Thương Hiệu

Phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là một hành trình đầy gian nan

Phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là một hành trình đầy gian nan.

Cây dược liệu quý hiếm

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) là một loại cây dược liệu quý hiếm, có tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt trong việc nâng cao thể trạng và hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, huyết áp, và làm giảm căng thẳng, mệt mỏi. Loại cây này chủ yếu được trồng ở khu vực miền Trung Việt Nam, đặc biệt là ở vùng núi Ngọc Linh, thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, và giúp bồi bổ cơ thể, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Việc phát triển trồng sâm Ngọc Linh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương nhờ vào giá trị thương mại của loại dược liệu này. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đang trở thành một ưu tiên trong các chiến lược phát triển kinh tế nông thôn.

Tại hội thảo phát triển sâm Ngọc Linh tổ chức tại Kon Tum, ông Nguyễn Hữu Tháp – phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum – cho hay cây sâm Ngọc Linh đang thực sự trở thành một trong những cây trồng có giá trị cao nhất trong những năm gần đây.

Theo ông Tháp chỉ cần trồng 1ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm thu hoạch có thể đạt lợi nhuận trên 32 tỉ đồng.

Đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.

Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 2.922ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Tu Mơ Rông có diện tích lớn nhất với 2.883ha.

Để tiếp tục mở rộng quy mô vùng trồng, tỉnh Kon Tum đang triển khai trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu (60ha) làm nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh cho thị trường.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, từ tiềm năng của cây sâm Ngọc Linh, huyện đã có kế hoạch đầu tư cả về cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư phát triển nguồn dược liệu quý này nhằm quảng bá và nâng cao giá trị thương hiệu.

“Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng vùng sâm, giao thông, điện, viễn thông. Bên cạnh đó chúng tôi cũng làm việc với các doanh nghiệp để nhân rộng và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, huyện đang xúc tiến đầu tư việc này. Trong tương lai với Chương trình phát triển sâm Việt Nam đã được Chính phủ ban hành, nếu được Trung ương quan tâm thì sẽ tạo điều kiện để người dân Nam Trà My và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”- ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin.

Thực tế là đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt đầu tiên là khách hàng khi họ phải bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm, còn người trồng tâm huyết thì thiệt hại. Hiện nay, 1 ha sâm Ngọc Linh đem lại giá trị hơn 30 tỷ đồng, là một cây trồng có giá trị cao về kinh tế, tuy nhiên loại cây này đang đối mặt với nạn sâm giả khiến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thiệt hại lớn.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức – khoa dược Trường đại học Tôn Đức Thắng – trên thị trường giá cả sâm Ngọc Linh chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng so với một số loại sâm khác.

Cùng với đó là tình trạng nhập lậu tam thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc vào Việt Nam làm thị trường sâm bất ổn, gây thiệt hại hình ảnh và uy tín của sâm Ngọc Linh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Xây dựng thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh

Cây sâm Ngọc Linh từ 5-15 tuổi được các chủ vườn đưa đến bày bán tại lễ hội sâm Ngọc Linh - Ảnh: VGP
Cây sâm Ngọc Linh từ 5-15 tuổi được các chủ vườn đưa đến bày bán tại lễ hội sâm Ngọc Linh – Ảnh: VGP

Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu, trung tâm giống sâm Ngọc Linh của cả nước. Trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm thương mại, văn hoá và du lịch.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương tăng cường quảng bá, mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh quy mô lớn.

“Đến giờ này sâm Ngọc Linh chính thức là sản phẩm quốc gia chứ không còn của riêng tỉnh Quảng Nam. Trong quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành vùng dược liệu đại diện cho miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng là mục tiêu sẽ được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam sắp tới, tiếp tục thực hiện cho bằng được khát vọng đưa Quảng Nam phát triển, phải đạt được mục tiêu trở thành vùng dược liệu lớn”- ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Một trong những lợi thế để sâm Ngọc Linh có thể vươn xa hơn khi được công nhận là 1 trong 5 loại nhân sâm nổi tiếng trên thế giới là: Nhân sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh (Việt Nam), sâm Nga, sâm Canada và sâm Mỹ. Cả 5 loại sâm này đều có hàm lượng dưỡng chất cao và rất tốt cho sức khỏe con người. Điều đặc biệt là sâm Ngọc Linh vượt trội hơn với hàm lượng Saponin cao gấp 3 lần so với sâm Triều Tiên và gấp đôi sâm Trung Quốc và Mỹ. Saponin là hoạt chất tăng cường cho sức khỏe. Điều này đã giúp sâm Ngọc Linh trở thành một trong những loại nhân sâm tốt nhất trên thế giới. Ở thời điểm hiện tại, 1 héc ta sâm Ngọc Linh trồng 5 năm có thể thu về 75 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh vẫn chỉ được sử dụng ở dạng thô cả lá và củ. Cũng chưa có nhiều người được tiếp cận với loại dược liệu quý này bởi giá vẫn quá cao. Làm sao để sâm Ngọc Linh và sản phẩm sâm Ngọc Linh phổ biến và tiến tới xuất khẩu?. Đó là bài toán mà địa phương cùng các Bộ ngành liên quan phải tính đến.

Các nhà khoa học khẳng định, sâm Ngọc Linh có 52 hợp chất Saponin cao vượt trội các loại sâm khác trên thế giới. Trong khi Hàn Quốc đã xây dựng được ngành công nghiệp sâm lớn mạnh, các sản phẩm có mặt tại hơn 90 quốc gia thì Việt Nam vẫn loay hoay với công tác bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, chưa xây dựng được ngành công nghiệp sâm tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam và chế biến sản phẩm từ sâm đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nên chỉ dẫn địa lý theo các loại sâm khác nhau như sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, Kon Tum hay sâm Lai Châu để không lẫn lộn giá trị các loại sâm. Nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị lấy tên gọi sâm Việt Nam để xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu trước khi đưa sâm ra thị trường cho người tiêu dùng lựa chọn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng tầm thương hiệu sâm Việt Nam, cần khuyến khích các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước ta hợp tác với các doanh nghiệp sâm trong nước trên lộ trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Sâm Việt Nam cần hướng tới thị trường thế giới với nhãn mác “made in Vietnam”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần có tư duy sâm là sản phẩm quốc gia. Nếu cứ băn khoăn sản phẩm đó là sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu thì phạm vi chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vùng miền. Hàn Quốc gắn lá cờ của họ lên sản phẩm để định danh đó là sản phẩm quốc gia. Từ đó họ định hướng tiếp thị sâm Hàn Quốc ra thị trường quốc tế. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các hộ trồng sâm và các doanh nghiệp trồng và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm phải có tinh thần dân tộc, cùng nhau xây dựng sản phẩm sâm mang thương hiệu quốc gia, là biểu tượng của đất nước.

Tại Hàn Quốc, các sản phẩm chế biến từ sâm đã xuất khẩu sang 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, mang lại nguồn thu 2,5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tại Việt Nam, các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất ít người dân Việt Nam có điều kiện sử dụng. Làm sao để xây dựng chuỗi ngành hàng cho sâm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị cần sớm thay đổi cách tiếp cận để tạo ra giá trị tăng thêm.

“Sâm không hẳn là một sản phẩm nông nghiệp. Ở Hàn Quốc người ta gọi là nền công nghiệp sâm. Ở đây phát triển sâm thì nông nghiệp chỉ là bước khởi đầu mà thôi. Đó là mở rộng diện tích dưới tán rừng để quy hoạch trồng sâm, rồi cây giống, vùng nguyên liệu. Còn giá trị thực sự của cây sâm nó nằm ở chuỗi giá trị phía sau ấy. Phát triển Sâm Việt Nam không còn là ngành nông nghiệp nữa mà phải là công nghiệp sâm với nhiều tầng ở trong đó chứ không chỉ một tầng duy nhất là chế biến ra những sản phẩm thông thường. Đó phải là dược liệu, thực phẩm, mỹ phẩm và cả công nghiệp giải trí như ở Hàn Quốc. Từ giá trị của sản phẩm nông nghiệp trở thành giá trị công nghiệp, từ giá trị thấp tới giá trị cao”- ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm.

“Cây thuốc giấu” từ một loài cây mọc trong rừng trở thành “cây thoát nghèo”, “cây làm giàu” của người dân sống trên đỉnh núi Ngọc Linh và đang từng bước thành thương hiệu quốc gia.



Nguồn