Nghiên cứu công nghệ AI cho mục đích bảo vệ thương hiệu nông sản
Dâu tây Đà Lạt được công nhận là “Đặc sản châu Á”. Ảnh Quỳnh Trần |
Tình trạng mạo danh nông sản Đà Lạt diễn ra trong thời gian dài
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, tính đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỉ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực to lớn ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi. Điển hình như tại Đà Lạt, thời gian qua, một số thương lái đã nhập khoai tây Trung Quốc rồi nhuộm đất đỏ, giả mạo khoai tây Đà Lạt để bán ra thị trường với số lượng lớn.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc gian lận thương mại liên quan đến nông sản của Đà Lạt, như đối với khoai tây, dâu tây, cà rốt và một số sản phẩm khác. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này nhằm bảo vệ thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 30.000 ha cây trồng nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ thông minh có bước phát triển mạnh. Năm 2024, toàn tỉnh có 69.000 ha nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 21% diện tích canh tác (gồm 670 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số).
Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 100.000 ha áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận đạt 2.400 ha, tăng 2.295 ha; VietGAP 8.500 ha, tăng 5.234 ha và 89.100 tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nước và quốc tế khác, tăng 9.096 ha.
Toàn tỉnh có 34 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền (gồm 25 nhãn hiệu chứng nhận, chín nhãn hiệu tập thể). Trong số đó có hai nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.
Toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận với 221 chủ thể tham gia chương trình. Trong đó có hai sản phẩm 5 sao, bảy sản phẩm đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá phân hạng 5 sao; 87 sản phẩm 4 sao, 311 sản phẩm 3 sao.
Đối với thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đến nay đã có 768 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận.
Đạt được các kết quả trên và khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng trong lòng người tiêu dùng là quá trình lâu dài, nỗ lực của người sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết việc giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của nông dân. Hội hướng đến việc xây dựng tư duy bảo hộ thương hiệu tới từng nông dân, cán bộ, nhân viên sở, ngành.
Bà Lương Thị Yến Vân, Giám đốc Hợp tác xã Vườn Nhà Đà Lạt rất bức xúc khi nông sản Đà Lạt không những là khoai tây mà còn có dâu tây, các loại rau và nhiều sản phẩm khác bị giả mạo.
Bà Yến cho biết, đơn vị của bà là hợp tác xã nên ngoài việc trồng thì có liên kết với hơn 200 hộ nông dân. Nhưng khi nhắc đến trồng khoai tây, hầu hết nông dân rất ngại trồng do giá khoai tây giả mạo khoai Đà Lạt rất thấp trên thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng rất khó nhận biết hàng Đà Lạt và hàng giả Đà Lạt, ngoại trừ người trồng nên hàng Đà Lạt bị lấn át…
Nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý tham dự tọa đàm. |
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thực tế còn tồn tại các vụ việc tranh chấp hoặc nhãn hiệu sản phẩm nông sản của doanh nghiệp bị xâm phạm trên thị trường quốc tế như: Cà phê Trung Nguyên, Gạo ST25, Cà phê Buôn Ma Thuột, Nước mắm Phú Quốc…; và các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm từ vùng khác được gắn nhãn mác giả mạo thương hiệu Đà Lạt để lợi dụng uy tín của thương hiệu (ví dụ vấn đề khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt); việc có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua sao chép bao bì, nhãn mác, logo của sản phẩm Đà Lạt để bán hàng kém chất lượng nhưng vẫn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…
Để bảo vệ thương hiệu các sản phẩm này, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương, Khoa học và Công nghệ đang tích cực tập trung nguồn lực, triển khai chương trình phối về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, nhằm tuyên truyền, phổ biến dưới hình thức hội thảo, tập huấn và xây dựng tài liệu tuyên truyền, quảng bá.
Đối với các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản…
Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản; có ý thức xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho phát triển nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển doanh nghiệp…
Tại tọa đàm, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gian lận thương mại đối với nông sản Đà Lạt là do chất lượng nông sản Đà Lạt rất cao, giá thành sản xuất cao và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Để giải quyết tình trạng này, trước hết, cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất; đầu tư nghiên cứu bộ giống tốt, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ; quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bao gồm việc xác định rõ nguồn gốc, sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả xuất xứ.
“Cần quản lý chặt chẽ hơn thương hiệu ‘Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành’, trong đó mỗi doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu chính mình. Để làm sao những sản phẩm bán ra thị trường sẽ được chứng minh là thương hiệu Đà Lạt. Còn nếu không đủ đảm bảo thương hiệu Đà Lạt thì đây là những sản phẩm không đạt chất lượng, người tiêu dùng cũng sẽ thấy được đây là sản phẩm không phải thương hiệu Đà Lạt. Cần tiếp tục tuyên truyền các quy định, nghị định có liên quan để hành vi của mọi người có ý gian lận thương mại không dám thực hiện”, TS. Phạm S đề nghị.
Ông Đỗ Minh Ngọc, Phó Giám đốc Sở khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cần xây dựng tư duy bảo hộ thương hiệu tới từng nông dân. Bảo hộ thương hiệu nông sản nói chung hay bảo hộ các sản phẩm nông sản cụ thể như khoai tây Đà Lạt được địa phương quan tâm triển khai nhiều năm qua.
Hiện như thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, hàng trăm sản phẩm nông sản Đà Lạt dán nhãn đưa lên kệ tới tay người tiêu dùng. Đi kèm với quản lý chất lượng, quản lý xuất xứ. Những sản phẩm này lên kệ siêu thị, cửa hàng nếu có vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý.
Việc truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cũng đã triển khai nhưng không nhiều, tuy nhiên không thể dán từng củ khoai tây, cà rốt, trái dâu tây… Lãnh đạo Sở khoa học công nghệ tỉnh cho rằng đề xuất truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và dán nhãn phụ lên sản phẩm như đại diện trang trại Langbiang Farm nêu lên là một trong những giải pháp tốt. Sắp tới, Sở sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án để xử lý triệt để vi phạm giả mạo nhãn hiệu.
Đầu tư công nghệ AI để nhận biết khoai tây Đà Lạt Tại toạ đàm, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gian lận thương mại với nông sản Đà Lạt bao gồm chất lượng nông sản Đà Lạt rất cao, giá thành sản xuất cao, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Về các giải pháp, thứ nhất, cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất. Thứ hai, đầu tư nghiên cứu bộ giống tốt, Trung Quốc đã nghiên cứu 50 năm, giống biến đổi gen, khoai tây Đà Lạt năng suất thu hoạch chỉ 17-18 tấn/ha, còn khoai tây trồng ở Trung Quốc năng suất thu hoạch 40-45 tấn/ha. Thứ ba, đầu tư nghiên cứu khoa học, nhất là về giống cây trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ tư, quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bao gồm việc xác định rõ nguồn gốc, sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả xuất xứ. Như khoai tây Đà Lạt có những đặc điểm khác khoai tây Trung Quốc về hình dáng, số mắt trên củ khoai, màu vỏ, màu ruột… Tỉnh đã có kế hoạch, từ các dữ liệu trên đủ để sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), để người tiêu dùng có thể quét bằng điện thoại thông minh là nhận biết đâu là khoai tây Đà Lạt, đâu là khoai tây Trung Quốc. Tuy nhiên, dù đặt hàng có nhiều đơn vị từ năm 2018, chi ngân sách 1 tỉ đồng cho dự án sử dụng AI để nhận biết khoai tây Đà lạt nhưng vẫn chưa làm được. Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục kêu gọi các đơn vị tham gia nghiên cứu công nghệ này. Giải pháp tiếp theo là tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản Đà Lạt cả trong và ngoài nước để người tiêu dùng nhận diện rõ hơn về giá trị, chất lượng của sản phẩm. Các chuyên gia, cơ quan quản lý cũng đưa ra giải pháp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như chính quyền địa phương, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, công an và quản lý thị trường để quản lý và bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Cuối cùng, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân để nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro. |