Kinh Tế

Thuốc bán online cần được cấp phép, đừng nên “không quản được thì cấm”

Sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Góp ý cho dự án luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thể hiện sự đồng tình với việc cho phép bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, bởi việc này đã và đang diễn ra.

Dẫn chững cho điều này, ông Hiếu cho biết giờ chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc chuyển đến tận nhà. Theo đại biểu đoàn Bình Định, cần phải quy định chặt chẽ việc này.

“Theo tôi, điều đầu tiên khẳng định là những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam”, ông Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Ông Hiếu đã dẫn các lý do cho quan điểm này. Thứ nhất, vì hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng mang về bán online. Thứ hai là các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn (OTC) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử.

Theo ông Hiếu, nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.

“Tôi nghĩ ngay sau khi Luật Dược (sửa đổi) thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo.

Như những bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng trên thực tế hiện nay rất nhiều, không biết cách báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này”.

“Những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Có như vậy chúng ta mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội, có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc”, ông Hiếu nên quan điểm.

Trước đó trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nguồn