Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh.
Đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn…
Tại buổi trao đổi với báo chí chiều 24.9, tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy đánh giá, chiến lược đã xác định rất rõ ưu tiên của Việt Nam cho công đoạn thiết kế vi mạch khi trong mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực ngành bán dẫn, có ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế.
Để thực hiện được đào tạo thiết kế vi mạch, trước khi chương trình được phê duyệt, Bộ KH-ĐT đã chủ động kết nối, thiết lập quan hệ với các tập đoàn công nghệ lớn như: Synopsys, Cadence, Qorvo, Siemens…
Các đối tác đã cung cấp cho NIC khoảng 1.000 license (bản quyền phần mềm – PV) phục vụ việc đào tạo thiết kế vi mạch. Từ đó, NIC đã phối hợp, chia sẻ license cho các trường để họ tiến hành những chương trình đào tạo chính quy, đưa vào chương trình đào tạo chính quy các nội dung về thiết kế bán dẫn.
“Chúng tôi cũng phối hợp với các trường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trực tiếp cho giảng viên cũng như đào tạo kỹ sư của ngành công nghiệp bán dẫn. Riêng đào tạo ngắn hạn, thời gian qua, NIC đã phối hợp với các cơ quan, trường tiến hành đào tạo được hơn 1.000 giảng viên, kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, thiết kế vi mạch.
Trong hơn 1.000 học viên đã tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ, nhiều học viên đã được nhận vào làm việc tại một số doanh nghiệp của Mỹ cũng như doanh nghiệp trong nước. Điều đó chứng tỏ việc đào tạo đáp ứng được giữa học và hành, gắn đào tạo với đầu ra”, ông Huy khẳng định.
Theo Bộ KH-ĐT, thời gian tới, việc kết nối, phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đào tạo nhân lực ngành bán dẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, là một trong những bước đi để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Trước đó, tại tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn” diễn ra đầu tháng 8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn là con số tính toán an toàn.
Nếu triển khai tốt và có điều kiện thì phải làm hơn thế, về lâu dài phải phấn đấu đào tạo hàng triệu nhân lực ngành bán dẫn. Ngoài chuẩn bị nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành KH-ĐT cũng nhấn mạnh, phải chuẩn bị các chính sách để thu hút đầu tư, hình thành hệ sinh thái cho ngành bán dẫn…