Bất Động Sản

Nhà Hậu Giang – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Nằm nép mình dưới tán cây vú sữa lâu năm, trên một con đường yên bình ở vùng đất Long Mỹ, Hậu Giang, nhà Hậu Giang không chỉ là tổ ấm của một gia đình nhiều thế hệ mà còn là minh chứng cho sự giao thoa hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và văn hóa truyền thống Tây Nam Bộ với những những nét đặc trưng của vùng quê sông nước.

Địa điểm: Long Mỹ, Hậu Giang, Việt Nam

Diện tích khu đất: 60m2 (4mx15m)

Thiết kế – Thi công: SPACE+ Architecture (http://spaceplus.design/)

Kiến trúc sư chủ trì: Ths. KTS. Trần Công Danh

Quản lý dự án: KTS. Trần Thảo Xuân Phương

Nhóm thiết kế: Xuân Phương, Nhật Quang, Lê Hiển, Lê Khanh, Hoàng Phú, Quang Đạt, Tiểu My.

Diễn họa bản vẽ: Thu Phương

Hình ảnh – phim: Nhân Quý – Trần Huy

Hoàn thành: 09/2024

Điểm nhấn nổi bật là không gian phòng khách và bếp ăn, được đặt ở trung tâm ngôi nhà bên dưới giếng trời và khoảng thông tầng rộng mở. Như một trái tim của không gian sống, đây là nơi gia đình sum họp, cùng nhau nấu nướng, ăn uống và chia sẻ những câu chuyện thường ngày. Không gian thông tầng và  giếng trời không chỉ mang lại ánh sáng tự nhiên mà còn giúp đối lưu không khí trong nhà, mang đến cảm giác thoáng đãng và dễ chịu ngay cả trong những ngày hè oi bức.

Ánh sáng tự nhiên từ giếng trời

Phía trước nhà là một hàng hiên (hàng ba theo cách gọi của người miền Tây) có mái che thoáng mát với lu hứng nước mưa như truyền thống sinh hoạt của người dân Nam Bộ, là nơi gia đình có thể ngồi nghỉ ngơi thư giãn, chuyện trò cùng xóm giềng hay ngắm nhìn bờ kênh cùng tiếng gió rì rào qua những rặng dừa nước.

Hàng ba thoáng mát rộng mở như tính cách người miền Tây

Phòng ngủ chính cho ba mẹ được đặt ở phía sau nhà, tạo không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, bên cạnh có góc thờ nhỏ thuận tiện cho việc đi lại thờ cúng. Một khoảng thông tầng bên cạnh phòng ngủ có chức năng một khoảng đệm hạn chế nắng Tây, giúp đối lưu không khí, đồng thời tạo sự riêng tư.

Phòng ngủ ba mẹ yên tĩnh, có khoảng đệm che nắng và tạo sự riêng tư

Phòng ngủ của các con được bố trí độc lập và khép kín theo các tầng, khi cần thiết vẫn có thể giao tiếp với các thành viên khác qua cửa sổ và khoảng thông tầng.

Thiết kế bền vững

Ngôi nhà được thiết kế và xây dựng với sự chú trọng vào tính bền vững. Mái nhà với hai mái dốc ghép so le để thông gió, cách nhiệt cho hệ mái tôn, mái dốc cũng giúp thoát nước mưa nhanh chóng và hạn chế thấm dột, thích ứng với các cơn mưa lớn miền nhiệt đới. Các vật liệu thân thiện như mái lợp tôn có lớp cách nhiệt, cầu thang thép bậc gỗ, gạch bông gió địa phương, lam tre,…. không những tiết kiệm chi phí mà còn làm giảm tác động đến môi trường sống. Bên cạnh đó, các giải pháp thông gió và chiếu sáng tự nhiên cũng được thiết kế khéo léo, tạo cảm giác thoáng mát dễ chịu.

Mặt chính ngôi nhà ở hướng Đông Nam, chịu ảnh hưởng bởi những tia nắng xiên buổi sáng có thể gây nóng và chói ảnh hưởng đến giấc ngủ và các sinh hoạt khác, do đó các giải pháp che chắn cũng cần được quan tâm. Ở tầng trệt, che chắn cho hàng ba là một mái hiên dạng cong, lợp tấm polycarbonate trong suốt, kết hợp với lớp lam bằng gỗ tre địa phương, lấy cảm hứng từ những tấm phên liếp truyền thống, có tác dụng khuếch tán ánh sáng, giảm độ chói, và đưa ánh sáng tự nhiên vào bên trong nhà một cách nhẹ nhàng hơn.

Hàng ba với mái che lấy cảm hứng từ phên liếp miền Tây Nam Bộ

Ở tầng hai phía trước nhà, nhóm thiết kế đã tận dụng bóng mát của cây vú sữa sẵn có để lọc nắng và đưa ánh sáng vào nhà một cách tự nhiên, tạo nên những bóng đổ lá cây thú vị vào không gian bên trong nhà.

Không gian phòng khách đặt ngay trung tâm và phía dưới giếng trời nhằm giúp tăng sự tương tác của các giác quan theo chiều ngang và chiều đứng. Nơi đây khi những người con từ phương xa quay về có thể quây quần, nhìn thấy và trò chuyện với nhau từ mọi hướng cho dù đang ở dưới trệt hay trên các tầng lầu đều có thể cảm nhận được không khí ấm cúng của gia đình.

Phòng khách rộng mở phía dưới khoảng thông tầng và giếng trời

Một trong những nét đặc biệt của ngôi nhà là một khoảng thông tầng lớn với giếng trời “skylight” lấy sáng phía trên khu vực phòng khách. Toàn bộ trung tâm ngôi nhà sẽ được lấy được ánh sáng tự nhiên, giếng trời này cũng như một chiếc đồng hồ của tự nhiên ghi dấu dòng thời gian trôi qua trong ngày bằng những ánh nắng liên tục biến đổi trải dài lên những bức tường bên trong nhà. Phía dưới giếng trời cũng được lắp thêm lam tre để cân bằng ánh sáng tự nhiên và giảm bức xạ mặt trời.

Bóng đổ mặt trời mang đến ánh sáng và giúp cảm nhận được thời gian

Phòng khách và khu vực bếp ăn được kết hợp thành một không gian mở tạo cảm giác rộng rãi tiện nghi dù chiều rộng ngôi nhà chỉ có 4m.

Phòng khách kết hợp với khu vực bếp ăn thành một không gian mở – liên hoàn

Khu vực bếp và bàn ăn được bố trí tích hợp, tối giản, ấm cúng, thuận tiện cho việc nấu nướng và ăn uống trong cùng một không gian.

Góc thờ bố trí hướng về phía trước nhà phù hợp với phong thủy Á Đông và cũng là một nơi tĩnh lặng, cho những lúc thư giãn hay thiền định, gần bên phòng ngủ ba mẹ thuận tiện cho việc thờ cúng.

Hai không gian trước và sau nhà kết nối với nhau bằng một chiếc cầu treo thép sơn xanh gợi nhớ đến hình ảnh những chiếc cầu tre truyền thống của miền Tây Nam Bộ, mang đến cảm giác nhẹ nhàng khi di chuyển qua lại cũng như không cản trở sự đối lưu không khí và ánh sáng tự nhiên từ giếng trời.

Cây vú sữa lâu năm phía trước hiên nhà cũng là một trong những điều thú vị. Cây đã có sẵn từ trước khi ngôi nhà được dựng lên và chúng tôi đã cố gắng gìn giữ để cây có thể sống và phát triển tốt nhất trong quá trình thi công vốn nhiều khó khăn và rủi ro có thể tác động. Ngày công trình hoàn thành, những lộc non vẫn đơm ra xanh mát như lời nhắn nhủ rằng cây vẫn sẽ tiếp tục là một người bạn đồng hành che chở bóng mát cùng gia đình và hứa hẹn cho những mùa trái chín trĩu quả thơm lành.

Nhóm thiết kế đã giữ lại trọn vẹn cây vú sữa lâu năm trước hiên nhà

KTS. Trần Công Danh (chủ trì thiết kế từ Space+ Architecture) chia sẻ:

Nhà Hậu Giang là ngôi nhà ống nhỏ điển hình trong các đô thị Việt Nam, với mức kinh phí đầu tư tiết kiệm phù hợp với phần lớn thu nhập của đại đa số người Việt, các giải pháp thiết kế – thi công đều được tính toán một hợp lý để ngôi nhà hoàn thiện trong mức đầu tư ban đầu đề ra bao gồm cả vật dụng nội thất.

Thiết kế thụ động (passive design) luôn là một thế mạnh nổi bật của Space+ Architecture. Các giải pháp như thông gió và chiếu sáng tự nhiên được khai thác khéo léo để đảm bảo ngôi nhà luôn thoáng mát, giảm thiểu nhu cầu sử dụng hệ thống điều hòa hay chiếu sáng nhân tạo. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn giảm đáng kể chi phí vận hành cho gia chủ.

Vật liệu sử dụng trong thiết kế cũng được lựa chọn cẩn trọng, ưu tiên những vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế, như mái lợp tôn, cầu thang kết hợp thép và gỗ, gạch bông gió địa phương…. Những giải pháp này không chỉ đảm bảo tính bền vững mà còn mang lại hiệu quả cao về công năng và thẩm mỹ, đồng thời tối ưu hóa chi phí xây dựng.

Vật liệu sử dụng trong thiết kế cũng được lựa chọn cẩn trọng, ưu tiên những vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế, chẳng hạn như mái lợp tôn, cầu thang kết hợp thép và gỗ, gạch bông gió địa phương. Những giải pháp này không chỉ đảm bảo tính bền vững mà còn mang lại hiệu quả cao về công năng và thẩm mỹ, đồng thời tối ưu hóa chi phí xây dựng.

Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở, mà còn là mối gắn kết gia đình, với lối kiến trúc hiện đại, được tiếp thu và cảm hứng từ kiến trúc truyền thống nhiệt đới, mang trong mình hơi thở của vùng sông nước miền Tây, hài hòa với bối cảnh đô thị xung quanh và dựa trên những lối sống, sinh hoạt của người dân địa phương, tất cả đã tạo nên một không gian sống đương đại nhưng không xa rời văn hóa và con người Việt.

Các sơ đồ và bản vẽ ngôi nhà:

Một số hình ảnh khác của ngôi nhà:

KTS Trần Công Danh/SPACE+ Architecture



Nguồn