Thị trường căn hộ sôi động
Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu phát đi những tín hiệu lạc quan. Từ hàng loạt dự án mới ra mắt cho đến thanh khoản tăng trưởng mạnh mẽ, các chuyên gia nhận định đây là giai đoạn bản lề cho chu kỳ phục hồi của toàn ngành.
Đồng loạt mở bán
Đầu tháng 11-2024, dự án Masteri Grand View thuộc đại đô thị The Global City (TP Thủ Đức, TP HCM), do Masterise Homes phát triển đã chính thức ra mắt trong bối cảnh thị trường TP HCM đang khan hiếm nguồn cung. Với quy mô 2 tòa tháp cao 25 tầng và 616 căn hộ, dự án thu hút hơn 5.000 chuyên viên BĐS tham gia sự kiện ra mắt. Dù giá bán chưa được công bố chính thức nhưng theo giới môi giới, sẽ không dưới 100 triệu đồng/m².
Trong tháng 10, nhiều dự án căn hộ cao cấp khác cũng gây chú ý nhờ vị trí và tiện ích. Chẳng hạn, Lavida+ tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã mở bán gần hết số căn hộ tồn kho với mức giá hấp dẫn 50 triệu đồng/m² – thấp hơn so với các dự án lân cận.
Ở phân khúc trung cấp và bình dân, các dự án như Conic Boulevard (huyện Bình Chánh, TP HCM) thu hút sự quan tâm của thị trường nhờ giá bán hợp lý (2,3-2,4 tỉ đồng/căn 2 phòng ngủ) và khả năng nhận nhà ngay. Trong khi đó, dự án TT AVIO tại Bình Dương vừa công bố đã gây sự chú ý do mức giá chỉ từ 1,23 tỉ đồng/căn hộ 1 phòng ngủ, thấp hơn 20%-50% so với các dự án trong khu vực và được xây dựng theo tiêu chuẩn căn hộ Nhật Bản.
Bà Trần Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư của Savills, nhận định: “Các dự án cao cấp có vị trí tại trung tâm hoặc tích hợp nhiều tiện ích đang có sức hút mạnh mẽ, đặc biệt khi thị trường bắt đầu hồi phục và người mua quan tâm nhiều hơn đến giá trị lâu dài”.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Danh Khôi (DKRS), cho rằng: “Những dự án đáp ứng đúng nhu cầu thực, giá vừa túi tiền sẽ có thanh khoản cao hơn. Do người mua hiện nay ngày càng thận trọng, ưu tiên tính pháp lý rõ ràng và tiến độ thi công bảo đảm”.
Theo báo cáo của DKRA Group, thị trường căn hộ TP HCM trong tháng 10-2024 ghi nhận nhiều điểm sáng với nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ trở lại. Giá căn hộ mở bán mới dao động từ khoảng 30 triệu đồng/m² đến 493 triệu đồng/m², phản ánh áp lực từ chi phí đầu vào vẫn rất lớn. Sức cầu thị trường tiếp tục phục hồi tích cực, với tỉ lệ tiêu thụ căn hộ trong tháng tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, một số dự án tại các tỉnh giáp ranh TP HCM ghi nhận mức tăng giá 3%-8% so với các đợt mở bán trước đó, cho thấy sự dịch chuyển nhu cầu từ trung tâm sang các khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường thứ cấp cũng tiếp tục đà phục hồi, tập trung ở các dự án đã có sổ đỏ hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị bàn giao. Với việc nhiều chủ đầu tư dự kiến mở bán các sản phẩm mới trong thời gian tới, nguồn cung căn hộ sơ cấp được kỳ vọng sẽ có chuyển biến rõ nét, đặc biệt vào nửa cuối tháng 11-2024.
Thị trường sẽ rất sôi động
Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (FERI) dự báo những tháng cuối năm, thị trường BĐS sẽ đón nhận khoảng 11.000 sản phẩm mới, tăng 30% so với quý trước. Phân khúc căn hộ tiếp tục dẫn đầu với hơn 9.300 sản phẩm, chiếm 80% nguồn cung mới. Đặc biệt, khu vực phía Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ với gần 6.500 sản phẩm – gấp 2,5 lần so với quý III.
Tỉ lệ hấp thụ trung bình dự kiến đạt 35%-40%, với mức giá sơ cấp tăng 5%-10%. Riêng các thị trường trọng điểm như TP HCM và Hà Nội, mức tăng có thể đạt 10%-20%, chủ yếu ở phân khúc căn hộ. “Thị trường BĐS Việt Nam đang chuyển mình từ giai đoạn “phòng thủ” sang “tấn công”. Dù vẫn còn nhiều thách thức như chi phí đầu vào cao và tiến độ pháp lý chậm, các chuyên gia đều đồng thuận rằng đây là thời điểm tốt để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới” – chuyên gia của viện này đánh giá.
Theo bà Trần Thị Khánh Linh, việc các bộ luật liên quan thị trường BĐS đồng loạt có hiệu lực từ tháng 8-2024 được xen là bước ngoặt quan trọng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. “Môi trường pháp lý ổn định và minh bạch sẽ giúp rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, tăng sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đây là tiền đề để thị trường khởi sắc trong giai đoạn tới” – bà Linh nhận xét.
Phó Tổng Giám đốc DKRA Group, ông Phạm Hồng Thắng, nhận định thị trường BĐS tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đang có nhiều điểm sáng tích cực, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vẫn hạn chế.
Ông Thắng dự báo với hàng loạt dự án mới dự kiến được mở bán vào cuối tháng 11, nguồn cung căn hộ sẽ có những chuyển biến rõ nét hơn. Đặc biệt, Bình Dương hiện là tỉnh dẫn đầu trong triển khai các dự án mới, nhờ điều kiện pháp lý thuận lợi và nguồn quỹ đất sẵn có, giúp thị trường trở nên sôi động hơn.
Theo ông Thắng, hầu hết các chủ đầu tư đang áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm kích cầu, bao gồm hỗ trợ lãi suất, ân hạn vay ngân hàng và các chương trình khuyến mãi khác. Những chính sách này không chỉ tăng thanh khoản mà còn tạo thêm sức hút cho thị trường.
Dự báo đến nửa cuối năm 2025, với chính sách pháp lý ngày càng thông thoáng và các luật mới đi vào thực tiễn, thị trường BĐS sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Giá BĐS dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại những khu vực có dự án pháp lý hoàn chỉnh và cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản. “Thị trường đang dần ấm lên, các tín hiệu tích cực từ nguồn cung và sức mua cho thấy đây là thời điểm tốt để cả người mua lẫn nhà đầu tư bắt đầu trở lại cuộc chơi” – ông Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tùng nhận định: “Thời điểm cuối năm luôn là giai đoạn sôi động của thị trường. Những dự án vừa túi tiền hoặc ở phân khúc cao cấp nhưng bảo đảm pháp lý sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút khách hàng”.
Thiếu dự án để mua bán, sáp nhập
Theo bà Trần Thị Khánh Linh, hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án tiềm năng hoặc hợp tác phát triển với các đối tác địa phương. Nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng, tập trung vào các phân khúc khác nhau, từ nhà ở đến khu công nghiệp và văn phòng.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhu cầu dành cho BĐS nhà ở vẫn rất lớn. Tuy nhiên, họ luôn đặt ra yêu cầu cao về pháp lý, đòi hỏi dự án phải có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí đã có thông báo đóng tiền sử dụng đất. Dù vậy, việc phê duyệt pháp lý cho các dự án BĐS nhà ở đang bị chậm lại do giai đoạn điều chỉnh các bộ luật liên quan. Điều này khiến nguồn cung các dự án nhà ở trở nên hạn chế, buộc khối ngoại phải chuyển sang các dự án khu công nghiệp và văn phòng – vốn có pháp lý rõ ràng, sẵn sàng vận hành và dễ M&A hơn.