Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Phần lớn doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tuyển lao động Việt Nam

Cuộc khảo sát gần đây do các nhà điều hành nền tảng việc làm của Hàn Quốc tiến hành cho thấy cứ 10 công ty thì có 7 công ty tại Hàn Quốc sẵn sàng tuyển dụng lao động nước ngoài.

Tỉ lệ lớn này có thể xuất phát từ tình trạng thiếu hụt lao động là người dân địa phương ngày càng nghiêm trọng tại thị trường việc làm Hàn Quốc.

Hai công ty Saramin và KoMate đã khảo sát 557 công ty địa phương và thu được kết quả là có tới 73,4% trong số các công ty này khẳng định “sẵn sàng thuê” nhân viên là người nước ngoài.

Các công ty có từ 50 – 100 nhân viên chiếm tỉ lệ lớn nhất (74,5%), tiếp theo là các công ty có dưới 50 nhân viên (73,9%), các công ty có từ 100 – 300 nhân viên (71%) và tỉ lệ này với các công ty có từ 300 nhân viên trở lên là 66,7%.

Hơn 44% số người được hỏi (đại diện cho các công ty) cho biết họ đang tuyển dụng hoặc đang sử dụng ít nhất một lao động nước ngoài. Trong số đó, 61% bày tỏ “hài lòng” và 11,7% “rất hài lòng” với lựa chọn này.

Hiện các công ty Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có xu hướng thuê lao động nước ngoài nhiều hơn, coi đây là một trong những giải pháp hiệu quả.

Các yếu tố được tính đến khi tuyển chọn nhân viên là người nước ngoài là tính siêng năng, ít nghỉ việc hơn, tiền lương thấp hơn…

Sản xuất là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài cao nhất (42,5%), tiếp theo là dịch vụ (16,1%), bán hàng và tiếp thị quốc tế (12%), xây dựng (11,7%) và công nghệ thông tin và dữ liệu (8,6%).

Các công ty cho thấy sự ưu tiên đối với các quốc tịch cụ thể khi tuyển dụng nhân viên nước ngoài. Thứ hạng lần lượt là Việt Nam (31,3%), tiếp đến là Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác (20%), Philippines (18,6%), Mông Cổ (16,1%), Mỹ hoặc Canada (8,8%), Ấn Độ và Nhật Bản (mỗi quốc gia 8,6%).

Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao

Bất tiện lớn nhất mà các công ty nêu ra khi tuyển dụng lao động nước ngoài là khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, với 56,2% chỉ ra vấn đề này. Tiếp theo là thủ tục xin thị thực và các thủ tục hành chính phức tạp khác (40,2%), chi phí lưu trú và các chi phí bổ sung bắt buộc khác (28,5%), khó khăn trong việc hòa nhập với văn hóa tổ chức của Hàn Quốc (25,3%) và trình độ hoặc chuyên môn thấp hơn so với người Hàn Quốc (18,1%).

Gần 50% số người được hỏi cho biết Hàn Quốc cần cải thiện các quy định về thị thực lao động để thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài.

Họ cũng nhấn mạnh nhu cầu về các chương trình giáo dục ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cần đa dạng hơn, kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt hơn đối với người nộp đơn xin việc nước ngoài và các công ty dễ dàng tiếp cận hơn để tìm kiếm nhân tài nước ngoài.

Cảnh báo khẩn cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo nhắm vào người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, các đối tượng mạo danh nhân viên doanh nghiệp được cấp phép, sử dụng tên gần giống doanh nghiệp hợp pháp hoặc tài khoản ngân hàng mang tên lãnh đạo doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền. Hành vi này gây thiệt hại kinh tế và làm suy giảm lòng tin vào các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực này.

Dolab khuyến cáo người lao động liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp được cấp phép hoặc cơ quan lao động địa phương để nhận thông tin chính xác. Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động được công bố công khai trên trang web chính thức của Dolab. Người lao động chỉ nên nộp tiền trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng, không nộp tại chi nhánh hoặc qua cá nhân trung gian. Khi thanh toán, cần yêu cầu phiếu thu hoặc hóa đơn rõ ràng, ghi đầy đủ tên doanh nghiệp, số tiền, ngày giao dịch, và dấu xác nhận của doanh nghiệp. Nếu phải chuyển khoản, cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản, đảm bảo đúng tên và số tài khoản thuộc doanh nghiệp dịch vụ hợp pháp….

Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người lao động cần phản ánh ngay đến Dolab hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương để được hỗ trợ kịp thời.

Nguồn

Exit mobile version