Bộ Tài chính vừa đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang đặt ra.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu người nộp thuế không có người phụ thuộc, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công vượt trên 11 triệu đồng/tháng (tương đương trên 132 triệu đồng/năm) thì phải nộp thuế TNCN.
Với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/người/tháng, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 16 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 20 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay tại Việt Nam được chia thành 7 bậc thuế suất, bao gồm 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
Tại Việt Nam, mức thu nhập được miễn thuế TNCN là 132 triệu đồng/năm (tương đương với khoảng 5.200 USD), tức là gấp gần 1,2 lần so với thu nhập trung bình đầu người Việt Nam tính trong năm 2023 (4.347 USD/người). Ngoài ra, nếu tính các giảm trừ khác thì có thể gấp 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người.
Vậy, nếu so với các nước ở gần Việt Nam thì việc tính thuế TNCN và các khoản giảm trừ là cao hay thấp so với nước ta?
Trên thực tế, qua tìm hiểu, hầu hết pháp luật thuế TNCN của các quốc gia đều có quy định khá phức tạp về việc giảm trừ theo các hình thức và cách thức khác nhau. Tuy nhiên, có điểm khác biệt so với Việt Nam là nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia… lại cho phép giảm trừ thêm các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con….
Thêm nữa, mức thuế lũy tiến ở một số quốc gia cho bậc thấp nhất ở mức khá thấp, có thể từ 1 – 3%.
Trung Quốc
Theo quy định của Trung Quốc, thu nhập cá nhân mỗi năm dưới 36.000 NDT sẽ chịu mức thuế là 3%; từ 36.000 – 144.000 NDT chịu mức thuế 10%; từ 144.000 đến 300.000 NDT là 20%; từ 300.000 – 420.000 NDT là 25%; 420.000 – 660.000 NDT là 30%; 660.000 – 960.000 NDT là 35% và từ 960.000 NDT trở lên thì thuế suất là 45%.
Tại Trung Quốc, nếu tính thu nhập từ tiền lương thì mức được miễn thuế TNCN là 60.000 NDT (khoảng 8.273 USD), tương đương gần 210 triệu đồng/năm, bằng khoảng 0,66 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người 12.614 USD trong năm 2023 của quốc gia tỷ dân.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có những khoản giảm trừ khác để hỗ trợ chăm sóc cho con cái (khoảng 1.000 NDT/tháng), chăm sóc người già (2.000 NDT/tháng)…
Thái Lan
Mức thu nhập được miễn thuế TNCN ở Thái là 150.000 baht (khoảng 4.356 USD), tương đương 0,6 lần thu nhập bình quân đầu người nước này (7.172 USD trong năm 2023). Hiện nay, tại Thái Lan có 7 bậc thuế TNCN, dao động từ 5 – 35%. Trong đó, bậc cao nhất áp dụng đối với người có thu nhập chịu thuế là trên 4 triệu baht /năm.
Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan áp dụng nhiều khoản giảm trừ cũng như hỗ trợ khi tính thu nhập chịu thuế cho người dân, chẳng hạn như được giảm trừ tiền lãi khi vay mua nhà trả góp, tiền học phí cho con, làm từ thiện, bảo hiểm nhân thọ…
Malaysia
Theo Hội đồng Thu ngân sách Nội địa Malaysia, mức thu nhập được miễn thuế TNCN tại Malaysia là 5.000 ringgit đầu tiên (tương đương khoảng 1.125 USD), thấp hơn rất nhiều lần so với mức thu nhập đầu người của quốc gia này (11.649 USD trong năm 2023). Hơn nữa, Malaysia đang áp dụng mức giảm trừ cá nhân và người phụ thuộc khi tính thuế là 9.000 ringgit/năm (khoảng 2.025 USD).
Đặc biệt, người dân nộp thuế tại Malaysia còn được hưởng hơn 20 khoản giảm trừ khác, chẳng hạn như chi phí chăm sóc cha mẹ, học phí, chi phí y tế, vaccine, tiền mua thiết bị hỗ trợ người thân khuyết tật…