Với kiến trúc giản dị và không gian mở, ngôi nhà là nơi ở và nghỉ ngơi lý tưởng trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, khoáng đạt.
Thông tin công trình:
- Tên công trình: Nhà Cu Đê
- Địa điểm xây dựng: Thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
- Diện tích khu đất: 1400m2 – Diện tích xây dựng: 80m2
- Kiến trúc sư chủ trì: Nguyễn Phương Nam – Công ty TNHH Đầu tư & Kiến trúc TASCOM (Đà Nẵng)
Công trình nằm ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Với địa hình thung lũng, nằm giữa những ngọn núi bao quanh, ven con sông Cu Đê uốn lượn, nơi đây trở thành một địa điểm đáng để tìm đến nhằm tránh xa khói bụi của thành phố. Hòa Bắc mặc nhiên tạo nên một hình thái du lịch mới mà Đà Nẵng đang thiếu vắng. Có lợi thế về địa hình, khí hậu, tài nguyên phong phú, nơi đây trong những năm qua đã hình thành một số khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; tạo cơ hội cho du khách được thăm thú, tìm hiểu, trải nghiệm cảnh sắc tự nhiên, văn hóa bản địa.
Công trình được xây dựng với công năng là nhà nghỉ cuối tuần của gia đình và homestay dành cho khách. Trên khu đất rộng 1400m2 ở khu vực còn rất thưa dân cư và công trình xây dựng, ngôi nhà có diện tích và chiều cao rất khiêm tốn để không lấn át thiên nhiên hiện hữu. Diện tích xây dựng là 80m2 với quy mô 2 tầng.
Mang một dáng giản dị, không gian mở, gắn bó với thiên nhiên, giao hòa cùng thiên nhiên và tận hưởng thiên nhiên là mục đích của chủ đầu tư và kiến trúc sư đặt ra. Chính vì lẽ đó, ngôi nhà với quy mô xinh xắn được định vị về cuối mảnh đất ở hướng bắc, để có một khoảng không gian lớn phía trước ở hướng nam, nhìn ra những ngọn núi bao quanh thung lũng.
Trên tiêu chí gần gũi thiên nhiên ấy, hình thái kiến trúc được xử lý khéo léo đảm bảo hài hòa công năng và thẩm mỹ. Không quá lệ thuộc vào các chất liệu truyền thống như gỗ, ngói thường thấy; công trình sử dụng vật liệu chủ đạo là bê tông và thép, kết hợp với một chút sàn xi măng, gạch mộc, trần tre, gỗ nội thất… đem lại nét mộc mạc hài hòa với núi rừng nhưng vẫn đậm nét kiến trúc đương đại, phù hợp lối sống. Việc sử dụng các loại vật liệu bền vững ở các cấu kiện chính cũng là cách ứng xử phù hợp với khí hậu khắc nghiệt trong vùng – đặc trưng ở dải đất miền Trung: nắng gắt, gió lớn và mưa lũ nhiều. Hình thức kiến trúc khá đơn giản nhưng bay bổng nhẹ nhàng ở hệ mái rộng, mỏng cùng những cột thép mảnh đem lại nét duyên riêng cho công trình.
Để gần thiên nhiên, chính vì thế phòng sinh hoạt chung, khu bếp ăn, và cả cầu thang cũng nằm ở bên ngoài nhà, tha hồ nắng gió. Khối kiến trúc chính khá đơn giản với cấu trúc rõ ràng, mạch lạc: Tầng trệt 2 phòng ngủ nhỏ, tầng trên 1 phòng ngủ lớn, tất cả đều có vệ sinh riêng – đảm bảo tiện nghi.
Ngôi nhà có tầm nhìn rộng lớn về mọi phía với khung cảnh rừng núi, thiên nhiên hoang sơ ngút ngàn cây xanh.
Trước nhà là một bãi cỏ rộng, là nơi chơi thể thao, thư giãn và có thể tổ chức những sinh hoạt tập thể, ăn uống đông người ngoài trời.
Trẻ em rất thích thú với không gian này.
Bãi cỏ rộng ngút tầm mắt cùng cây xanh là sự trung chuyển thị giác với những dãy núi ở phía xa. Hàng rào bằng gỗ thấp chỉ là ngăn cách ước lệ.
Sát hiên nhà là một hồ bơi. Mặt nước còn đóng vai trò tạo cảnh quan và điều hòa vi khí hậu cho công trình.
Việc bố trí phòng sinh hoạt chung, bếp ăn ngoài hiên là một chủ ý để tạo sự tương tác, tăng tính kết nối giữa mọi người ở các hoạt động chung, cùng với việc dễ dàng quan tâm, trông nom trẻ em chơi đùa hay bơi dưới hồ. Khoảng hiên là một không gian đa năng và giàu cảm xúc.
Khu bếp nấu được bố trí vừa đủ, đơn giản và có phần dân dã. Bàn ăn bằng chất liệu gỗ mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp.
Tầng 1 có hai phòng ngủ của khách. Các vách kính lớn mở rộng tầm nhìn ra trước nhà.
Tầng 2 là phòng ngủ lớn của chủ nhà. Nội thất được thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng phù hợp với không gian nghỉ dưỡng, không lạm dụng đồ đạc.
Không phải khách sạn, không phải resort; đây là một ngôi nhà ở hơi khác thường, nhưng công trình có một sự hấp dẫn nhất định dù quy mô khiêm tốn và mức đầu tư không cao. Trên hết, đó là một công trình được xử lý khéo léo, đảm bảo công năng và hài hòa cùng thiên nhiên.
Bài & ảnh: Hà Thành
© Tạp chí Kiến trúc