Nhiều thương hiệu thời trang Việt tự khai tử trong cơn bão hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
Một cửa hàng thời trang thương hiệu Lep’ |
Khách hàng bất ngờ và tiếc nuối
Sau 8 năm kinh doanh, hãng thời trang nữ “made in Vietnam” Lep’ vừa thông báo sẽ dừng hoạt động từ ngày 30/11 tới đây
Founder & CEO của Lep’ Ngọc Trâm đã đăng tâm thư đầy xúc động nhìn lại hành trình 8 năm hình thành và phát triển của hãng thời trang Lep’ . CEO Ngọc Trâm viết: “Mình đã “sức cùng lực kiệt”, không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp.
Có quãng thời gian, có những giai đoạn quản lý tới 200-300 nhân viên nên đây chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng” – Founder & CEO của Lep’ Ngọc Trâm chia sẻ.
Lep’ thông báo sẽ đóng toàn bộ hệ thống vào ngày 30/11 và khuyến cáo khách hàng dùng hết điểm tích lũy trong tháng 11.
Về nguyên nhân, nữ doanh nhân bộc bạch rằng bản thân đã không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp. Bên cạnh đó, gia đình cũng là một trong những lý do khiến người sáng lập của Lep’ quyết định “dừng chân” sau 8 năm khởi nghiệp.
Trước khi thông báo đóng cửa, Lep’ thu hẹp hệ thống còn 5 cửa hàng tại TP HCM và TP Hà Nội.
Dưới bài đăng của CEO Lep’, nhiều người tiêu dùng tỏ ra tiếc nuối, bởi những chiếc váy hoa “nàng thơ”, từng là thanh xuân của nhiều người.
Lep’ vừa thông báo sẽ dừng hoạt động từ ngày 30/11 tới đây – Ảnh: Fanpage của Lep’ |
Song một số ý kiến cũng cho rằng, mấy năm gần đây, các mẫu mà Lep’ đưa ra không còn “nàng thơ” mà “sến và rườm rà”, trong khi đó giá thì được bán quá cao, trên 500.000 đến hàng triệu đồng/chiếc nên khó cạnh tranh
Trước đó, CATSA – chuỗi cửa hàng thời trang nam với 22 cửa hàng trên toàn quốc – đã đóng cửa ngừng hoạt động sau 13 năm phát triển.
CEO Nguyễn Thùy Linh Cát của CATSA cho biết lý do khai tử “đứa con tinh thần”, bức tranh kinh doanh chung của ngành thời trang là sụt giảm trầm trọng doanh số, bên cạnh lý do về người dân giảm chi tiêu, còn có một lý do rất quan trọng là xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang mua hàng online, đặc biệt là từ các sàn thương mại đến từ Trung Quốc và cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Tương tự như CATSA, chuỗi thời trang nam Giian cũng đóng 9 cửa hàng. MIÊU, một thương hiệu thời trang thiết kế “made in Vietnam” được thành lập từ năm 2010 vốn quen thuộc với giới trẻ Sài thành cũng đưa ra thông báo trên Fanpage về đóng cửa hàng và thanh lý sản phẩm.
Các thương hiệu nội địa cần tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện thương hiệu
Các nền tảng mua sắm online, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển như “vũ bão” chứng kiến loạt doanh nghiệp mới nhảy vào. Hành vi mua sắm của khách hàng thay đổi buộc doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng không thể đứng ngoài xu hướng.
Đại diện Gumac chỉ ra công ty phải thay đổi thích ứng, chú trọng nghiên cứu sản phẩm, dành nguồn lực lớn phân tích thị hiếu khách hàng, mở rộng kênh bán, thêm mô hình siêu thị thời trang linh động, phân chia lại mức đầu tư kênh bán online, offline phù hợp.
Cụ thể, sự hấp dẫn từ các kênh bán hàng online đã chiếm khoảng 50% doanh thu so với toàn bộ các kênh còn lại. “Khách hàng ở đâu chúng tôi đều tập trung phục vụ ở đó, hiểu được tình hình khó khăn trong chi tiêu của người mua thời điểm này, chúng tôi cũng sản xuất sản lượng ít hơn. Hàng tồn, lẻ kích cỡ, mẫu mã sẽ được chuyển sang tiêu thụ dạng thời trang giá rẻ, tận dụng tối đa các hình thức bán hàng”, vị này cho biết.
Ông Nguyễn Lê Vũ Linh, CEO của thương hiệu thời trang Việt IVY Moda nhìn nhận công ty đã đưa ra nhiều phương án xử lý ngắn hạn, chia nhỏ mục tiêu để ứng phó với những khó khăn chung hiện tại. Ba tháng đầu năm 2024, IVY moda đã có những chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên vẫn chưa đạt được những con số như cùng kì 2023. Riêng năm 2023 doanh số bán ra giảm 20-25% so với năm 2022, đạt khoảng 90% trước dịch.
Một cửa hàng thời trang thương hiệu IVY moda. |
Trước đây, thay vì liên tục tạo ra sản phẩm “trend” (xu hướng), xưởng sản xuất hàng loạt dễ dẫn đến lượng hàng tồn thì bây giờ doanh nghiệp có cách làm khác. Đại diện cho biết công ty sẽ lắng nghe thị trường trước, biết nhu cầu khách hàng đang “khát” những gì qua các công cụ ứng dụng công nghệ AI, sau đó mới sản xuất số lượng lớn, bổ sung sản phẩm khách hàng cần trên gian hàng để giảm hàng tồn kho, tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Ở mỗi thị trường khác nhau như miền Nam – Bắc, lượng sản phẩm trưng bày sẽ linh động theo sở thích, văn hóa thời trang của họ. Điều này tuy không giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí, năng suất sản xuất nhưng giảm được áp lực hàng tồn, lỗi mốt.
Với những mặt bằng kinh doanh không hiệu quả, IVY moda sẽ dừng hoạt động, tối ưu chi phí cố định, tìm vị trí trọng điểm, song song đẩy mạnh chuyển đổi số bán hàng đa kênh. Trong năm qua, các sàn thương mại điện tử, website của nhãn hàng cho doanh số ổn định chiếm 30% tổng doanh thu các kênh bán.
“Tiềm năng từ các kênh online không nhỏ, tuy nhiên với những mặt hàng có giá trị cao thì trải nghiệm tại các cửa hàng cũng quan trọng. Chúng tôi có chiến lược đẩy mạnh song song hai kênh bán, tăng sự trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng cả hai phương thức, không ngừng tìm kiếm mở rộng khách hàng mới”, ông Vũ Linh nói.
Trong năm qua, các sàn thương mại điện tử, website của nhãn hàng cho doanh số ổn định chiếm 30% tổng doanh thu các kênh bán. Nhìn chung, tình hình kinh tế suy thoái đang khiến cho các chủ cửa hàng thời trang phải linh hoạt hơn và tìm ra những giải pháp để tồn tại và phát triển.
Sau 5 tháng đầu năm 2024, doanh số ngành hàng thời trang trên các sàn thương mại điện tử thống kê đạt 29.000 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2023. Thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng cho thấy không chỉ có người trẻ tuổi thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử mặt hàng thời trang, mà độ tuổi trung niên cũng đang dần có sự gia tăng 4% thị phần, so với năm 2023.
Những làn sóng thời trang theo xu hướng cũng bắt nguồn sớm từ Trung Quốc nên khi ta đi sau, đơn vị kinh doanh rất khó bán với giá cả hấp dẫn, mẫu mã thu hút.
Nhìn chung, sân chơi của những nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều đất diễn và cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy vậy, các thương hiệu nội địa cần tập trung tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện thương hiệu để tránh ảnh hưởng khi bị sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng trong và ngoài nước, chuyên gia nói thêm.