Sẽ còn nhiều bất ngờ trong thu hút FDI
Các “thủ phủ công nghiệp” trỗi dậy
Trong tháng 6, có nhiều sự kiện quan trọng, dự báo sẽ có tác động tích cực đối với thu hút FDI trong tương lai gần. Đặc biệt là chuyến đi quan trọng đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới Đại Liên 2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại phiên thảo luận, lãnh đạo Tập đoàn Foxconn thông tin về dự án đầu tư nhà máy mới tại VN vừa được đưa vào sản xuất hồi tháng 4 vừa qua và khẳng định: “VN đang phát triển nhanh, và chúng tôi phát triển cùng VN”.
Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã có mặt tại 5 tỉnh ở VN với khoản đầu tư 4 tỉ USD, sử dụng 80.000 lao động. Đặc biệt, Foxconn cho biết vừa quyết định đầu tư thêm gần 400 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp, gia công bảng mạch PCB tại Khu công nghiệp Nam Sơn (Bắc Ninh). Cũng tại nơi đây, hơn 1 năm trước, nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử trị giá 280 triệu USD của “đại bàng” Goertek (Đài Loan) đã được khởi công xây dựng.
Cũng trong tháng 6, tại Bắc Giang, Nokia công bố việc hợp tác cùng Foxconn để sản xuất các sản phẩm AirScale, trong đó bao gồm thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale phục vụ cho hạ tầng 5G. Đại diện Nokia cho biết dự án sẽ bắt đầu vào tháng 7 và kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 9. Các sản phẩm xuất xưởng từ nhà máy này sẽ được sử dụng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Foxconn là đối tác sản xuất toàn cầu của Nokia, sẽ mở rộng năng lực để sản xuất các sản phẩm 5G của tập đoàn Phần Lan tại VN.
Việc một tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đầu tư dự án trị giá hàng trăm triệu USD tại VN không phải là điều quá mới mẻ nhưng mỗi khi các “đại bàng” công nghệ như Foxconn, Goertek tăng tốc mở rộng, sẽ tạo cơ hội thu hút FDI lớn từ các ông lớn công nghệ khác, như Apple, Google hay Huawei. Quan trọng hơn, các ông lớn công nghệ chọn VN là nơi cung ứng thiết bị trong chuỗi cung ứng của mình bởi Foxconn hay Goertek là những nhà sản xuất cung ứng thiết bị gốc cho các hãng công nghệ lớn trên thế giới.
Cũng trong tháng 6, trong chuyến công tác tại Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo của các công ty ARM, Marvell, Google. Bộ KH-ĐT nhận định việc hai bên đạt được các thỏa thuận quan trọng, nhất là về những vấn đề liên quan đến hệ sinh thái bán dẫn, sẽ mở ra cơ hội to lớn để thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp 4.0.
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (gọi chung là vốn FDI) trong nửa đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Bắc Ninh bất ngờ vượt qua Hà Nội và Bà Rịa-Vũng Tàu, trở thành điểm nóng thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,6 tỉ USD – chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước, cao gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ. Sau Bắc Ninh, vốn FDI của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt gần 1,54 tỉ USD, chiếm hơn 10% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ. Đứng thứ ba là Quảng Ninh với hơn 1,36 tỉ USD đăng ký, chiếm gần 9% tổng vốn FDI cả nước; kế tiếp là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, với lượng vốn FDI đăng ký lần lượt là 1,82 tỉ USD, 1,13 tỉ USD và 1,12 tỉ USD. Xét về số dự án, TP.HCM đang dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 38,8%) và góp vốn mua cổ phần chiếm gần 71,5%; Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn, chiếm 13,5%…
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định vốn đầu tư tập trung nhiều vào những địa phương có nhiều lợi thế như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… Riêng 10 địa phương Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên đã chiếm 79,5% số dự án mới và gần 78% vốn FDI của cả nước trong 5 tháng.
Dự báo hút 35 – 37 tỉ USD trong năm nay
Chuyên gia kinh tế, GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, cho rằng kinh tế quý 2 tăng gần 7% và 2 quý đầu năm cũng tăng cao so với năm ngoái là một trong những yếu tố tác động quan trọng đến thu hút FDI.
GS-TS Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài)
“Ngoài ổn định chính trị, chính sách đón đầu, cải thiện thu hút đầu tư FDI của VN đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt. Chiến lược thu hút FDI vào các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, công nghệ tương lai… của chúng ta đang có những bước đi đúng. Riêng ngành bán dẫn, sau thời gian ngắn đã ghi nhận hợp tác Mỹ hỗ trợ đào tạo 50.000 kỹ sư, 500.000 lao động cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như VinGroup, FPT hay Viettel… đều đang tích cực nghiên cứu đào tạo ngành bán dẫn. Các yếu tố này đang hỗ trợ mạnh mẽ và chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ thú vị trong thu hút FDI trong thời gian tới”, ông Mại phân tích.
Đặc biệt, GS Nguyễn Mại đánh giá không chỉ Mỹ và EU, thu hút FDI từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tăng rất mạnh. Nhiều lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn từ Trung Quốc liên tục đến VN, tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo… Với đà phục hồi FDI khá tốt hiện nay, trong năm 2024, vốn FDI đăng ký mới và mở rộng đầu tư có thể đạt 35 – 37 tỉ USD, vốn thực hiện có thể đạt 23 – 25 tỉ USD.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đánh giá sự tăng tốc của dòng vốn FDI một phần là nhờ hiệu ứng của chính sách ngoại giao kinh tế của VN. Các cuộc gặp gỡ cấp cao đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho VN trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, AI, vốn đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu.
“Trong khu vực ASEAN, cái tên VN đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ngành công nghệ. Trong thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến nhà đầu tư Trung Quốc, Mỹ, nhưng các nhà đầu tư ngoại truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng vẫn gia tăng mở rộng nhà máy hay góp vốn, mua cổ phần. Trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn và số lượt đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN, Hyosung và LG cũng liên tục mở rộng đầu tư. Đầu năm nay, Tập đoàn Hyosung đã đầu tư nhà máy sợi carbon với vốn đầu tư 730 triệu USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu và họ đang có dự định đầu tư nhà máy sản xuất máy ATM tại VN, cùng với đó là lập trung tâm dữ liệu lớn ở Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây là những tín hiệu tích cực rất đáng quan tâm”, ông Lạng dẫn chứng.
Thực tế, ngoài Samsung và Hyosung, đến nay, các ông lớn trong ngành bán dẫn, AI… thế giới như Intel, Google, NVIDIA, Amkor, Hana Micron, Synopsys… đều có đầu tư, hợp tác tại VN.
Những thương hiệu lớn trong ngành công nghệ đều có mặt hoặc liên quan mật thiết với thị trường VN đã và đang là nền tảng rất tốt cho cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, AI… mà VN đang tích cực nỗ lực thu hút và có nhiều quyết sách táo bạo. Chính Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2024 rằng nhiều ông lớn ngành công nghệ hàng đầu thế giới đang muốn đầu tư làm chip, điện tử tại VN.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng