Thế Giới

Nông dân mặc áo giáp vắt sữa bò, Ukraine thắng Nga trên mặt trận kinh tế

Nông dân Ukraine mặc áo giáp vắt sữa bò

Sáu tuần đầu tiên của xung đột Nga-Ukraine (nổ ra tháng 2/2022), khi một đoàn xe quân sự của Nga dừng lại trên một xa lộ gần đó, trang trại của Mykhailo Travetsky, một nông dân ở Pryluky, trở thành vùng đất không người. Đạn pháo bay vèo vèo trên đầu. Và ông Travetsky vắt sữa bò 2 lần một ngày trong bộ áo giáp, súng trường tự động lên đạn bên hông.

Kể từ đó, trang trại liên tục thích nghi với những khó khăn mới. Khi Nga lần đầu ném bom hệ thống năng lượng của Ukraine, khiến tủ lạnh và máy vắt sữa không sử dụng được, ông Travetsky đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm sữa chua và pho mát có thời hạn sử dụng lâu hơn, như phô mai feta. Ông giảm giá và bắt đầu cung cấp cho những người có khả năng kinh tế thấp hơn, những người cần nguồn thực phẩm dinh dưỡng sữa.

Nền kinh tế Ukraine nói chung đã tự tái tạo để thích nghi với thực tế thời chiến, hiện chỉ còn quy mô tương đương 1/4 so với năm 2021. 

Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ năm 2022, kinh tế UKraine đã tăng trưởng tốt hơn Nga ở một số khía cạnh quan trọng – theo báo cáo của tạp chí The Economist hôm 18/12.

Ngân hàng trung ương Ukraine dự báo GDP sẽ tăng 4% vào năm 2024 và 4,3% vào năm 2025. Đồng tiền ổn định và lãi suất ở mức 13,5% vẫn gần mức thấp nhất trong 30 tháng. Ngược lại, GDP Nga sẽ chỉ tăng 0,5-1,5% vào năm 2025. 

Nhưng Ukraine phải đối mặt với những trở ngại lớn: chiến tranh gia tăng, nguồn lực trong nước giảm và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế của họ có thể trụ vững được bao lâu?

The Economist chỉ ra, lịch sử kinh tế của Ukraine kể từ năm 2022 đã trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, giao tranh diễn ra ác liệt, thiết quân luật được ban hành và 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nga đã phong tỏa các cảng Biển Đen, làm tắc nghẽn xuất khẩu của Ukraine. Các hành động của ngân hàng trung ương Ukraine là nhằm đáp ứng các mục tiêu quân sự. Trong nửa đầu năm 2022, ngân hàng trung ương đã tài trợ một nửa thâm hụt công, áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và cung cấp thanh khoản cho các nhà băng. Lạm phát tăng vọt và GDP giảm một phần ba.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu sau khi Ukraine đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga ở phía nam đất nước vào giữa năm 2022. Khi lòng tin được cải thiện, GDP ổn định. Một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc trở lại. Ngân hàng trung ương đã quay lại chống lạm phát. Vào đầu năm 2023, Ukraine đã ký một gói với IMF; ngân hàng trung ương đã ngừng tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách. Khi viện trợ đổ vào, dự trữ ngoại hối đã phục hồi. Kiểm soát vốn đã được nới lỏng.

Sự ổn định trở lại của nền tảng kinh tế vĩ mô đã cho phép chính phủ và các công ty Ukraine giảm thiểu tác động từ chiến tranh. Một ưu tiên là bảo vệ tài sản sản xuất khỏi tên lửa của Nga. Các khu công nghiệp đã được xây dựng ở các khu vực phía tây an toàn hơn. Các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo nguồn thu. Người dân cũng hướng tới tìm kiếm thu nhập từ nước ngoài: năm ngoái, cứ mười công ty mới ở Ba Lan thì có một công ty do người Ukraine thành lập.

Một nhiệm vụ khác là phân bổ lại nguồn lực cho nhu cầu xung đột kéo dài. Chi tiêu công đã tăng gấp đôi và hiện chiếm 2/3 GDP của Ukraine, tăng từ mức 41% vào năm 2021; riêng quốc phòng và an ninh chiếm gần 30% GDP.

Một số công ty nhà nước đã tự cải tổ. Naftogaz, công ty hàng đầu về hydrocarbon của đất nước, đã thành lập một ban giám sát vào năm 2023, với các giám đốc độc lập từ các công ty lớn của châu Âu. Công ty đã công bố khoản lỗ 79 tỷ hryvnia (2,4 tỷ đô la) vào năm 2022 nhưng đã bỏ túi 24 tỷ hryvnia lợi nhuận trong nửa đầu năm 2024, nhờ vào sự gia tăng sản lượng khí đốt và đầu tư vào năng lượng xanh.

Các công ty tư nhân cũng đã xoay trục. Sau khi cảng quan trọng Mariupol trên Biển Azov bị xóa sổ vào mùa xuân năm 2022, doanh nhân Vitalii Lopushanskyi đã tạo ra UADamage, một tổ chức AI phân tích hình ảnh vệ tinh để xây dựng các bản đồ tương tác có mọi tòa nhà, con đường hoặc cây cầu đã bị phá hủy. Kể từ đó, ông đã lập bản đồ cho hơn 200 thành phố. Ông cũng dạy máy bay không người lái phát hiện mìn và hướng dẫn rô-bốt trên mặt đất vô hiệu hóa các thiết bị.

Bây giờ, giai đoạn thứ ba đang bắt đầu, trong đó nền kinh tế của đất nước phải đối mặt với những mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay: tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về điện, nhân lực và tiền bạc.

Giai đoạn khó khăn bắt đầu

Về điện năng, vào năm 2022 và một lần nữa vào mùa xuân và mùa hè này, Nga đã không ngừng tấn công lưới điện của Ukraine. Mặc dù liên tục sửa chữa, Ukraine này chỉ có thể trông cậy vào chưa đến một nửa trong số 36 gigawatt (GW) công suất phát điện mà họ có thể khai thác trước chiến tranh.

Ảnh: Eastnews.ua.

Gần đây, chiến dịch của Nga lại tiếp tục. Vào ngày 13/12, Nga đã phóng 93 tên lửa và gần 200 máy bay không người lái đến các cơ sở truyền tải và nhà máy nhiệt điện. Mười hai tên lửa đã được phóng qua, dẫn đến tình trạng mất điện. Vào ngày 27-28/11, Nga đã tấn công các cơ sở truyền tải bên cạnh các nhà máy điện hạt nhân. Điều đó đã phủ bóng đen lên công suất năng lượng vào mùa đông của Ukraine, trong đó khoảng 70% đến từ năng lượng hạt nhân.

Về mặt tích cực hơn, quốc gia này đã được trang bị tốt hơn để hấp thụ những cú sốc như vậy. Vào tháng 12,Ukraine đã mở rộng công suất nhập khẩu điện từ EU thêm gần 1/4, lên 2,1GW. Nhiều nông dân đã trang bị máy phát điện diesel. Các công ty cỡ trung cũng đầu tư vào khí đốt tự nhiên, đôi khi họ kết hợp với năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Các công ty công nghiệp cũng đa dạng hóa nguồn cung điện, cùng với hàng nhập khẩu, để tránh tình trạng mất điện.

Thống đốc ngân hàng trung ương Ukraine Andriy Pyshnyi cho biết, các chiến lược ứng phó và sửa chữa đang diễn ra sẽ hạn chế tình trạng thiếu hụt điện trung bình của đất nước xuống còn 6% tổng nhu cầu vào năm 2025 và 3% vào năm 2026. Những người sử dụng nhiều phàn nàn về việc giá điện tăng gấp nhiều lần kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ngay cả khi không có tình trạng thiếu hụt.

Chuyên gia Timofiy Milovanov thuộc Trường Kinh tế Kiev ước tính rằng các vấn đề về điện có thể làm giảm tới 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP vào năm tới.

Vấn đề thứ hai – và cũng là vấn đề nan giải nhất – là tình trạng thiếu lao động. Kể từ đợt huy động thêm quân vào năm 2022, di cư và chiến tranh đã khiến lực lượng lao động Ukraine giảm hơn 1/5, xuống còn 13 triệu người. 

2026 – thời điểm đánh dấu thách thức lớn?

Dù sao thì Ukraine có lẽ vẫn có thể tồn tại mà không cần tiền của Mỹ vào năm 2025, khi ông Trump lên nắm quyền – The Economist bình luận.

Ông Dimitar Bogov, nhà kinh tế của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, cho biết cùng với khoản tiền 18 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cung cấp theo một chương trình trước đó, các khoản đóng góp từ các thành viên G7 khác sẽ lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại.

Ukraine cũng có dự trữ ngoại hối ổn định. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 43 tỷ đô la – tương đương với lượng nhập khẩu trong năm tháng – vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, nếu Mỹ rút lui, Ukraine có thể đối mặt với thách thức lớn vào năm 2026. Thiếu tiền mặt và yếu về mặt chính trị, các chính phủ EU có thể phải vật lộn để thanh toán một “hóa đơn” lớn khác.

Ngoài ra, khả năng thu thêm tiền trong nước của Ukraine cũng có hạn: đề xuất tăng thuế 4-5% GDP đã bị rút lại vào mùa hè vừa qua sau sự phản đối gay gắt.

Các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Travetsky cho biết ông đã kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ trong năm nay, là khoản lợi nhuận đầu tiên kể từ khi tiếp quản trang trại. Ông đang nghĩ đến việc bắt đầu một dây chuyền sản xuất pho mát parmesan mới. Nhưng những trở ngại vẫn còn chưa giảm đi: “Hãy thử làm món này khi bạn không có điện 12 giờ một ngày”.

Nguồn