Thế Giới

Rò rỉ đoạn nói chuyện của hai phi công Su-34 Nga khi nhận nhiệm vụ “cảm tử” ở Ukraine

Kênh Telegram Fighterbomber, có mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng Nga hoạt động tại Ukraine, đã chia sẻ một cuộc trò chuyện, được cho là của phi hành đoàn gồm hai phi công điều khiển máy bay ném bom Su-34, trong một lần họ làm nhiệm vụ và chạm trán với tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ngày chính xác mà bản ghi âm được thu vẫn chưa được tiết lộ.

Theo Fighterbomber, cuộc hội thoại này diễn ra trong một “nhiệm vụ quan trọng”. Bản ghi âm bắt đầu bằng cảnh một phi công hỏi người kia, “Này Seryoga, liệu chúng ta có thể sống thêm không?”. Câu nói này được xem như một dấu hiệu cho thấy, phi hành đoàn Su-34 sắp tiến vào vùng không phận phức tạp và nguy hiểm.

Ngay sau cuộc trao đổi ban đầu này, có thể nghe thấy lệnh của sĩ quan kiểm soát chiến đấu. Thông qua liên lạc vô tuyến, viên sĩ quan điều phối các hành động của phi hành đoàn, cung cấp thông tin và hướng dẫn mục tiêu cho các phi công Su-34.

Nhiệm vụ của phi hành đoàn

Theo Fighterbomber, các phi công Su-34 đang chuẩn bị tấn công một địa điểm quân sự kiên cố bằng bom FAB có độ chính xác cao. Tuy nhiên, khi họ đến gần mục tiêu, rõ ràng là máy bay đã nằm trong phạm vi hoạt động của Patriot – hệ thống phòng không nổi tiếng với hiệu quả và độ chính xác cao.

Bất chấp mối đe dọa từ hệ thống phòng không, phi hành đoàn Su-34 vẫn tiếp tục tiến vào vùng nguy hiểm và thực hiện nhiệm vụ của họ. Đoạn ghi âm cho thấy sự tập trung cao độ của các phi công, bởi sự im lặng đã thay thế cho những câu nói bông đùa vui vẻ thường ngày. Những lời động viên từ sĩ quan kiểm soát chiến đấu cũng có thể nghe thấy.

Fighterbomber cho biết, “Cơ hội sống sót của Su-34 là rất mong manh khi bị tên lửa Patriot nhắm mục tiêu trong phạm vi gần”. Do đó, các phi công Nga phải thể hiện kỹ năng đặc biệt trong việc điều khiển máy bay để tránh tên lửa đang bay tới và nâng cao khả năng sống sót.

Rò rỉ đoạn nói chuyện của hai phi công Su-34 Nga khi nhận nhiệm vụ "cảm tử" ở Ukraine- Ảnh 2.

“Công việc tuyệt vời nhất trên thế giới”

Fighterbomber giải thích, “Tình huống vô cùng căng thẳng, từng khoảnh khắc đều có thể là những giây phút cuối cùng của họ. Trong những điều kiện như vậy, sự chuyên nghiệp và phối hợp của phi hành đoàn đóng vai trò quan trọng. Lòng dũng cảm và phản ứng nhanh của họ đã giúp các phi công Nga tránh được hỏa lực trả đũa và thoát khỏi không phận nguy hiểm”.

Tuy nhiên, thông tin của Fighterbomber cũng không làm rõ, liệu chiếc Su-34 trên có bị tên lửa Patriot Ukraine tấn công hay không. Rất có thể không có tên lửa nào được phóng, nhưng phi hành đoàn Su-34 Nga đã biết rõ rằng, có một hệ thống Patriot đang hoạt động trong khu vực mà họ được giao nhiệm vụ.

Sau khi mối đe dọa qua đi, cuộc trò chuyện trong bản ghi âm trở nên bình tĩnh hơn. Vào cuối bản ghi âm, một trong những phi công lặp lại câu mở đầu, hỏi lại đồng đội của mình: “Được rồi, Seryoga, chúng ta sẽ sống thêm một chút nữa chứ?”. Sự lạc quan trong giọng nói của họ cho thấy một cảm giác nhẹ nhõm và vui mừng không thể nhầm lẫn. Một phi công nói đùa thêm: “Bây giờ chúng ta hãy hút một điếu thuốc”. Sự căng thẳng có vẻ đã nhường chỗ cho sự hài hước. Đến cuối cuộc trò chuyện, các phi công đều đồng ý rằng họ đang có “công việc tuyệt vời nhất trên thế giới”.

Rò rỉ đoạn nói chuyện của hai phi công Su-34 Nga khi nhận nhiệm vụ "cảm tử" ở Ukraine- Ảnh 3.

Patriot là mối đe dọa thực sự đối với Su-34

Theo Bulgarian Military, Su-34 gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối mặt với tên lửa từ hệ thống Patriot so với các máy bay cùng loại như Su-30, Su-35 và Su-57. Vấn đề chính nằm ở việc thực hiện các động tác chống tên lửa hoặc chống máy bay đối phương. Su-34 được thiết kế với vai trò là máy bay chiến đấu tấn công, vì vậy nó có khung máy bay lớn hơn và nặng hơn, điều này làm giảm đáng kể sự linh hoạt và khả năng cơ động của máy bay trong chiến đấu. Do đó, việc thực hiện các động tác chống máy bay hoặc tên lửa phòng không của Su-34 trở nên khó khăn hơn nhiều.

Mặc dù Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử hàng không và tác chiến điện tử tiên tiến, tuy nhiên các hệ thống này chủ yếu hỗ trợ cho vai trò tấn công mặt đất hơn là chiến đấu không đối không. Do đó, các cảm biến và biện pháp đối phó của Su-34 không được tối ưu hóa để phát hiện và tránh các mối đe dọa như tên lửa Patriot.

Bản thân hệ thống tên lửa Patriot nổi tiếng với công nghệ radar và hệ thống dẫn đường tiên tiến, có thể theo dõi chính xác và tấn công các mục tiêu di chuyển nhanh. Tốc độ tương đối chậm và tiết diện radar lớn, khiến Su-34 trở thành mục tiêu dễ bị tiêu diệt hơn so với các loại chiến đấu cơ khác của Nga.

Nguồn