Thế Giới

Nợ hộ gia đình bằng 92% GDP cả nước, ngành công nghiệp từng là thế mạnh nay liên tục đi xuống

Được mệnh danh là Detroit của Đông Nam Á, vào thời kỳ hoàng kim, Thái Lan đã trở thành cường quốc xuất khẩu ô tô nhờ kết hợp bí quyết sản xuất ô tô của Nhật Bản với mạng lưới các nhà cung cấp phụ tùng trong nước.

Hiện tại, quốc gia này vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á. Song, các dây chuyền sản xuất không còn hoạt động sôi nổi như trước đây. Vào ngày 25/11, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết sản lượng ô tô hàng năm của nước này có thể giảm xuống còn 1,5 triệu chiếc vào năm 2024, thấp hơn 18% so với năm 2023 và giảm 39% so với sản lượng đạt đỉnh cách đây 1 thập kỷ. Suzuki và Subaru, 2 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, cũng đang đóng cửa các nhà máy ở Thái Lan.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thị trường đang gặp khó khăn. Xe điện do các công ty Trung Quốc sản xuất tại Thái Lan đã “đánh bật” các đối thủ cạnh tranh đến từ Nhật Bản, khi các công ty Nhật Bản có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp phụ tùng của Thái Lan.

Tuy nhiên, một yếu tố đáng chú ý hơn là tình trạng nợ hộ gia đình – vốn đã tăng cao chưa từng có kể từ năm 2011, khi chính phủ nước này đưa ra chương trình hoàn thuế cho người mua ô tô và mua nhà lần đầu. Hiện tại, các hộ gia đình Thái Lan đang gánh khoản nợ tương đương 92% GDP cả nước, thấp hơn một chút so với mức 99% ở Mỹ vào năm 2007.

Thị trường ô tô không chỉ là lĩnh vực duy nhất gặp khó khăn. Những tia hy vọng trong nền kinh tế Thái Lan đang ngày càng khó tìm, với đà tăng trưởng chậm chạp. Dân số trong độ tuổi lao động ở “xứ chùa vàng” bắt đầu sụt giảm vào năm 2018 và tốc độ đi xuống đang tăng tốc. Mức nợ hộ gia đình cao đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng, khi họ sử dụng thu nhập để trả nợ, theo đó tiêu dùng cá nhân chững lại và tâm lý người tiêu dùng ở mức thấp.

Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) sẽ gặp nhiều khó khăn để khắc phục những yếu tố này. Vào tháng 10, BOT đã hạ lãi suất xuống 2,25% và các đợt nới lỏng trong tương lai có thể giúp giảm áp lực đối với các hộ gia đình. Song, đây là một bước đi khiến các nhà kinh tế bất ngờ vì đồng bath có thể bị suy yếu. Đồng bath vốn đã chịu áp lực đáng kể do chênh lệch lãi suất với Mỹ.

Theo Chitchanok Annonjarn, nhà kinh tế tại Asian Development Bank, BOT có thể sẽ hạ lãi suất mạnh hơn nữa vì lo ngại rằng họ có ít công cụ chính sách để ứng phó hơn nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra.

Ngoài ra, tình hình chính trị ở Thái Lan cũng bất ổn. Vào tháng 8, Srettha Thavisin, cựu Thủ tướng Thái Lan, đã bị tòa án hiến pháp bãi nhiệm. Một nhà đầu tư kỳ cựu vào thị trường châu Á nhận định rằng thị trường Thái Lan có nhiều rủi ro, đó là bất ổn chính trị và lợi nhuận thấp.

Dù hoạt động xuất khẩu gần đây đã hồi phục, các ngành công nghiệp xuất khẩu của Thái Lan, chiếm 2/3 GDP, vẫn do các công ty kinh doanh “kiểu cũ” dẫn đầu, tập trung vào các thị trường ít tiềm năng. Thái Lan lắp ráp phần lớn ổ đĩa cứng của thế giới, nhưng các nỗ lực chuyển sang các dòng sản phẩm sáng tạo hơn, như chất bán dẫn, mới chỉ ở giai đoạn tăng tốc.

Theo Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng tại thị trường mới nổi châu Á của Pantheon Macroeconomics, bất ổn chính trị xảy ra vào năm 2014 đã cản trở nền kinh tế Thái Lan hội nhập với thế giới. Trong khoảng thời gian đó đến nay, các nước trong khu vực như Việt Nam đã ký kết các thoả thuận thương mại với Hàn Quốc và EU, còn các cuộc đàm phán về thoả thuận thương mại tự do Thái Lan – EU đến năm 2021 mới được khôi phục.

Tham khảo Economist

Chuyên gia: Đồng USD liên tục mạnh lên, khẳng định ngôi vương nhờ một hành động do cả thế giới thực hiện

Nguồn