Qualcomm xem xét mua lại mảng kinh doanh thiết kế chip của Intel
Qualcomm Incorporated là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây.
Cụ thể, Reuters cho hay, theo hai nguồn tin thân cận cho thấy: Nhà sản xuất chip di động đã xem xét việc mua lại nhiều bộ phận khác nhau của Intel, vốn đang gặp khó khăn trong việc tạo ra tiền mặt và muốn cắt giảm các đơn vị kinh doanh cũng như bán các tài sản khác.
Đây là “ông vua” của ngành từ vài thập kỷ trước.
Cũng theo nguồn tin, mảng kinh doanh thiết kế PC cho khách hàng của Intel rất được các giám đốc điều hành của Qualcomm quan tâm, nhưng họ đang xem xét tất cả các đơn vị thiết kế của công ty.
Bên cạnh đó, từ một nguồn tin khác hiểu biết về hoạt động của Qualcomm cho hay, Qualcomm sẽ không mấy hứng thú khi mua lại các mảng khác của Intel như mảng máy chủ (Server).
Trong khi đó, người phát ngôn của Intel chia sẻ, Qualcomm chưa tiếp cận Intel về khả năng mua lại và từ chối bình luận về kế hoạch của mình. Đồng thời cho biết, Intel cam kết sâu sắc với mảng kinh doanh PC của Qualcomm.
Còn Qualcomm từ chối bình luận.
Qualcomm trị giá 184 tỷ USD, nổi tiếng với các con chip được tìm thấy trong điện thoại thông minh và coi Apple là khách hàng, đã lên kế hoạch mua lại một phần của Intel trong nhiều tháng qua. Theo các nguồn tin, mối quan tâm và kế hoạch của Qualcomm vẫn chưa được hoàn thiện và có thể sẽ có nhiều thay đổi.
Intel đã báo cáo một quý thứ 2 của năm 2024 thảm họa vào tháng trước, bao gồm việc cắt giảm 15% nhân sự và tạm dừng trả cổ tức. Các giám đốc điều hành đang vật lộn với cách tiếp tục tài trợ cho các kế hoạch sản xuất của công ty và tạo ra tiền mặt.
Doanh thu từ mảng kinh doanh máy tính cá nhân của công ty đã giảm 8% xuống còn 29,3 tỷ USD vào năm ngoái, trong bối cảnh thị trường máy tính cá nhân nói chung đang suy yếu.
Từng được biết đến với chiến dịch tiếp thị “Intel Inside”, nhóm khách hàng của Intel sản xuất chip máy tính xách tay và máy tính để bàn được sử dụng trong các máy móc trên toàn thế giới. Các giám đốc điều hành cho biết việc giới thiệu PC trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp máy tính của họ và tạo ra nhiều doanh số hơn.
Ngược lại, Qualcomm đã tạo ra tổng doanh thu là 35,82 tỷ USD trong năm tài chính 2023.
Đầu tuần này, Intel đã ra mắt một con chip PC mới có tên Lunar Lake mà các giám đốc điều hành của công ty cho biết có hiệu suất vượt trội cho các ứng dụng AI. Được biết, Hội đồng quản trị của Intel sẽ họp vào tuần tới để cân nhắc đề xuất của Tổng giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger và các giám đốc điều hành khác về cách cắt giảm hoạt động của công ty nhằm tiết kiệm tiền. Các lựa chọn tiềm năng bao gồm việc bán đơn vị chip lập trình của công ty này.
Đế chế Intel đã từng hoành tráng như thế nào?
Cách đây khoảng 2-3 thập kỷ, Microsoft và Intel đều đứng đầu thế giới công nghệ.
Nhắc tới cụm từ “thống trị ngành chip” hiện tại, người ta sẽ nghĩ ngay tới Nvidia và Microsoft. Tuy nhiên, ít ai biết, trong quá khứ, “ngôi vương” từng thuộc về Intel – công ty sản xuất chip lớn nhất và có giá trị nhất của Mỹ. Giám đốc điều hành Intel Andy Grove là được Tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm 1997.
Intel thành lập năm 1968, là một yếu tố then chốt trong việc định hình Thung lũng Silicon như một trung tâm công nghệ cao của Mỹ cũng như thế giới. Khởi đầu, Intel là nhà sản xuất bộ nhớ SRAM, DRAM – nền tảng đầu tiên cho các nhà sản xuất chip bộ nhớ sau này. Intel cũng là đơn vị tạo ra chip vi xử lý thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 1971, đưa sản phẩm này thành mảng kinh doanh chính của hãng sau sự phát triển của máy tính cá nhân (PC).
Tuy nhiên, càng về sau hoạt động của Intel ngày càng sa sút. Intel đã cố gắng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình trong hơn một thập kỷ qua, nhưng nhiều nỗ lực trong số này đã thất bại hoặc vẫn đang được tiến hành.
Đơn cử, Intel đã thử và thất bại trong việc phát triển GPU (bộ xử lý đồ họa) – cũng chính là loại chip được sử dụng trong phát triển AI và do Nvidia thiết kế. Những nỗ lực khác như lái xe tự động với Mobileye hay hoạt động kinh doanh xưởng đúc đều chưa cho kết quả khả quan.
Một tác nhân khác khiến Intel bị ảnh hưởng lớn về mặt lợi nhuận chính là sự thay đổi vị thế dẫn đầu về công nghệ trong nửa thập kỷ qua. Điều này rõ ràng nhất dẫn đến việc Intel mất thị phần, vì chip của công ty trở nên kém cạnh tranh hơn. Cụ thể, Intel đã chậm trễ đáng kể ở cả 3 quy trình chip (14nm, 10nm/Intel 7 và 7nm/Intel 4) do các vấn đề về năng suất và bị các đối thủ vượt xa.
Thời gian qua, sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Nvidia trong lĩnh vực sản xuất chip phục vụ ngành trí tuệ nhân tạo (AI), càng cho thấy sự mờ nhạt của “ông vua” của ngành từ vài thập kỷ trước này. Đúng vậy, khi đặt Nvidia – được coi là hiện tại và tương lai của ngành chip, cùng Intel, chúng ta mới nhìn rõ hơn rằng Nvidia đã đi nhanh thế nào, hay Intel đã “tụt hậu” ra sao.