Thương Hiệu

Nên giữ gìn giá trị truyền thống của lễ hội chọi trâu hay tạm dừng?

“Có hiện tượng làm sai lệch nội dung di sản”

Nhiều tranh luận gay gắt về việc nên giữ gìn giá trị truyền thống của lễ hội chọi trâu hay tạm dừng lễ hội?

Chọi trâu là lễ hội dân gian có từ thời xa xưa, là một phần của đời sống văn hóa tinh thần của người dân nhiều địa phương, với ý nghĩa hiến tế, tạ ơn thần linh, hoặc tái hiện sự tích của tiền nhân (như lễ hội ở Đồ Sơn tiếp nối truyền thống có từ hồi Quận He Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa, mở hội chọi trâu để cổ vũ, động viên tinh thần binh sỹ)…

Tuy nhiên thời nay, những ý nghĩa ban đầu của lễ hội chọi trâu dường như bị lu mờ dần và nhận được không ít phản hồi thiếu tích cực. Nhiều người cho rằng hình ảnh con trâu hiền lành chọi nhau là rất phản cảm, con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp” nay lại trở thành vật cá độ mỗi dịp lễ hội… Việc tổ chức lễ hội này đã đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu, bị thương mại hóa và thậm chí gây nên tai nạn chết người. Nhiều lễ hội chọi trâu được tổ chức nhằm mục đích cá cược ăn thua.

Ngoài việc theo dõi màn kịch đấu của những chú trâu, ấn tượng nhiều về lễ hội chính là sự xôm tụ của “chợ thịt trâu” sau đó, gây cảm tưởng sự kiện được tổ chức như một cách để kinh doanh thịt trâu với giá cao ngất ngưởng hàng triệu đồng một kg. Một số biểu hiện biến tướng, lùm xùm từng diễn ra đâu đó như cá độ, cho trâu sử dụng chất kích thích, vuốt nhọn sừng trâu… cũng làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội truyền thống.

Gần đây nhất, sự cố liên quan đến tình trạng mất kiểm soát của trâu chọi số 17 tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) diễn ra vào ngày 14/2/2025 dẫn đến tin đồn trâu bị “chích điện chết trên sân đấu” không chỉ gây lo lắng về sự an toàn của công chúng mà còn gợi xót thương về số phận của những con vật. Nhiều người cho biết họ không cảm nhận được niềm vui khi nghĩ về những chú trâu bị kích động để hung hãn lao vào nhau chiến đấu rồi bị khống chế bằng sức mạnh và kết thúc bằng cái chết.

Nên giữ gìn giá trị truyền thống của lễ hội chọi trâu hay tạm dừng?

Trên group tên Vĩnh Phúc Của Tôi có bài đăng: “Không có chuyện trâu chọi ở Vĩnh Phúc bị chích điện đến chết giữa sân khấu”. Bài viết nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng khi có 3,1k lượt thích và 1,3k bình luận với nhiều tranh luận gay gắt về việc nên giữ gìn giá trị truyền thống của lễ hội chọi trâu hay tạm dừng lễ hội?

Người dùng facebook Trang Linh để lại bình luận: “Nhiều thánh cứ bảo trâu điên không chích điện ko giết nó để nó húc chết người à vậy hỏi lại mấy người là ai? Con người hay loài động vật nào đã khiến nó phát điên, thú vui tiêu khiển của loài người bằng cách nhìn những con vật được gọi từ xa xưa là đầu cơ nghiệp của mỗi gia đình tàn sát lẫn nhau rồi thua cũng giết mà thắng cũng giết, cái đáng nói ở đây là không phải những người họ phản đối lễ hội này đều là những người ăn chay, không sát sinh mà người ta lên án những hình ảnh tàn sát giã man trước đông đảo con người tung hô, khích lệ, rồi cả thế hệ con trẻ nữa, nó sẽ hình thành tính cách tàn bạo từ những lễ hội đó, cái đó mới là trọng tâm của việc không đồng tình tổ chức lễ hội này”

Sau bình luận này nhiều người bày tỏ đồng tình với ý kiến nên bỏ lễ hội chọi trâu như: “Bỏ tục lệ chọi trâu đi nhìn thương những con trâu chọi. Mong Nhà nước dẹp bỏ thấy ác ác máu lạnh với động vật quá”, “Bỏ cái lễ hội này đi, cần lên án mạnh để bỏ mấy cái lễ hội chọi vớ vẩn này còn giết thịt động vật dã man như vậy!”, “Chỉ ở cái sứ mọi rợ mới có cảnh chọi trâu, rồi thắng cũng giết mà thua cũng giết, nên dẹp cái trò mua vui đầy tính dã man, mọi rợ này đi, không hay ho gì mà hò reo cổ xúy”.

TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) nhìn nhận: “Trong thực tế, đã có hiện tượng lợi dụng thực hành di sản, làm sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Việc tổ chức lễ hội những năm qua có một số bất cập, để xảy ra một số sự cố, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Nhiều hoạt động truyền thông, khuếch trương lễ hội của địa phương nhằm thu hút khách du lịch khiến cho việc đánh giá bản chất của lễ hội có phần xa rời thực tế, làm du khách hiểu chưa đúng, chưa hết các giá trị của lễ hội chọi trâu”.

Luật Di sản văn hóa nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để kích động bạo lực, phá hoại thuần phong mỹ tục… Ngay trong hồ sơ khoa học đề nghị đưa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã có cam kết bảo vệ di sản bằng cách giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, tránh khuynh hướng thương mại hóa làm sai lệch bản chất lễ hội, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của lễ hội.

“Thay vì bỏ, cần bảo vệ giá trị cốt lõi của lễ hội”

Nên giữ gìn giá trị truyền thống của lễ hội chọi trâu hay tạm dừng?
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang giá trị văn hóa và tâm linh, đã được cộng đồng cư dân Đồ Sơn, Hải Phòng thực hành, bảo vệ, phát huy hàng nghìn năm nay.

Các đơn vị của Bộ VHTT&DL từng tổ chức một số cuộc tọa đàm về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Các chuyên gia thống nhất rằng lễ hội truyền thống và các tập tục đi kèm cần tiếp tục được nghiên cứu để một mặt phát huy những giá trị lịch sử – văn hóa của lễ hội truyền thống Việt Nam, mặt khác điều chỉnh, thay thế dần những yếu tố nếu không phù hợp với đạo lý của dân tộc và sự phát triển chung của xã hội.

TS. Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: “Trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không nên đặt vấn đề cấm một lễ hội truyền thống nào đó chỉ vì có các hiện tượng đi kèm. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến lễ hội truyền thống là quá trình tuyên truyền nâng cao ‘”dân trí”, “quan trí”, chất lượng truyền thông và vận động quần chúng lâu dài.

Trên tinh thần tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tôn trọng quyền thực hành, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, thay vì cấm tổ chức hoạt động lễ hội này bằng mệnh lệnh hành chính, địa phương cần tăng cường tuyên truyền những giá trị cốt lõi của tục chọi trâu, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của các thực hành văn hóa đối với cộng đồng chủ thể, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa và điều ước quốc tế liên quan, đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn các giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng”.

Tục chọi trâu ở nước ta có lịch sử lâu đời và được cộng đồng thực hành ở nhiều nơi, từ ven biển (Đồ Sơn) cho tới trung du (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), từ sau khi vua Lý Thái Tông ban hành “Chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân” năm 1048. Tục chọi trâu ở Đồ Sơn gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của cả tổng Đồ Sơn là “Điểm Tước thần vương”, vị thượng đẳng thần bảo trợ người dân trước thiên tai và trong mỗi chuyến ra khơi.

Đối với cư dân biển Đồ Sơn, chọi trâu là sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng vì hình ảnh “đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng bạc” trong truyền thuyết liên quan đến sự vận động của mặt trăng hay quy trình lên xuống của thủy triều – yếu tố hết sức quan trọng với người dân miền biển, sống dựa vào biển. Đôi sừng trâu cũng là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển vẫn tôn thờ.

Từ khi ra đời cho đến nay, chọi trâu Đồ Sơn luôn có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển, hàng ngày bám biển để mưu sinh. Lễ hội thể hiện sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển; gắn việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu được thực hành, trao truyền đến ngày nay. Với các giá trị nêu trên, năm 2012, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa phân tích: “Với di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng là người quyết định sự tồn tại của nó, bởi chính họ là người nhận thức đầy đủ nhất về bản sắc văn hóa, giá trị của di sản mà mình đang nắm giữ. Tuy nhiên, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang giá trị văn hóa và tâm linh, đã được cộng đồng cư dân Đồ Sơn, Hải Phòng thực hành, bảo vệ, phát huy hàng nghìn năm nay; điều đó thể hiện sức sống và sự tồn tại vững bền của di sản trong cộng đồng.”

Ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) có chung quan điểm này khi khẳng định lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản của nhân dân và nhấn mạnh: “Người làm nên lễ hội là nhân dân và nếu bỏ lễ hội thì đó cũng phải là ý kiến của nhân dân. Việc đặt ra vấn đề bỏ hay không bỏ lễ hội theo tôi không phù hợp. Chúng ta nên đặt vấn đề có giải pháp nào để duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội”.

Ông Tuấn chia sẻ: “Ai đã về Đồ Sơn và tham gia lễ hội sẽ thấy người dân tôn thờ, gọi trâu bằng “ông”. Những trâu đoạt giải được dân làng làm lễ hiến sinh dâng Thành Hoàng làng cầu sức khỏe, bình an, may mắn. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của lễ hội hội chọi trâu đối với đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương. Tuy nhiên, để tránh những sai sót, nguy cơ có thể xảy ra trong lễ hội, địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, chẳng hạn hệ thống đường dắt trâu được thiết kế để đảm bảo những con trâu thua chạy được bắt lại một cách an toàn nhất”.

Những “ông trâu” tham gia lễ hội phải được chọn lựa, chăm sóc, thuần dưỡng kỹ càng. Trước lo ngại của người dân về việc cho trâu dùng chất kích thích để tăng tính hơn thua, ông Tuấn cho biết, ban tổ chức đã kiểm tra chặt chẽ các “ông trâu” qua nhiều vòng. “ông trâu’ muốn giành chức vô địch phải chiến thắng ở 4 trận đấu, nếu dùng kích thích sẽ không thể đấu được ở những vòng sau.



Nguồn