Người đi lên từ cơ hàn
Ông Phiêu kể, năm 1990, sau khi được cha mẹ cho 3 công ruộng (3.000 m2), ông bàn với vợ bán hết vàng cưới để mua thêm cho được 1 ha. Ban đầu, ông làm lúa thương phẩm theo tập quán sản xuất cũ nên hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gia đình rất khó khăn, ông phải đi làm thợ hồ, làm thuê nhiều việc. Sau đó, ông trồng nấm rơm, kiếm được số tiền khá lớn rồi mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác lúa thương phẩm rồi chuyển sang làm lúa giống.
Tiên phong sản xuất lúa giống
Năm 1998, ông tham gia Hội Nông dân H.Thốt Nốt (nay là Q.Thốt Nốt) và được hội giúp vay vốn phát triển sản xuất, dự các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo về cây lúa… “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, khi nắm kỹ thuật và tham quan nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ông Phiêu thí điểm mô hình sản xuất lúa giống để tăng thu nhập. Năm 2006, ông sản xuất giống lúa theo hình thức “cấy lúa một tép” trên diện tích 7.000 m2. Tiếp đà thành công, năm 2007, ông áp dụng cho 3 ha đất và chính thức thực hiện mô hình sản xuất lúa giống.
Ông Hồ Bá Phiêu sản xuất chủ yếu các giống lúa chủ lực như OM5451, OM18, Jasmine 85, IR50404, Đài thơm
Trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết rất cần thiết. Vì vậy, đầu năm 2010, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân P.Thốt Nốt, ông Phiêu đứng ra vận động thành lập CLB sản xuất lúa giống Bá Khem. “Thời điểm đó, khu vực ĐBSCL chưa tới 10 trại làm lúa giống. Khi tôi tiên phong làm và lợi nhuận cao thì mới thuyết phục được nhiều hộ dân tham gia để cùng làm giàu từ cây lúa.
“Để sản xuất lúa giống đạt chất lượng, tôi cho công nhân đến ruộng của bà con kiểm tra mỗi vụ 3 lần. Lần đầu khoảng 40 ngày, nếu kiểm tra thấy khác hàng, khác giống thì nhổ hết. Đến 60 – 65 ngày, khi lúa trổ, công nhân vào lựa lại, nếu khác giống sẽ cắt bỏ. Đến 90 ngày kiểm tra lần cuối, nếu ruộng nào không đạt sẽ yêu cầu bà con bán lúa thương phẩm, chứ không thể bán lúa giống. Mỗi vụ, với 100 ha thì loại ra cũng hơn 20 ha. Nhờ đó, việc sản xuất lúa giống đạt chất lượng, tạo được uy tín đối với khách hàng”, ông Phiêu chia sẻ.

Ông Phiêu bên cánh đồng sản xuất lúa giống theo mô hình “cấy lúa một tép”
Tùy mùa vụ và nhu cầu gieo sạ của nông dân, ông Phiêu sản xuất các loại lúa giống khác nhau. Các hộ liên kết được mua giá cao hơn thị trường từ 500 – 700 đồng/kg. Hiện, cơ sở sản xuất lúa giống của ông có diện tích hơn 100 ha, trong đó gồm 15 ha đất của gia đình và hơn 85 ha liên kết với hơn 55 hộ nông dân, sản xuất các giống lúa chủ lực như OM5451, OM18, Jasmine 85, IR50404, Đài thơm…
Tâm huyết với nghề sản xuất lúa giống, năm 2015, ông Phiêu đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng cơ sở xử lý, đóng bao và dịch vụ lúa giống gồm 4 lò sấy, 2 máy tách hạt… cung ứng cho 50 mối khách sỉ ở các tỉnh, thành và Campuchia… Mỗi năm, ông bán hàng ngàn tấn lúa giống, thu nhập từ 4 – 5 tỉ đồng. “Thường thì vụ hè thu và đông xuân chỉ bán được 400 – 500 tấn, riêng vụ thu đông bán 1.300 – 1.400 tấn lúa giống”, ông Phiêu cho biết.
Ông Phùng Văn Thể, thành viên CLB, chia sẻ: “Ông Bá Khem không chỉ nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật mà còn đầu tư giống, hỗ trợ vay vốn, cuối vụ thì bao tiêu sản phẩm. Gia đình tôi có 1 ha đất trồng lúa giống, nhờ tham gia CLB nên sản xuất ngày một ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí, tôi thu về hàng trăm triệu đồng, cao hơn bán lúa thương phẩm rất nhiều”.
Trích lợi nhuận dành cho an sinh xã hội
Từng trải qua cảnh cơ hàn nên ông Phiêu luôn đồng cảm với những vất vả của người cùng cảnh ngộ. Từ đó, ông không ngần ngại trích 10% lợi nhuận từ kinh doanh ủng hộ cho các hoạt động an sinh xã hội.

Ông Phiêu (phải) kiểm tra công đoạn tách hạt lúa giống
Vừa qua, chứng kiến đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3, ông Phiêu trích hơn 1 tỉ đồng hỗ trợ. Đồng thời, kêu gọi bạn bè, người thân góp 20 tấn gạo, 1.000 thùng mì gói, may 1.000 chiếc mền vận chuyển ra tặng người dân tỉnh Lào Cai.
Với vai trò hội viên Hội Nông dân P.Trung Kiên (Q.Thốt Nốt), ông còn thể hiện vai trò nòng cốt tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua việc tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ khuyến học, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà “Mái ấm nông dân”…
Ông Nguyễn Văn Dẫn, Chủ tịch Hội Nông dân Q.Thốt Nốt, cho biết ông Phiêu là nông dân tiêu biểu nhiều năm của TP.Cần Thơ. Không chỉ sản xuất lúa giống làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, hằng năm, ông đều hăng hái đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội. Năm 2024, ông Phiêu vinh dự được bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc.