Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Quỹ mở nào lãi cao trên thị trường chứng khoán?

Các quỹ mở của VinaCapital, SSI, Bảo Việt, Vietcombank… đạt hiệu suất 9 tháng tốt hơn mặt bằng chung chứng khoán, có quỹ cao gấp đôi mức tăng của VN-Index.

Theo thống kê của Fmarket – nền tảng phân phối gần 50 quỹ mở của các công ty quản lý quỹ hàng đầu Việt Nam – trong 9 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 18 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index, trong đó có 12 quỹ đạt lợi nhuận trên 20%.

Dẫn đầu là quỹ VMEEF của VinaCapital với lợi nhuận 34,16% – cao gấp 2,4 lần so với mặt bằng chung của sàn HoSE. Đây là một quỹ trẻ tuổi khi mới thành lập tháng 5/2023, đầu tư chủ yếu vào các ngành gắn liền với xu hướng đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế số. Theo Fmarket, việc tập trung danh mục vào cổ phiếu các công ty được hưởng lợi trực tiếp từ động lực phát triển kinh tế dài hạn giúp VMEEF hoạt động hiệu quả.

Hai vị trí tiếp theo lần lượt là các sản phẩm của Công ty Quản lý Quỹ SSI. Cụ thể, Quỹ đầu tư cổ phiếu Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SCA) đạt lợi nhuận 31,21%. Quỹ chủ trương phân bổ nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa vừa, có tiềm năng tăng trưởng cao.

Theo sát sau đó là Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) với lợi nhuận 28,89%. Đây là quỹ cổ phiếu năng động, tập trung nhiều hơn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành, có thanh khoản cao. Theo Fmarket, VMEEF, SSI-SCA và VLGF là ba trong số 50 quỹ mở trên nền tảng này liên tiếp đạt thành tích tốt nhất trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận thêm 12 quỹ có lợi nhuận trên 20%, cao hơn hiệu suất của chỉ số VN-Index (13,98%). “Hiệu suất đầu tư vượt trội của các quỹ mở đã và dần khẳng định được sự chuyên nghiệp và khả năng quản trị danh mục của các công ty quản lý quỹ. Dù trong điều kiện thị trường nào, đội ngũ chuyên gia quỹ luôn tìm thấy cơ hội và nhạy bén thay đổi chiến lược để tối ưu lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư”, Fmarket nhận xét.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua 9 tháng đầy biến động. Chỉ số VN-Index khởi động với xu hướng tăng giá (uptrend) nhờ những dự báo và tín hiệu vĩ mô lạc quan, nhưng cũng sớm rung lắc mạnh trong tháng 4 về dưới 1.200 điểm. Sau đó, thị trường ghi nhận đà uptrend tiếp theo, kéo chỉ số lên mốc 1.300 điểm. Tuy thanh khoản lình xình và VN-Index có phần “hụt hơi” trong tháng 8, thị trường vẫn ghi nhận ba tháng gần đây đều tích lũy điểm số.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chứng khoán bắt đầu đón nhận nhiều thông tin tích cực từ nửa cuối tháng 9 như động thái cắt lãi suất của các ngân hàng lớn trên thế giới, nổi bật là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cùng với chính sách hỗ trợ bất động sản của Trung Quốc. Thị trường còn ghi nhận xu hướng thanh khoản gia tăng, khối ngoại trở lại mua ròng.

Sang tháng 10, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực. Từ nay đến cuối năm, chứng khoán còn được tiếp sức bởi các quy định tháo gỡ vướng mắc để nâng hạng thị trường, chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, VDSC cho rằng rủi ro chiến sự khu vực Trung Đông leo thang là yếu tố cần cẩn trọng. Đây có thể góp phần khiến hành trình chinh phục ngưỡng 1.300 điểm của VN-Index trở nên thử thách.

Trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều biến số, theo Fmarket, việc phân bổ một phần tài sản vào các sản phẩm quỹ mở là một giải pháp phù hợp cho việc gia tăng tài sản những tháng cuối năm nay và đầu năm 2025. Quỹ mở được xem như kênh rót tiền đáng cân nhắc dành cho các nhà đầu tư không chuyên khi vẫn duy trì hiệu suất tốt giữa những diễn biến phức tạp của thị trường. Các sản phẩm này cũng có thể giúp nhà đầu tư gặp hạn chế về những yếu tố về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, nguồn vốn và các quy định pháp lý vẫn có thể tham gia chứng khoán.

Tuy nhiên trước khi rót tiền vào quỹ mở, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số vấn đề. Ông Nguyễn Duy Anh – Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) – khuyến nghị cần xem xét và tìm câu trả lời cho ba vấn đề gồm: Hiệu suất có ổn định qua thời gian không hay biến động nhiều hơn thị trường? Chiến lược đầu tư có phù hợp với nhu cầu của bản thân hay không (khả năng chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư)? Đội ngũ nhân sự của công ty quản lý quỹ như thế nào (kinh nghiệm, thời gian gắn bó với quỹ)?

Tất Đạt


Nguồn

Exit mobile version