫn đầu là trung tâm kinh tế Thượng Hải, cũng chứng kiến sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng.
Khu vực quân sự phía Nam, do tỉnh Quảng Đông dẫn đầu, có tiềm năng rất lớn, các nhà nghiên cứu nhận định. Khu vực này là nơi đặt trụ sở của nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc.
Nhóm ông Tian cho rằng rào cản lớn nhất đối với việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng chính là “ý chí”. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ cùng sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc,
“ý chí hợp tác giữa quân sự và dân sự để hoàn thành nghiên cứu và phát triển công nghệ mới đã đạt mức cao chưa từng có”.
Báo cáo viết:
“Thông qua quá trình này, Trung Quốc không chỉ nâng cao năng lực chiến đấu trong các lĩnh vực và loại hình mới mà còn đạt được mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao”.