Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Những cổ phiếu tốt năm 2025 khi chứng khoán biến động

Chuyên gia nói chứng khoán biến động đến nửa đầu năm sau là cơ hội gom hàng tốt thuộc ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng, công nghệ thông tin…

Trong báo cáo mới đây, VinaCapital dự đoán 2025 sẽ là một năm biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nửa đầu năm, tăng trưởng GDP có thể chậm lại và tiền đồng có thể bị ảnh hưởng, nhưng cả hai khả năng này sẽ đảo chiều vào cuối năm.

“Chúng tôi xem sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán là cơ hội để mua vào, đặc biệt vì định giá thị trường vẫn hấp dẫn”, VinaCapital nêu quan điểm.

Năm tới, quỹ ngoại này dự đoán tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ cải thiện từ 13% (2024) lên 17% (2025). Hơn nữa, định giá của thị trường vẫn hấp dẫn với tỷ lệ P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) dự phóng là 12 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm của VN-Index. Mức này cũng đang thấp hơn 20% so với mức định giá của các nước cùng khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Tuy nhiên để có hiệu suất đầu tư vượt trội so với thị trường chung, việc lựa chọn cổ phiếu một cách thông minh là rất quan trọng. VinaCapital chỉ ra các ngành ưa chuộng cho năm 2025 gồm bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng, vật liệu và công nghệ thông tin.

Với bất động sản, doanh số bán trước của các đơn vị nhà ở mới tăng khoảng 40% trong năm 2024, điều này sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên khoảng 20% năm 2025. Theo VinaCapital, nhu cầu về nhà ở mới tại Việt Nam hiện vượt quá nguồn cung với tỷ lệ 2:1, nhất là các sản phẩm nhà ở tầm trung (1.500-2.000 USD một m2). Họ hy vọng rằng các cải cách pháp lý gần đây sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án, qua đó giúp tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển địa ốc những năm tới.

Ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận từ 14% (2024) lên 17% (2025), nhờ vào việc giảm chi phí tín dụng. Lãi suất tiền gửi có thể tăng 50-100 điểm cơ bản trong năm tới vì tăng trưởng tín dụng đã vượt quá tăng trưởng tiền gửi trong năm nay, khiến các nhà băng phải nỗ lực huy động vốn. Tuy nhiên, VinaCapital kỳ vọng biên lợi nhuận ròng (NIM) sẽ ổn định vì cho vay chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi các khoản thế chấp và cho vay cơ sở hạ tầng. Định giá của ngành ngân hàng vẫn rất hấp dẫn với hệ số P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) kỳ hạn 1,3 lần , thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình P/B của 5 năm.

Với mảng tiêu dùng tại Việt Nam, hiện tâm lý người dân đã dần phục hồi trong năm nay, VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực đạt 8-9% năm 2025 (tương đương với mức tăng trưởng dài hạn của Việt Nam). Điều này sẽ thúc đẩy doanh thu của các công ty tiêu dùng.

Vật liệu cũng là một ngành được VinaCapital đánh giá tốt. Tiêu thụ thép được kỳ vọng tăng 10% trong năm 2025, nhờ vào sự phục hồi của ngành xây dựng bất động sản và sự tăng trưởng dự kiến 15-20% trong xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên 25% năm 2025.

Công nghệ thông tin với đại diện là FPT, công ty đầu ngành, được dự đoán lợi nhuận sẽ tăng trưởng duy trì ở mức 20% năm 2025, nhờ vào khoảng 30% trong doanh thu gia công phần mềm. FPT hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu IT toàn cầu và đang có vị thế vững để đón đầu nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ liên quan đến AI, đặc biệt là với mối quan hệ chặt chẽ với Nvidia.

Cuối cùng, triển vọng tăng trưởng dài hạn của các ngành logistics và khu công nghiệp cũng rất hấp dẫn với VinaCapital. Quá trình công nghiệp hóa gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, thúc đẩy nhu cầu cả hai ngành này. Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, qua đó kéo theo nhu cầu về các dịch vụ “giao hàng chặng cuối” và logistics chuỗi lạnh.




Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Tương tự trong sự kiện gần đây, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) – cũng cho rằng có thể nửa đầu năm 2025, thị trường vẫn nhiễu động nhưng cuối năm nhiều khả năng VN-Index sẽ đạt cao nhất 1.400 điểm. Kịch bản này dựa theo cơ sở dự báo thanh khoản năm tới đạt hơn 23.000 tỷ đồng, có thể cao nhất 26.000 tỷ đồng khi các cổ phiếu có định giá hấp dẫn trên nền tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Ngoài các nhóm ngành mà VinaCapital đề cập, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS – còn gợi ý thêm về chứng khoán, dầu khí và cảng biển. Đây đều là những ngành có dự phóng lợi nhuận cho năm 2025 với tốc độ hai con số.

Cổ phiếu chứng khoán được đánh giá tích cực nhờ các doanh nghiệp tăng trưởng quy mô tạo nền tảng cho lợi nhuận, trong đó lợi nhuận dịch vụ tăng vọt. Margin toàn thị trường đạt 232.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục tạo động lực cho lợi nhuận ngành. Chuyên gia VPBankS không thấy rủi ro từ margin khi thị trường vẫn đang ở giai đoạn tăng trưởng. Nếu VN-Index 1.300-1.350 điểm, tỷ lệ margin trên vốn hóa thị trường chỉ dao động 3,2%, tạo lợi nhuận chắc cho ngành.

Tiếp theo là ngành dầu khí, nhóm có thể tìm cơ hội đầu tư theo chu kỳ. Năm tới tuy cung – cầu chịu áp lực giảm tương đối mạnh, giá dầu brent lại hạ nhiệt có thể về quanh 74-80 USD, làm giảm áp lực chi phí nhiên liệu. Thêm vào đó, các dự án đầu tư thượng nguồn dầu khí được tập trung đẩy mạnh. Nhờ vậy, lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 21,4% so với cùng kỳ.

Cuối cùng là ngành cảng biển đang hưởng lợi về mặt xu hướng giá. Giá tàu, cước vẫn neo ở mức cao, gấp rưỡi so với trước khi xảy ra căng thẳng biển Đỏ. Lượng container tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên. Thay đổi liên minh các hãng tàu từ tháng 2/2025 có thể tạo cơ hội cho cảng nước sâu. VPBankS dự báo lợi nhuận toàn ngành tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tất Đạt



Nguồn

Exit mobile version