Sáng ngày 23/05/2025, tại Trung tâm Sáng tạo Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, buổi Gặp gỡ báo chí ra mắt ấn phẩm TREND 26+: Xu hướng kiến trúc nội thất Việt Nam giai đoạn 2026–2030 đã chính thức diễn ra. Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành nghề và cơ quan báo chí, báo hiệu một bước tiến đáng chú ý trong hành trình xây dựng bản sắc kiến trúc Việt Nam thời kỳ mới.
Lần đầu tiên, ngành kiến trúc nội thất Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một ấn phẩm chuyên sâu, hệ thống và có chiều sâu học thuật về xu hướng: TREND 26+. Dự án được đồng thực hiện bởi ba thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực vật liệu nội thất – Viglacera, Gỗ Minh Long và Khóa Huy Hoàng – với sự bảo trợ chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nội thất Việt Nam, cùng đóng góp nội dung từ 45 chuyên gia trong nước và quốc tế.
Với độ dày hơn 552 trang, TREND 26+ tổng hợp 31 xu hướng chủ đạo cho giai đoạn 2026–2030, dựa trên dữ liệu từ tổ chức dự báo xu hướng hàng đầu thế giới WGSN, các triển lãm quốc tế, cũng như thực tiễn tại Việt Nam. Ấn phẩm không chỉ là công cụ dự báo mà còn đặt nền móng cho việc định hình phong cách kiến trúc nội thất mang bản sắc Việt, trong dòng chảy hội nhập toàn cầu.
Từ xu hướng đến phong cách: Những góc nhìn đa chiều
Phát biểu tại sự kiện, KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam – nhận định: “Xu hướng không phải là thứ tự nhiên sinh ra – nó là kết quả của quá trình quan sát, chọn lọc và kiến tạo có chủ đích. Với thiết kế, xu hướng không chỉ là cái mới – mà phải phản ánh được bản sắc, nhu cầu xã hội và tinh thần của thời đại. Việc hình thành xu hướng thiết kế Việt cần sự kết nối giữa chuyên môn, sáng tạo và bối cảnh văn hóa.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc xuất bản định kỳ hai năm một lần sẽ là thách thức nhưng cần thiết, nhằm theo kịp chu kỳ hình thành xu hướng toàn cầu, qua đó “tổng hợp xu hướng để từng bước hình thành phong cách thiết kế Việt.”
Trong phần tọa đàm, các diễn giả như KTS Hoàng Thúc Hào (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam), PGS.TS KTS Vũ Hồng Cương (Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, cùng các đại diện từ thương hiệu Viglacera, Gỗ Minh Long, Khóa Huy Hoàng và nhóm tác giả TREND 26+ đã chia sẻ những quan điểm đầy cảm hứng.
KTS Hoàng Thúc Hào phát biểu: “Ngành Kiến trúc Nội thất Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng chưa có một tài liệu chuyên sâu, hệ thống để dự đoán, định hình xu hướng dài hạn. Sự xuất hiện của Trend 26+ không chỉ đánh dấu sự ra đời của một dự án chuyên sâu đáng tin cậy cho giới chuyên môn, mà còn thu hút sự chú ý của công chúng, mở màn cho chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy kết nối trong ngành, cập nhật xu hướng và phát triển sáng tạo nội địa, nhằm góp phần xây dựng ngành nội thất Việt Nam năng động và giàu bản sắc.
Thế giới không chỉ cần những công trình biểu tượng, mà cần những công trình khiêm nhường, cộng sinh với thiên nhiên và phản ánh văn hóa địa phương. Đó là hướng đi bền vững – và cũng là xu hướng toàn cầu hoàn toàn có thể trở thành bản sắc kiến trúc Việt. Việt Nam là đất nước giàu văn hoá, lịch sử, vậy khi chúng ta sử dụng chất liệu đó, nó sẽ trở thành thế mạnh.”
PGS.TS KTS Vũ Hồng Cương cũng chia sẻ suy nghĩ: “Tôi nghĩ, đằng sau cuốn sách này là mong muốn tạo ra một phong cách kiến trúc Việt Nam. Và cuốn sách này là một trong những cách giúp chúng ta làm được điều này một cách phi lợi nhuận. Trong một bài viết gần đây tôi có nói: rất nhiều KTS muốn xây dựng phong cách kiến trúc Việt Nam, nhưng chúng ta thiếu Vật liệu để làm – chúng ta phải sử dụng vật liệu nước ngoài, thì thẩm mỹ cũng sẽ là thẩm mỹ nước ngoài. Vậy nên, cuốn sách với việc giới thiệu các vật liệu Việt Nam sẽ giúp các KTS có thêm dữ liệu thiết kế, và xu hướng sính ngoại của người Việt sẽ giảm xuống, thay vào đó là các thiết kế phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.” Ông bổ sung: “Nhiều kiến trúc sư muốn sáng tạo phong cách Việt nhưng lại thiếu vật liệu Việt. TREND 26+ là bước đầu tiên cung cấp dữ liệu, chất liệu thiết kế – từ đó giảm dần xu hướng sính ngoại, hướng tới một bản sắc rõ ràng hơn cho nội thất Việt.”
Vật liệu nội địa: Nền tảng kiến tạo bản sắc
Ông Quách Hữu Thuận – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công Ty Viglacera, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera – một trong ba đơn vị đồng hành phát hành TREND 26+ – nhấn mạnh vai trò của vật liệu trong việc kiến tạo xu hướng: “Là doanh nghiệp sản xuất vật liệu, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với những người kiến tạo và ứng dụng xu hướng. Từ đó, chúng tôi nhận ra nhu cầ u cấp thiết về một công cụ có thể tổng hợp, phân tích và dự báo các chuyển dịch – không chỉ về sản phẩm, mà còn về văn hoá, công nghệ, hành vi tiêu dùng… TREND 26+ ra đời để lấp đầy khoảng trống đó.” Về tầm nhìn, ông khẳng định:
“Chúng tôi tin rằng đã đến lúc người Việt có thể tự tin tạo dựng những xu hướng của riêng mình. Với nền tảng văn hóa phong phú và đội ngũ thiết kế tài năng, TREND 26+ sẽ là bước đầu xây dựng một ‘hạ tầng mềm’ vững chắc cho ngành nội thất Việt Nam.”
Ông Vũ Hồng Cương chia sẻ: “Tôi may mắn được tham gia một số giải thưởng kiến trúc có uy tín tại Việt Nam như GTKTQG. Trước đây, có nhiều công trình được giải nhưng không ở được. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, các công trình đã chú trọng trong việc xây dựng công năng, lấp lánh nhiều công trình kiến trúc, nội thất, thể hiện bản sắc riêng của Việt Nam. Hay một số công trình, với các vật liệu, đồ dùng, thể hiện tính bản sắc dân tộc. Tôi nghĩ đó là sự chuyển mình của xu hướng kiến trúc, nội thất Việt Nam. Cuốn Trend 26+ chắc chắn chưa thể hiện được hết các hạng mục công trình, mà chủ yếu là nhà ở, nhưng tôi nghĩ đó sẽ là một khởi đầu, giúp người dân bước đầu có những tiếp cận đến các xu hướng này. Đối với các nhà sản xuất, Các vật liệu với phong cách Việt Nam sẽ trở thành món ăn mới, thu hút thị trường không chỉ trong nước mà còn quốc tế.”
Trong khi đó, ông Lê Trương – cũng đại diện đội ngũ thiết kế – bày tỏ kỳ vọng: “Nếu có những vật liệu truyền thống, mang bản sắc mà vẫn đạt chất lượng, chúng tôi sẵn sàng ứng dụng vào công trình. Đó chính là nền tảng tạo nên bước ngoặt.”
KTS Hoàng Thúc Hào cũng chia sẻ những ví dụ cụ thể, về các vật liệu địa phương của Việt Nam được ứng dụng thành công ra thế giới – Từ tre nứa trong công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa, đến cách sử dụng gạch mang tính sáng tạo trong tác phẩm của nhóm Tropical Space – các diễn giả đều cho rằng những ví dụ này cho thấy tiềm năng lớn của vật liệu nội địa nếu được đầu tư bài bản.
TREND 26+: Cầu nối sáng tạo giữa Việt Nam và thế giới
Với sự tham gia đóng góp nội dung từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Hồng Kông, TREND 26+ thể hiện nỗ lực đối thoại và cộng hưởng sáng tạo giữa Việt Nam và khu vực. Việc kết hợp giữa góc nhìn toàn cầu và bản địa giúp ấn phẩm không chỉ mang tính dự báo, mà còn là biểu hiện của bản lĩnh sáng tạo và chủ động của ngành thiết kế nội thất Việt.
TREND 26+ dự kiến chính thức phát hành ngày 06/06/2025 với 5.000 bản in đầu tiên, hứa hẹn trở thành tài liệu không thể thiếu cho kiến trúc sư, nhà thiết kế, sinh viên và các doanh nghiệp sáng tạo. Trong bối cảnh ngành thiết kế Việt Nam đang tìm kiếm tiếng nói riêng, ấn phẩm này là bước đi cụ thể, có chiều sâu và giàu cảm hứng.
Thuỵ An – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc