Quốc tế nâng dự báo, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á: “Lấy lại hào quang”
Mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã phát hành báo cáo về kinh tế Việt Nam, có tên “Vietnam at a glance – Lấy lại hào quang”. Báo cáo đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 6,5% (trước đó là 6%) và giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.
Nội dung báo cáo cho biết, tăng trưởng GDP quý 2/2024 của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong 2 năm gần đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Cộng thêm điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của quý 1/2024, kết quả này đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 6,4% so cùng kỳ.
Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tỏa sáng sau khi Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách trong nửa đầu 2024, vượt mức của năm 2019. Đặc biệt, ngay cả chưa có cơ chế miễn thị thực, lượng du khách Trung Quốc trở lại đã đạt 80% so với thời điểm đó.
“Mặc dù Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024, chúng tôi vẫn thấy có dư địa để cải thiện hơn nữa, bao gồm mở rộng danh sách miễn thị thực”, các chuyên gia của HSBC nhìn nhận.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ trước đại dịch. Theo ước tính của HSBC, chỉ số này vẫn còn thiếu hụt một mức đáng kể tương đương 10% so với xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa rồi cũng sẽ tác động đến lĩnh vực trong nước, ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong quý 4/2024.
Các chuyên gia của HSBC tin tưởng lạm phát có khả năng sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2024 khi hiệu ứng cơ sở thuận lợi bắt đầu có tác động.
Với dự báo tăng trưởng 6,5%, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.
Các chuyên gia của HSBC cũng lưu ý mức độ ổn định trong phục hồi thương mại và mức độ lan tỏa của sự phục hồi này sang lĩnh vực trong nước là các yếu tố cần theo dõi chặt chẽ.
Các động lực tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ trên khắp ASEAN+3
Cũng phát hành trong tháng 7, báo cáo mới nhất của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết tăng trưởng của Việt Nam được AMRO điều chỉnh tăng lên 6,3% năm 2024 và 6,5% cho năm sau.
Báo cáo đề cập ASEAN+3 đang trên đà đạt được tăng trưởng 4,4% trong năm nay. Tăng trưởng chung của nhóm Plus-3 và ASEAN dự báo lần lượt là 4,4% và 4,8%. Thương mại ngoại thương dự kiến sẽ trở lại mức tích cực trong năm nay, bổ sung cho tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và sự phục hồi liên tục trong du lịch. Triển vọng nhu cầu toàn cầu sáng sủa hơn được phản ánh qua các dự báo tăng trưởng được nâng lên cho Việt Nam và Hàn Quốc.
Trên bình diện khu vực, AMRO đánh giá các động lực tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ trên khắp ASEAN+3. Tiêu dùng cá nhân trong khu vực tiếp tục phục hồi nhanh chóng, được hỗ trợ bởi việc làm và giá cả ổn định. Sự phục hồi bền vững trong du lịch và lữ hành cũng đang tạo ra động lực mạnh mẽ cho chi tiêu trong nước.
Điều này, cùng với triển vọng cải thiện ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt, giúp củng cố tâm lý kinh doanh trong những tháng gần đây: hoạt động sản xuất tiếp tục mạnh lên trên khắp ASEAN+3. Tuy nhiên, sự bất định kinh tế kéo dài đã làm suy giảm tăng trưởng đầu tư ở hầu hết các nền kinh tế.
Cạnh đó, sự phục hồi đang diễn ra cho xuất khẩu hàng hóa của ASEAN+3. Ngoại trừ sự sụt giảm mạnh vào tháng 3, nhu cầu về xuất khẩu của khu vực đã duy trì từ đầu năm đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, 12 nền kinh tế trong khu vực đã chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với giai đoạn trước năm 2023, được thúc đẩy bởi nhu cầu cải thiện từ các thị trường nước ngoài chủ chốt và giá xuất khẩu thuận lợi.
Phân tích của nhân viên AMRO cho thấy đà tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục trong vài tháng tới, khi nền kinh tế toàn cầu tìm được chỗ đứng vững chắc hơn. Bất chấp những lo ngại về sự gia tăng mạnh của giá vận chuyển toàn cầu do sự gián đoạn ở Biển Đỏ, chỉ số PMI từ tháng 4 đến tháng 6 vẫn cho thấy sự tự tin của các nhà xuất khẩu ASEAN+3.