Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Thương hiệu nội thất đẳng cấp FENDI Casa ra mắt tại Việt Nam mang di sản châu Âu vào không gian Á Đông

Ngày 02/08/2024- Sự kiện ra mắt của FENDI Casa tại Union Square, thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự chú ý của giới mộ điệu cùng nhiều đơn vị truyền thông báo chí. Là thương hiệu nội thất trứ danh từ Ý, FENDI Casa chính thức trưng bày và mở bán tại Việt Nam những sản phẩm vừa thời thượng vừa mang tính kế thừa từ nhà mốt FENDI với bề dày thương hiệu sắp được đếm bằng thế kỷ.

Nhận ra tiềm năng của việc mở rộng thương hiệu thời trang FENDI sang lĩnh vực nội thất cao cấp, các sản phẩm đầu tiên được tạo ra với mục tiêu sơ khởi là kiến tạo không gian sống đẳng cấp cho giới thượng lưu Ý. Năm 2021, FENDI và Design Holding chính thức công bố liên doanh Fashion Furniture Design (FF Design), phát triển một thế giới FENDI Casa mới dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Silvia Venturini Fendi.

Việt Nam – Một thị trường xứng tầm

Hiện diện ở hầu hết các thị trường khó tính nhất trên toàn cầu ngày nay, FENDI Casa nhận định Việt Nam là một mảnh đất xứng tầm để gieo xuống những hạt giống di sản của mình. Với gu thẩm mỹ ngày một cao và kiến thức nghệ thuật ngày một sâu của phân khúc khách hàng cao cấp, đà tăng trưởng của thị trường nội thất nước ta được chứng minh bởi màn “chào sân” của ngày càng nhiều các thương hiệu danh tiếng toàn cầu.

Tại sự kiện ra mắt, các khách mời đã được chìm đắm trong không gian trưng bày sang trọng và đẳng cấp được tôn lên bởi những tuyệt phẩm của FENDI Casa, dưới sự khéo léo sắp xếp của Eurasia Concept. Tất cả hiện ra như một màn trình diễn tinh tế và sống động của các dáng hình, chất liệu, màu sắc và cảm xúc. Đồng hành cùng sự kiện để cung cấp góc nhìn từ chuyên gia là chị Coca Huỳnh, nhà thiết trẻ sở hữu lối tư duy hoàn toàn tương đồng với triết lý của FENDI Casa – xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật, nội thất, thời trang và thiết kế. 

5 mắt xích trong DNA thương hiệu của FENDI Casa

Đi lên từ nền tảng nghệ thuật vững chắc của FENDI, FENDI Casa liên tục mang đến cho kiến trúc thế giới những tuyệt tác với sự tổng hòa giữa nhiều yếu tố: Truyền Thống và Hiện Đại, Chất Liệu và Chi Tiết, Thẩm Mỹ và Công Năng. Triết lý sáng tạo của FENDI Casa dựa trên 5 trụ cột:

1. Giá trị cổ điển và văn hóa đương đại song hành

Nếu ngắm thật kĩ các sản phẩm trong không gian trưng bày của FENDI Casa, hẳn các tín đồ thời trang không khó để nhận ra sự xuất hiện của hình ảnh mái vòm – kiến trúc đặc trưng của Palazzo della Civiltà Italiana, trụ sở FENDI tại Rome. Khi nhìn sâu hơn về quá khứ, chúng cũng chính là hiện thân của kiến trúc cung điện thời La Mã. Đáng chú ý có thể kể đến chiếc bàn Arches được chế tác từ đá cẩm thạch nguyên khối với phần đế tinh tế tạo thành một loạt các mái vòm đối hướng nhau.

Mọi sáng tạo của FENDI Casa đều chứa đựng dấu vết của di sản, đồng thời luôn hòa nhịp theo hơi thở của thời đại. Ngoài các bậc thầy thiết kế như Dimorestudio, Chiara Andreatti, Cristina Celestino, Peter Mabeo, Formafantasma, Toan Nguyen hay Thierry Lemaire đã gắn bó với thương hiệu từ lâu, FENDI Casa cũng không ngừng biến hóa danh mục sản phẩm của mình cùng những cộng sự tên tuổi khác bao gồm Atelier Oï, Marcel Wanders hay Piero Lissoni.

2. Điểm giao thoa giữa Nghệ thuật, Thời trang và Thiết kế  

Khởi nguồn là một thương hiệu thời trang, FENDI Casa thừa hưởng những hình ảnh đã trở thành biểu tượng của FENDI và phát triển song song với các xu hướng thời trang hiện đại. Hai ký tự F đan vào nhau được Karl Lagerfeld phát triển thành logo, họa tiết sọc Pequin, hay sắc vàng đặc trưng của FENDI đều được lồng ghép vào các sản phẩm nội thất một cách đầy sáng tạo, giàu thẩm mỹ và liền mạch với bản sắc chung của thương hiệu. Điển hình như chiếc sofa Fun FENDI được Atelier Oï lấy cảm hứng thiết kế từ chính dòng túi Peekaboo kinh điển của FENDI.

3. Tính độc đáo tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt  

Trong lần ra mắt này tại Việt Nam, Eurasia Concept mong muốn đưa FENDI Casa vượt lên trên những kỳ vọng được đặt lên các thiết kế nội thất truyền thống. Những nét chấm phá thông minh và táo bạo của FENDI Casa luôn chinh phục cảm quan của những người sành nghệ thuật. Chẳng hạn như bàn cà phê Metropolis với chân bàn hình mái vòm đặc trưng và mặt kính màu khi đón ánh sáng chiếu vào sẽ tạo nên hiệu ứng gần như điêu khắc, hay bàn cà phê Earing lấy cảm hứng từ hình dáng khuyên tai mang tính nữ quyền cao, đồng thời được phối đá nhiều vân màu tạo nên tính thời trang và tinh thần tôn vinh phái đẹp.

4. Vẻ đẹp của chất liệu và sự tinh tế trong từng chi tiết

Mọi thứ đều bắt đầu từ chất liệu. Vật liệu nguyên bản chứa đựng vô vàn khả năng mà nhiệm vụ của người nghệ nhân là khám phá và nhào nặn để mang đến linh hồn cho nó. Đối với FENDI Casa, điểm mấu chốt luôn nằm ở các chi tiết: đường khâu, nét dệt, khảm, phù điêu,… Như với chiếc giường Landscape, vách đầu giường được sơn mài xanh chàm, bao quanh các họa tiết hình học độc đáo được tạo nên bởi kỹ thuật may da thượng thừa với chất liệu lông chồn – một trong những chất liệu sang trọng và đẳng cấp gắn liền với thương hiệu FENDI Casa.

5. Ứng dụng linh hoạt trong không gian đời sống 

Không bị bó buộc trong những quy chuẩn thẩm mỹ thiếu thiết thực, FENDI Casa hướng đến việc tạo nên những sản phẩm vừa đảm bảo công năng, vừa truyền cảm hứng nghệ thuật. Chiếc sofa Five là một ứng cử viên sáng giá đại diện cho tinh thần này. Được Marcel Wanders thiết kế với kết cấu mô-đun, sofa cho phép người dùng tùy ý sắp đặt bố cục theo nhu cầu, tâm trạng, và cá tính. Đó cũng chính là minh chứng cho việc một món hàng xa xỉ không chỉ khiến người sở hữu nó trở nên sang trọng, mà còn giúp họ tạo niềm vui và hưởng sự tự do sáng tạo.

Không gian sống – Phong thái sống

Bản chất cốt lõi của một ngôi nhà, đối với FENDI Casa, là nơi cái đẹp gặp gỡ cảm xúc, nơi an dưỡng thể chất lẫn tinh thần, nơi ai cũng khao khát được quay trở về. Vượt lên khỏi một chốn trú ngụ đơn thuần, không gian sống làm nên phong cách sống, và chính là phong cách sống.

Tại thị trường Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, FENDI Casa hướng đến việc thiết lập quan hệ bền chặt với khách hàng và truyền cảm hứng để việc chọn mua một món đồ nội thất trở thành câu chuyện của văn hóa, nghệ thuật và tư duy.

Theo Tạp Chí Kiến Trúc



Nguồn

Exit mobile version