Thế Giới

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24 – 28/6

Những cuộc họp của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi và cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Anh và Pháp cũng đang được thị trường theo dõi.

Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24-28/6/2024:

1/ Lạm phát của Mỹ

Khó có khả năng lạm phát của Mỹ sẽ chậm lại một cách bền vững. Các nhà đầu tư đã chờ đợi điều này từ lâu song đến nay vẫn chưa thấy, nhưng họ vẫn hy vọng, thậm chí còn hy vọng nhiều hơn việc các quan chức Cục Dự trữ liên bang (Fed) phát tín hiệu chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Thước đo lạm phát quan trọng sẽ được công bố vào thứ Sáu (28/6) – chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – sẽ cho thấy liệu xu hướng lạm phát giảm bớt đã xuất hiện hay chưa.

Nhưng thị trường có lý do để thận trọng.

Các chỉ số PCE gần đây không phải lúc nào cũng phù hợp với mong đợi. Báo cáo gần đây nhất công bố hôm 31 tháng 5 cho thấy lạm phát của Mỹ bất ngờ đi ngang trong tháng Tư.

Một thông tin khác tương tự công bố vào ngày 28 tháng 6 có thể làm giảm niềm tin của những người cho rằng lãi suất của Mỹ sẽ sớm được điều chỉnh giảm. Không giống như Fed, các thị trường đang chờ đợi lãi suất trong năm nay sẽ được giảm 2 lần.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24 – 28/6- Ảnh 2.

Lạm phát của Mỹ vẫn ở mức trên 2%.

 2/ Lạm phát ở Nhật Bản

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 7. Thị trường không bị thuyết phục bởi điều này, và chỉ có 1/3 các nhà giao dịch cho rằng lãi suất của BOJ sẽ được tăng 1/4 điểm phần trăm trong năm nay.

Lý do chủ yếu là bởi BOJ đã cho biết tháng 7 tới họ cũng sẽ đưa ra kế hoạch thắt chặt định lượng, mà nếu làm quá nhiều việc cùng một lúc sẽ có nguy cơ làm rung chuyển thị trường trái phiếu.

Tất nhiên, BOJ – giống như các cơ quan hoạch định chính sách khác – phụ thuộc vào dữ liệu. Và dữ liệu cho đến nay không thực sự gây áp lực buộc họ phải thắt chặt tiền tệ. Chi tiêu tiêu dùng yếu là mối lo ngại đặc biệt và lạm phát đã hạ nhiệt trong 9 tháng liên tiếp, cho thấy nhu cầu vẫn trì trệ.

Do đó, một số chỉ số vĩ mô quan trọng trong những ngày tới sẽ giúp làm sáng tỏ triển vọng chính sách tiền tệ của Nhật. Đó là dữ liệu doanh số bán lẻ, sẽ được công bố vào thứ Năm (27/6) và chỉ số CPI của Tokyo một ngày sau đó. BOJ cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 6 vào thứ Hai (24/6).

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24 – 28/6- Ảnh 3.

Lạm phát ở Nhật Bản.

 3/ Lạm phát ở Eurozone

Dữ liệu lạm phát tháng 6 của khu vực đồng Euro sẽ được công bố từ thứ Sáu (28/6) với các con số sơ bộ ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Các dữ liệu lạm phát trong khu vực sẽ được tổng hợp tương đối đầy đủ vào ngày 2/7, nhưng hiện tại, các nhà giao dịch đang cố gắng đánh càng sớm càng tốt xem Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu lần trong năm nay?

ECB đã cắt giảm lãi suất vào ngày 6 tháng 6, nhưng lạm phát và tiền lương trong khu vực vẫn còn mạnh đã đặt ra dấu hỏi về việc sẽ có thêm bao nhiêu đợt cắt giảm nữa?

Các nhà giao dịch kỳ vọng sẽ có thêm một đợt cắt giảm nữa và khoảng 64% khả năng lần cắt giảm thứ 2 trong năm nay sẽ được thực hiện vào cuối năm. Tỷ lệ này thấp hơn mức gần 80% dự đoán trước khi kỳ họp tháng 6 của ECB.

Bất kỳ bất ngờ nào liên quan đến lạm phát tăng đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, những người đang chật vật với sự bất ổn chính trị mới sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vòng một ở Pháp vào ngày 30 tháng 6.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24 – 28/6- Ảnh 4.

Lạm phát ở Eurozone.

 4/ Châu Âu nổi sóng

Khu vực Châu Âu bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý. Nước Anh từng là điểm nóng về bất ổn chính trị trong suốt một thời gian, trong khi khu vực đồng euro tương đối yên tĩnh. Tuy nhiên, chính cuộc bầu cử quốc hội Pháp diễn ra nhanh chóng đã khiến thị trường lo ngại rằng việc phe cực hữu chiếm đa số có thể đồng nghĩa với việc chi tiêu gia tăng, làm tổn hại đến vị thế tài chính vốn đã yếu kém của Pháp.

Các nhà giao dịch đã đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất trong một tháng, và đồng tiền này có thể sẽ giảm hơn nữa trong vài ngày tới.

Trong khi đó, đồng bảng Anh đang được hưởng lợi từ dự đoán rằng chiến thắng đậm của đảng Lao động đối lập trong cuộc bầu cử ngày 4/7 ở Anh – kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho nền kinh tế Vương quốc Anh.

Đây là đồng tiền hoạt động tốt nhất so với đồng đô la từ đầu năm đến nay và đã đạt mức cao nhất gần hai năm so với đồng euro.

Trớ trêu thay, lo ngại rằng một tình tiết kiểu Liz Truss, khi kế hoạch cắt giảm thuế không được ủng hộ ở Anh vào năm 2022, có thể lặp lại ở Pháp, có thể giải thích những lo lắng về tương lai của đồng euro.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24 – 28/6- Ảnh 5.

Biến động tỷ giá Bảng Anh và Euro.

 5/ Các nền kinh tế mới nổi chờ đợi động thái của Fed

Nỗ lực của nhiều ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi nhằm thúc đẩy chu kỳ nới lỏng lãi suất trên toàn cầu đã mất đà khi triển vọng cắt giảm lãi suất trong thời gian ngắn của Fed mờ dần và đồng đô la gây áp lực lên nhiều loại tiền tệ.

Ngân hàng trung ương Mexico dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm (27/6). Ngân hàng này đang vật lộn với lạm phát gia tăng và sự biến động của đồng peso do bầu cử gây ra sau sự thể hiện mạnh mẽ bất ngờ của liên minh đảng cầm quyền trong cuộc bỏ phiếu ngày 2 tháng 6 khiến các nhà đầu tư lo sợ.

Các nhà hoạch định chính sách ở Philippines – họp cùng ngày – dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 17 năm, đồng thời có thể sẽ duy trì các chính sách hạn chế của họ nếu phù hợp với thực tại.

Và Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia bất đắc dĩ tham gia muộn vào chu kỳ tăng lãi suất – được cho là đang duy trì lãi suất tham chiếu ở mức 50%, vì các nhà hoạch định chính sách vẫn cảm thấy khó chịu do lạm phát ở mức 75% trong tháng 5.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 24 – 28/6- Ảnh 6.

Lãi suất của một số nền kinh tế mới nổi.

Tham khảo: Reuters

Nguồn