Điểm chung của những người phụ nữ nổi tiếng này đó là họ đều là “nữ tướng” đứng đầu, giỏi chèo lái để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển vững mạnh trên thương trường.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần hàng không Vietjet, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico.
Bà Thảo sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội. Năm 18 tuổi, bà có cơ hội được du học tại Liên Xô (cũ) chuyên ngành kinh tế tài chính. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại đây, không chỉ tốt nghiệp hai trường đại học với chuyên ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng và kinh tế, bà Thảo còn đạt được bằng tiến sỹ kinh tế khi mới 27 tuổi.
Nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh nhiều lĩnh vực từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sang Đông Âu
Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB – hai trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Ngoài ra, bà xây dựng VietJet Air với mong muốn vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới lại gần hơn với Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP.HCM đi Hà Nội. Đến nay, Vietjet Air nắm giữ thị phần lớn trong vận chuyển hàng không nội địa và đang phát triển mạnh mạng bay quốc tế.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, thường được biết đến với tên gọi “Madame Nga”. Hiện tại, bà Nga đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của BRG, một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sân golf, khách sạn và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Cùng với quy mô lớn của BRG, bà Nga được đánh giá là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Bà Nga có bằng Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài ra bà đã từng học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Bà Nga nổi tiếng với các thương vụ M&A, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh.
Năm 2006, sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà Nga đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT SeABank. Đầu năm 2019, bà Nga rời ghế Chủ tịch HĐQT SeABank, lui về giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04/2019.
Ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia vào Ban quản trị/Ban điều hành tại hàng loạt các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” BRG Group.
Bà Mai Kiều Liên
Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953, hiện giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). 45 năm gắn bó với Vinamilk, bà Liên để lại dấu ấn mạnh mẽ với cương vị một nữ lãnh đạo tài ba và truyền cảm hứng.
Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Năm 1957, gia đình bà trở về Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà Liên sang Liên Xô (cũ) học khoa chế biến sữa và thịt tại Moskva.
Về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Khi lên vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp này vào năm 2003, bà xuất sắc đưa thương hiệu sữa Vinamilk đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và 23 quốc gia khác nhau.
Bà là người đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2010.
Bà Mai Kiều Liên được công nhận là một trong những CEO xuất sắc nhất châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư. Bà cũng là phụ nữ Việt Nam đầu tiên được xếp vào danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á”. Bên cạnh đó, năm 2019, bà Liên còn được tạp chí Forbes vinh danh trong top 50 người có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Bà Cao Thị Ngọc Dung
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Dung được biết đến là một nữ doanh nhân “thép” trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Bà là cổ đông sáng lập (đại diện của PNJ) và là chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) giai đoạn 1992-1997 khi Ngân hàng Đông Á thành lập năm 1992.
Năm 1979 bà Dung thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tới năm 1982 bà tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp, sau đó chính thức bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Công ty Thương nghiệp tổng hợp Phú Nhuận.
Dưới sự lãnh đạo của bà Dung, thương hiệu PNJ đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên thị trường trong và ngoài nước. Năm 2023, bà Cao Thị Ngọc Dung là người Việt Nam duy nhất được vinh danh là một trong 40 biểu tượng xuẩt sắc nhất ngành kim hoàn thế giới.
Trước đó, năm 2016, bà Dung góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes .
Doanh nhân Thái Hương
Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, đồng thời là Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á.
Trước đó, bà từng là cán bộ Ban vật giá tài chính Hải Phòng từ năm 1982 đến 1985. Sau đó bà làm cán bộ kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An. Đến năm 1989, bà làm Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hương Hà.
Nữ doanh nhân Thái Hương được đánh giá là một trong những người quyền lực của lĩnh vực tài chính Việt Nam. Trong 2 năm liên tiếp là 2015 và 2016, bà Thái Hương lọt vào bảng xếp hạng Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á theo Forbes bình chọn.
Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH True Milk, bà Thái Hương rời ghế Chủ tịch HĐQT tập đoàn này để đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank). Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục làm cố vấn cho TH True Milk trong thời gian tiếp theo.
Mới đây, vào cuối năm 2023, tại lễ trao giải Le Fonti Global Awards, bà Hương đã được vinh danh “Nhà lãnh đạo của năm” ở hạng mục Phát triển Bền vững phạm vi toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh năm 1952, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện lạnh REE. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà Mai Thanh gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) năm 2014.
Bà Trương Thị Lệ Khanh
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại An Giang, được mệnh danh là “bà trùm” ngành thủy sản ở Việt Nam. Bà từng theo học tại Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM, tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân kinh tế và hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn – nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh thành lập cuối năm 1997 tại Đồng Tháp. Khi mới thành lập, vốn ban đầu là 300 triệu và 70 nhân viên, giờ đây Vĩnh Hoàn có hơn 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến. Hiện tại, bà Khanh đã đưa Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn trong lĩnh vực thủy sản ở Việt Nam.
Bà Trương Thị Lệ Khanh được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2019. Tháng 9/2020, bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia’s Power Businesswomen).
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm gây chú ý với vai trò “cá mập” trẻ nhất của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm sinh năm 1994, quê ở Hải Dương, hiện đang là Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ. Bà từng tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương vào năm 2016. Trong quá trình 6 năm làm việc, Lê Hàn Tuệ Lâm từng làm thực tập sinh phân tích tài chính tại IP Communications, chuyên viên tư vấn tài chính tín dụng cá nhân tại Ngân hàng Citibank, quản lý quan hệ nhà đầu tư tại Base.vn.
Từ năm 2019, bà trở thành Giám đốc đại diện Quỹ đầu tư Nextrans tại Việt Nam với nhiệm vụ tìm kiếm, đầu tư vào những công ty mới tiềm năng cũng như hỗ trợ các đơn vị đã đầu tư từ trước.
Quỹ Nextrans đang hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015 và hiện đang đầu tư vào 32 công ty khởi nghiệp.
Lê Hàn Tuệ Lâm là một trong 3 người Việt được Forbes vinh danh trong danh sách 30 Under 30 năm 2021.
Theo vtcnews.vn
Copy link
Lấy link!
https://vtcnews.vn/nhung-bong-hong-quyen-luc-tren-thuong-truong-viet-ar857182.html