Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

“Nước” với những giá trị phong thủy trong kiến trúc

(KTVN) – Yếu tố “nước” trong phong thủy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn nguồn năng lượng, là cội nguồn cho sự phát triển, sinh sôi, hưng thịnh về sức khỏe và tài lộc.

Yếu tố nước – giá trị biểu trưng trong văn hóa và phong thủy

Cây đa – giếng nước – sân đình từ bao đời này được coi là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nếu cây đa là nơi nghỉ chân của người dân là nông nghiệp, là nơi hội tụ của thánh thần; sân đình là nơi tập trung của tất cả mọi người, sau đó thường là chốn lui tới của đàn ông, thì giếng nước là nơi diễn ra hoạt động sinh hoạt cộng đồng, nơi chị em gặp nhau cùng rửa rau, vo gạo, giặt giũ, chuyện trò, nơi hẹn hò gặp gỡ xe duyên của bao đôi lứa. Giếng nước không chỉ mang giá trị biểu tượng trong văn hóa; trong lĩnh vực phong thủy, giếng nước được coi là mắt rồng, long mạch của rồng, biểu tượng tâm linh của ngôi làng, là nguồn sống, mạch máu của đất mẹ và cũng là mạch máu sinh tồn của con người.

Trong phong thủy có một nguyên lý căn bản “Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng”; tức là gió làm cho Khí tản đi và di chuyển theo gió, nhưng khi gặp nước thì Khí sẽ tụ lại. Khí muốn tác động đến con người thì cần phải tụ, do đó nước là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nước giúp cho Khí dừng, Khí tụ.

Với những giá trị tiêu biểu đó, trong các công trình ở phạm vi gia đình, làng, xã… nếu không có sẵn nguồn nước thì con người thường tạo nguồn nước nhân tạo bằng cách đào giếng, ao, hồ và các nguồn nước này trong phong thủy gọi là điểm tụ thủy hay tụ Khí, hay tụ tài lộc.

Hiện nay, đưa yếu tố nước vào không gian kiến trúc được xem là cách để tạo sinh khí cát tường. Vận dụng bể cá, hồ thủy sinh, thác nước ở không gian sống, làm việc là hình thức đưa một phần sinh khí bao la của đất trời vào nơi sinh hoạt và tồn tại của con người. Đây là sợi dây kết nối vô hình giữa nước với con người để tạo ra sinh khí và thời vận, nơi nào có sinh khí, nơi đó thời vận sẽ hanh thông. Đặc biệt ở các công trình tôn giáo như đền, đình, chùa, phủ… nơi có dòng khí rất mạnh, hầu hết đều có hồ nước phía trước hay ít nhất cũng có giếng nước.

Các hạng mục tiêu biểu chứa yếu tố nước trong kiến trúc phong thủy

Hồ nước hình bán nguyệt, mang ý nghĩa để tụ khí và trừ tà. Để tụ khí nước phải có thế cuộn lại, trong phong thủy gọi là “long hồi đầu”, chứ không chảy thẳng. Nếu nước theo mạch chảy xuôi như ở đoạn sông thẳng, Khí sẽ theo dòng nước chảy đi mất. Nhưng nếu ở khúc sông cong, uốn khúc, nước đang chảy thẳng sẽ cuộn lại, Khí sẽ theo đó mà tụ lại thành huyệt.

Ở khúc sông cong, nước sẽ chảy xói vào bờ cong phía ngoài tạo thành bên lở, rồi mang đất cát lắng lại bờ cong phía trong tạo thành bên bồi. Bên lở sẽ sinh ra sát khí có hại, còn bên bồi sẽ sinh ra sinh khí có lợi cho con người và vạn vật. Vì vậy, người xưa có câu “bồi ở, lở đi”.

Hồ hình bán nguyệt là mô phỏng theo hình dạng của khúc sông cong với bên lở là phía vòng cung và bên bồi là cạnh thẳng của dây trương cung, để cho Khí tụ lại và tạo thành sinh khí cho khu đất. Do đó, hồ bán nguyệt bao giờ cũng hướng đường vòng cung là bên lở ra phía ngoài, cạnh thẳng là bên bồi ở phía trong để đặt công trình chính là ngôi nhà vào đúng huyệt vị để được hưởng sinh khí.

Bên cạnh đó, hồ bán nguyệt có hình như một cánh cung với cạnh thẳng là dây cung và cung tròn là cánh cung để đặt mũi tên, nên trong phong thủy được dùng để trừ tà khí. Cánh cung hướng mũi tên ra bên ngoài sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma và ngăn chặn sát khí nói chung, bảo vệ an toàn cho ngôi nhà. Vì vậy, người ta không bao giờ xây hồ bán nguyệt hướng cánh cung vào phía trong, vì nếu hướng vào trong chính là lại “bắn mũi tên” vào chính ngôi nhà của mình, tạo xung sát và không may mắn.

Hòn non bộ là nghệ thuật xây dựng, sắp đặt, thu nhỏ, đưa những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong các vườn cảnh (giả sơn), người Việt phát triển lối kết hợp chặt chẽ thành phần nước. Lưu ý, không nên đặt non bộ trong nhà. Ngôi nhà là nơi mang lại sự ấm áp cho mỗi thành viên trong gia đình, những khối lô nhô như dãy núi, được coi là phá vỡ sự ấm áp. Theo quan niệm của phong thủy thì sông hồ, núi non cũng phải giao hòa với trời đất thì mới hợp lẽ tự nhiên. Cho nên chỉ có thể đặt chúng ở ngoài vườn hoặc ngoài sân. Hợp lý nhất là đặt ở góc sân đúng theo các hướng chính Bắc, chính Đông, Đông Nam.

Đài phun nước là công trình đài phun nước vào bồn chứa nước hoặc bắn tia nước vào không khí, không chỉ có hiệu ứng thẩm mỹ, làm mát, thư giãn mà còn có ý nghĩa mang lại sự may mắn, thịnh vượng, tài lộc. Sinh khí và tụ tài sẽ được sinh ra bởi sự luân chuyển không ngừng của dòng nước.

Thác nước phong thủy là kiến trúc nhằm tạo ra dòng nước chảy từ trên tường cao xuống, kết hợp với cây cây xanh, đá, tiểu cảnh, hòn non bộ… tạo thành một tiểu cảnh thác nước mini. Bức tường để làm thác nước có thể là tường nhà, tường rào, hoặc tấm bình phong bằng chất liệu đa dạng như: xi măng, đá, kính…Dòng  nước luôn chảy theo hướng tiến vào trong và luân chuyển, đối lưu liên tục được xem là may mắn, đem lại tài lộc, thúc đẩy phát triển và thăng tiến.

Bể cá phong thủy  bao gồm đầy đủ các yếu tố ngũ hành: Kim (phần khung kim loại dựng nên thành bể), mộc (các loại cây thủy sinh), thủy (nước trong bể), hỏa (ánh sáng chiếu vào), thổ (các loại cát, sỏi, đá). Trong đó, đàn các tung tăng bơi lội thể hiện cho sự sinh tồn, phát triển, đặc biệt bể cá cảnh có ý nghĩa giúp tăng cường sinh khí, điều hòa âm dương, thúc đẩy khí cát. Nên đặt bể cá hướng Bắc, hướng Đông, hướng Đông Nam.

Bách Hợp



Nguồn

Exit mobile version