Thị trường Đông Nam Á đang đứng trước một “cú nhảy bungee”
Nhóm phân tích do Rajiv Batra đứng đầu cho biết các vấn đề như sức mua yếu đi do thắt chặt tiền tệ, tiết kiệm thấp và chi phí đi vay cao hơn là những lý do khiến thị trường tài chính Đông Nam Á đứng trước nguy cơ biến động mạnh trong năm 2023. Tuy nhiên, cho rằng thị trường sẽ chạm đáy, các chuyên gia nghiêng về phía một cú phục hồi nhanh chóng vào nửa cuối năm.
JPMorgan cho rằng MSCI ASEAN sẽ “test đáy” trong năm nay và có khả năng xuống thấp hơn nữa trong nửa đầu năm 2023 vì các yếu tố bất lợi. So với đỉnh của tháng 2, MSCI ASEAN đã giảm 22% vào tháng 10. Nhưng kỳ vọng bởi sự phục hồi trở lại của kinh tế Trung Quốc và sự xoay trục của FED đã giúp nó tăng trở lại 10% trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng xung lực từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc dự kiến vẫn ở mức khiêm tốn trong điều kiện suy thoái toàn cầu đang phủ bóng.
Lãi suất của FED dự kiến sẽ đạt 5% trong tháng 5 và một cuộc suy thoái có thể xảy ra ở Mỹ vào cuối năm. Tuy nhiên, trái ngược với niềm tin của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đã không định giá đầy đủ về một cuộc suy thoái cho đến khi nó xảy ra. Các nền kinh tế có độ mở cao như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Trong số này, kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ “sụt giảm đáng kể” trong xuất khẩu, đầu tư tư nhân và sản xuất. Các nhà phân tích của JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm 2023 xuống 2,7% so với 3,3% trước đó. Singapore dự kiến cũng sẽ phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn hơn.
“Chúng tôi cho rằng sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài sẽ tiếp tục làm chậm lĩnh vực sản xuất hàng hóa của Singapore ngay cả khi lĩnh vực dịch vụ có thể bù đắp lại phần nào”, báo cáo của JPMorgan cho biết. Ngoài ra, việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ sắp tới của Singapore, từ 7% lên 8%, cũng sẽ làm giảm nhu cầu và triển vọng của ngành tiêu dùng.
Hiện tại, Trung Quốc đã nới lỏng nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với Covid-19 trong tuần qua. Việc Bắc Kinh công bố những thay đổi sâu rộng tạo điều kiện cho đi lại trong nước cũng như duy trì hoạt động kinh doanh.
“Những lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ bù trừ cho suy thoái ở các thị trường phát triển”, JPMorgan nói và cho biết Đông Nam Á có thể cũng không được hưởng lợi nhiều bởi mối quan hệ kinh tế sâu rộng với các nền kinh tế phát triển bên cạnh Trung Quốc.
Tuy nhiên, sẽ có lợi hơn rất nhiều nếu Trung Quốc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế. Đó được coi là “chất xúc tác” cho nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, những nơi vốn đón nhiều du khách Trung Quốc tham quan mỗi năm trước khi dịch bệnh xảy ra. Sự tái hiện diện của du khách Trung Quốc có thể tạo nên những tác động dây chuyền đối với tiêu dùng và các lĩnh vực dịch vụ liên quan tới du lịch.
Tham khảo: CNBC