Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Tiếp cận di sản kiến trúc và đô thị thông qua học tập trải nghiệm trường hợp giảng dạy ngành kiến trúc tại trường đại học Bách Khoa Tp HCM

Việc giảng viên (GV) vận dụng các phương pháp giảng dạy (PPGD) tiên tiến sẽ giúp sinh viên (SV) dễ dàng tiếp cận kiến thức, chủ động hơn trong học tập, từ đó hướng đến mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học. Phương pháp học tập qua trải nghiệm (HTTN) nhằm phát triển năng lực (PTNL) SV gắn với thực tiễn có vai trò quan trọng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chất lượng đào tạo và nhu cầu thị trường lao động. Đó là cách tiếp cận để GV thiết kế và thực hiện dạy học hướng tới mục tiêu tối đa hóa các hoạt động trải nghiệm của SV tùy thuộc vào từng bối cảnh thực tế. Đối với đào tạo SV ngành kiến trúc, phương pháp HTTN là cách tiếp cận phù hợp và rất hữu ích, đặc biệt là với các nội dung liên quan đến di sản kiến trúc và đô thị. Bài báo này trình bày một số kinh nghiệm vận dụng phương pháp HTTN trong quá trình giảng dạy ngành kiến trúc tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP HCM (ĐHBK-HCM) thông qua trường hợp điển hình là môn học “Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị”. 

Tổng quan

Công nghệ mới đang làm thay đổi thế giới việc làm, nhu cầu tuyển dụng không còn gói gọn trong một quốc gia. Người lao động chất lượng cao cần có sự thích nghi và vươn xa ra thế giới với khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng không chỉ trong nước. Điều đó dẫn đến sự thay đổi tất yếu trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt thúc đẩy việc cải cách giáo dục đại học. Từ đó, nhiệm vụ của GV cũng cần phải thay đổi. GV không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà phải là người thúc đẩy việc học tập của người học [1]. Như vậy, GV là người giảng dạy, truyền thụ kiến thức, cung cấp thông tin và đồng thời phải là người tổ chức, hướng dẫn quá trình học của SV. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, có những biến đổi nhanh và phức tạp, các trường đại học phải chuẩn bị cho nguồn lao động trong tương lai, là những nhân lực có khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới của doanh nghiệp và xã hội. Do đó, việc đào tạo đại học theo hướng PTNL gắn với thực tiễn hiện nay là tất yếu [2].

Trong các trường đại học, việc đổi mới PPGD theo hướng tích cực như giải quyết vấn đề, lấy người học làm trung tâm, dạy học theo phương pháp HTTN (experiental learning) hiện đang rất được quan tâm. Được xây dựng dựa trên nền tảng của “học tập kiến tạo” và “học tập liên ngành”, HTTN có nghĩa là học từ thực nghiệm hoặc học bằng cách làm. Trong đó, từng môn học không bị tách biệt độc lập mà ngược lại chúng được xem xét để có sự kết nối với các môn học khác. HTTN tạo ra một sự trải nghiệm học tập gồm nhiều ngành học, môn học và mô phỏng tương tự các tình huống học tập giống như thực tế [3]. Tương tự, “HTTN được xếp hàng với lí thuyết học tập kiến tạo”, trong đó, “kết quả của quá trình học tập là rất đa dạng và thường không đoán trước được” và “người học đóng một vai trò phản biện trong việc đánh giá học tập của họ” [4].

Thông qua HTTN, SV được tham gia tích cực vào việc đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm. Điều quan trọng hơn cả kết quả của trải nghiệm chính là quá trình thực hiện và những điều học được từ trải nghiệm đó, tạo cơ sở nền tảng cho việc học và trải nghiệm của SV trong tương lai. Đối với PPGD tích cực này, GV là người dẫn dắt, hướng SV vào môi trường trải nghiệm, đồng thời là người quan sát, giúp đỡ và kiểm tra, hướng dẫn, hệ thống lại những kiến thức mà SV thu được qua trải nghiệm. Phương pháp HTTN là cách tiếp cận để GV thiết kế và thực hiện dạy học nhằm mục tiêu tối đa hóa các hoạt động học tập trải nghiệm của SV tùy thuộc vào bối cảnh thực tế như thời gian, địa điểm, nguồn lực, phương tiện, vật chất… [5]. Vai trò của GV và SV trong phương pháp HTTN được thể hiện ở Sơ đồ 1.

Sơ đồ 1. Vai trò của GV và SV trong phương pháp HTTN (Nguồn: Tác giả)

Sơ đồ 2 trình bày 4 phương pháp HTTN đã được Phạm Minh Đương (2022) đề xuất áp dụng [2]. Thứ nhất, (i) phương pháp dạy học dựa trên dự án là việc dạy và học thông qua các dự án hoặc công trình thực tế. Theo đó, bài tập lớn hay đồ án môn học là những vấn đề thực tiễn, đòi hỏi SV phải có khả năng dự đoán, sáng tạo, tổng hợp kiến thức và tư duy đổi mới. Thứ hai, (ii) phương pháp giải quyết vấn đề đặt SV vào trong các tình huống có vấn đề, thông qua giải quyết vấn đề giúp cho SV phát triển năng lực tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Thứ ba, (iii) phương pháp làm việc nhóm là hình thức tổ chức dạy học trải nghiệm, thực hiện bài tập lớn theo các nhóm, các thành viên trong nhóm cùng tương tác để hoàn thành nhiệm vụ chung. Cuối cùng là (iv) phương pháp đóng vai, trong đó các tình huống giả định được đặt ra và SV được yêu cầu tự phân chia công việc, phối hợp, theo dõi và đánh giá kết quả của từng thành viên trong nhóm cũng như của các nhóm khác. Đây là phương pháp giúp SV đóng vai để thực hành cách ứng xử, bày tỏ thái độ, xử lí tình huống [6].

Sơ đồ 2. Một số phương pháp HTTN (Nguồn: Tác giả)

Việc thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong các môn học cần có sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với SV, nội dung học tập, điều kiện của nhà trường và địa phương. Khi đề xuất và thực hiện các bước thiết kế và tổ chức hoạt động theo HTTN cần đảm bảo 4 điểm trọng tâm của HTTN. Đó là (i) Trải nghiệm cụ thể: Đảm bảo có sự kết nối giữa kinh nghiệm cũ và kinh nghiệm mới; (ii) Phản hồi kinh nghiệm: Qua hoạt động, SV phải được quan sát, suy ngẫm, phân tích, liên hệ, suy luận, chiêm nghiệm; (iii) Khái quát hóa thành kiến thức mới của bản thân; (iv) Vận dụng trong bối cảnh mới [2].

Tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [7]. Trong đó, một trong những mục tiêu chính là “Phát triển nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam, đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới”. Đây là mục tiêu có tính nguyên tắc, xuyên suốt quá trình phát triển nền kiến trúc nước nhà, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong bối cảnh này, những kiến thức về di sản kiến trúc và đô thị cần được chú trọng trong tổ chức giảng dạy, đào tạo SV ngành kiến trúc.

Trường ĐHBK-HCM là một trong các trường đại học đã sớm nghiên cứu và áp dụng phương pháp HTTN để tổ chức giảng dạy môn học “Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị” trong chương trình đào tạo SV ngành kiến trúc.

Áp dụng phương pháp HTTN vào giảng dạy môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị

Môn học “Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị” cung cấp cho SV những hiểu biết về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong lĩnh vực kiến trúc và đô thị cũng như về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tiếp cận với di sản sẽ giúp SV nâng cao khả năng nhận diện các giá trị thành phần đô thị di sản và di sản kiến trúc để từng bước hình thành và xây dựng phương thức ứng xử thích hợp đối với các di sản thông qua các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật và xã hội. Trong môn học này, SV được học tập một cách chủ động tại lớp học và tại địa điểm thực tế thông qua hình thức HTTN như khảo sát thực địa, điều tra xã hội học, làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả.

Ngoài 2 nhân tố chính là GV và SV, môn học cũng được tổ chức với sự tham gia của các nhân tố bên ngoài. Tùy từng bối cảnh cụ thể, GV có thể mời các nhà nghiên cứu, chuyên gia, KTS có chuyên môn về di sản hoặc có đề tài nghiên cứu liên quan đến di sản. Sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân tại địa điểm khảo sát cũng được ưu tiên trong kế hoạch triển khai môn học. Các nhân tố khách mời này có thể tham gia ở các giai đoạn khác nhau, từ lý thuyết đến khảo sát thực địa, hay đánh giá kết quả chuyên môn. Khách mời sẽ chia sẻ thông tin về địa điểm, tính pháp lý về bảo tồn, trùng tu di sản, các lý thuyết, phương pháp, các nghiên cứu liên quan đến nội dung môn học nhằm cung cấp cho SV thêm kiến thức và kỹ năng cũng như gợi mở những hướng nghiên cứu về di sản kiến trúc và đô thị.

Môn học được tổ chức theo 3 giai đoạn, gồm (i) Trang bị lý thuyết về di sản tại lớp học; (ii) Trải nghiệm thực tế tại các địa phương có công trình di sản kiến trúc hoặc đô thị di sản; và (iii) Triển lãm và báo cáo kết quả tại lớp học. Ở giai đoạn 1, tại lớp học, GV sẽ giảng dạy lý thuyết, cung cấp thông tin và những kiến thức về di sản kiến trúc và đô thị cũng như hướng dẫn cho SV các phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực tế. Mỗi nhóm SV được yêu cầu thực hiện các bài tập nghiên cứu lý thuyết tổng hợp về di sản kiến trúc và đô thị. Bức tranh tổng quát về di sản kiến trúc của địa điểm được lựa cho SV trải nghiệm thực tế cũng sẽ được chia sẻ bởi GV hoặc khách mời. Bên cạnh đó, SV được khuyến khích và được kết nối để tham gia các hội thảo chuyên ngành về di sản (trực tiếp hoặc trực tuyến, trong hoặc ngoài nước…) nhằm bổ sung thêm kiến thức và sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo. Ở giai đoạn 2, SV sẽ được di chuyển đến địa điểm đã được GV lựa chọn để trải nghiệm thực tế trong khoảng từ 2 đến 4 ngày tùy từng thời điểm và bối cảnh, quy mô cụ thể. Địa điểm hoặc công trình khảo sát được GV nghiên cứu và lựa chọn dựa trên các tiêu chí đáp ứng về đô thị di sản hoặc di sản kiến trúc được công nhận là di sản văn hóa bởi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam. Ở giai đoạn 3, dưới sự dẫn dắt của GV, tất cả SV cùng tham gia tổ chức triển lãm toàn bộ kết quả môn học, bao gồm các bản vẽ hiện trạng, những đánh giá nhận diện giá trị của các di sản kiến trúc và đô thị, các ý tưởng đề xuất, mô hình, bản vẽ ký họa, ảnh chụp nghệ thuật…

Sơ đồ 3. Ứng dụng 4 bước thiết kế hoạt động HTTN trong môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị (Nguồn: Tác giả)

Trong năm 2023, môn học này một lần nữa đã được tổ chức thành công. Chuyến trải nghiệm thực tế trong 2 ngày 1 đêm đã được tổ chức tại làng cổ Đông Hòa Hiệp, thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cùng với làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội và làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên Huế, làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản”. Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017. Ngôi làng này hiện có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng từ cách đây 150-220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng từ cách đây 80-100 năm. Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những di sản văn hóa quý giá và là cơ sở để tiềm năng du lịch sinh thái phát triển [8]. Phương pháp HTTN đã được ứng dụng vào giảng dạy môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị, đặc biệt là nội dung bài tập lớn, theo 4 bước như hiển thị trong Sơ đồ 3. Môn học được tổ chức theo khung nội dung chi tiết như trình bày trong Bảng 1. Các nội dung này giúp định hướng cho SV làm việc một cách có hệ thống và tổng quan, nhằm đạt được mục tiêu về kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng tổng hợp tương tự như những quy trình thực tế đang áp dụng hiện nay về bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tương lai.

Bảng 1. Tổ chức giảng dạy theo phương pháp HTTN trong môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị (Nguồn: Tác giả)

Theo khung chương trình đào tạo ngành Kiến trúc của trường ĐHBK-HCM, SV đã được học một số môn học ở các học kỳ trước như Lịch sử kiến trúc và định cư (LSKTĐC), Kỹ thuật công trình dân dụng (KTCTDD), Nguyên lý thiết kế nhà ở… Trong các môn học này đều có trang bị những nội dung liên quan đến kiến trúc truyền thống Việt Nam, do đó môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị được xem như là cơ hội để SV tổng hợp, hệ thống hóa những kiến thức đã được trang bị và có thêm bài học kinh nghiệm và sự trải nghiệm đến từ thực tế. Cụ thể, trong trường hợp của môn học này, SV có thể quan sát, phân tích và kiểm nghiệm lại những đặc điểm kiến trúc thích ứng với điều kiện tự nhiên của các ngôi nhà cổ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). SV có thể kiểm nghiệm lại các giải pháp thiết kế thụ động như chiếu sáng và thông gió tự nhiên đã được học trong môn KTCTDD cũng như nhận diện được loại hình nhà ở truyền thống vùng ĐBSCL thích ứng với khí hậu gió mùa (mái hiên dài rộng che nắng mưa, cửa thượng song hạ bản, hệ vách gỗ lam xoay che nắng đón gió tốt…). SV có thể nhận thấy rõ những điểm khác biệt của kiểu nhà truyền thống Tây Nam Bộ với các kiểu nhà truyền thống ở các khu vực miền Bắc và miền Trung. Bên cạnh đó, SV cũng hiểu được sự giao thoa văn hóa vùng miền hay sự pha trộn Đông-Tây tạo nên loại hình kiến trúc thuộc địa (kiến trúc Đông Dương)… Những điều này làm cho môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị có được một sự kết nối chặt chẽ với các môn học lý thuyết khác, giúp SV vận dụng tốt kiến thức cho những đồ án thiết kế chuyên ngành.

Trước chuyến đi trải nghiệm thực tế, tại lớp học, SV sẽ được học lý thuyết và trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm về di sản kiến trúc (Hình 1) cũng như được GV hướng dẫn đưa ra một số tiêu chí và giới hạn phạm vi khảo sát nhằm tránh sự dàn trải do những giới hạn về thời gian tổ chức. Mỗi nhóm, gồm 8-10 SV, chủ động khảo sát tối thiểu 4 ngôi nhà cổ trong làng. GV và các chuyên gia cùng hướng dẫn cụ thể ở một vài ngôi nhà điển hình nhằm giúp SV nắm rõ phương pháp, cách thức làm việc, sau đó các nhóm SV sẽ chủ động trong việc đi khảo sát và điều tra xã hội học ở những nhà còn lại. SV có thể đi bộ hoặc linh hoạt sử dụng các phương tiện như xe đạp, xe đạp điện… trong phạm vi làng cổ. Các vật dụng phục vụ cho công việc khảo sát cũng đã được GV hướng dẫn trước, SV có thể sử dụng các hình thức như ghi chép, vẽ ký họa, chụp ảnh, ghi âm, quay video… để lưu giữ toàn bộ thông tin cần thiết. Các đối tượng khảo sát thông thường sẽ là chủ các ngôi nhà cổ, người dân địa phương trong làng cổ, đại diện chính quyền địa phương… Điều này sẽ giúp SV có được những thông tin quan trọng do chính quyền và người dân địa phương cung cấp, góp phần tăng tính thực tế cho các nội dung mà các nhóm SV nghiên cứu và dự kiến đề xuất.

SV trình bày kết quả bài tập nghiên cứu tổng quan về di sản kiến trúc và đô thị tại lớp học (Nguồn: Tác giả)

Trong suốt thời gian tại thực địa, toàn bộ các hoạt động của SV đều được xây dựng dựa trên các trải nghiệm thực tế mà qua đó giúp SV có những kiến thức về làng cổ như khí hậu và môi trường tự nhiên, con người, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể… (Hình 2). Cụ thể như các hoạt động di chuyển bằng thuyền trên sông, tham quan chợ nổi Cái Bè (một trong những phiên chợ độc đáo, thú vị, mang đậm nét đẹp đặc sắc của miền Tây sông nước, thu hút đông đảo người đến tham quan mỗi ngày), tham quan nhà thờ Cái Bè (nhà thờ do linh mục Adophe Kellerc và bà con giáo xứ Cái Bè xây dựng từ năm 1929-1932, có lối kiến trúc Roman, qua bao thăng trầm thời gian vẫn giữ được dáng vẻ đẹp thanh thoát và cổ kính), thưởng thức Đờn ca tài tử (một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 5/12/2013)… Các nhóm SV cũng được bố trí sinh hoạt, học tập trực tiếp bên trong ngôi nhà cổ (dưới hình thức homestay). Đây là một trong những điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, khảo sát và trải nghiệm thực tế của SV. Chủ ngôi nhà cổ đã cung cấp cho SV các trải nghiệm về lối sống, con người Nam Bộ cũng như cơ hội thưởng thức ẩm thực truyền thống địa phương.

Tham quan nhà thờ Cái Bè và làng cổ Đông Hòa Hiệp

Một trong những điều thú vị của chuyến đi đó là sự đón nhận nồng ấm của người dân địa phương với đoàn tham quan. Điều này cũng thể hiện được đặc tính hào sảng, phóng khoáng, nhiệt tình của người dân Nam Bộ. Đoàn GV và SV đã được tạo điều kiện thuận lợi để có thể tiếp cận dễ dàng vào không gian bên trong các ngôi nhà cổ cũng như có cơ hội trao đổi trực tiếp với chủ nhà như cô Chín (nhà cổ ông Kiệt), ông Ba Đức (nhà cổ ông Ba Đức), ông Lê Quang Xoát và bà Đoàn Thị Trí (nhà cổ ông Xoát), từ đó giúp cho các hoạt động khảo sát, điều tra xã hội học của SV được diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. SV đã có cơ hội tự thu thập kiến thức qua sự quan sát thực địa và qua những câu chuyện về lịch sử hình thành, quá trình sinh sống, sửa chữa, cải tạo nâng cấp, về văn hóa truyền thống, về gia tục, gia phong… từ chính các chủ nhân của các ngôi nhà cổ để có thể hiểu và đánh giá một cách đúng đắn về các vấn đề mà các di sản này đã và đang gặp phải (Hình 3). Đoàn tham quan cũng được cô Chín, chủ nhà cổ ông Kiệt, tạo điều kiện cho việc tổ chức giảng dạy, học tập và bố trí không gian triển lãm bên trong phòng khách ngôi nhà, một trong những không gian đẹp và trang trọng, điều này cũng góp phần tạo nên cảm xúc và điểm nhấn cho môn học.

Hình 3. Trao đổi trực tiếp với chủ nhân của các ngôi nhà cổ (Nguồn: Tác giả)

Ngày thứ nhất, buổi khảo sát được tổ chức theo hình thức tham quan trải nghiệm, giao tiếp cùng người dân địa phương. SV được bố trí di chuyển bằng các phương tiện đặc trưng của vùng ĐBSCL như xuồng ghe, xe máy, xe đạp… Trên mỗi cung đường SV sẽ trực tiếp cảm nhận và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, xã hội của người dân miền Tây như chợ nổi Cái Bè, làng nghề… tham quan các công trình tôn giáo di sản như nhà thờ Cái Bè, và đặc biệt nhất là được trực tiếp tiếp cận và khảo sát các ngôi nhà cổ điển hình trong ngôi làng này (Hình 4). Bằng cách kết hợp các phương pháp đo đạc, vẽ ghi, ký họa, chụp ảnh, kết hợp cùng phỏng vấn người dân địa phương và đặc biệt là phỏng vấn, giao lưu với gia chủ của các ngôi nhà cổ, SV đã có được một cái nhìn tổng quan về kiến trúc, cảnh quan cũng như về văn hóa, xã hội, con người của ngôi làng cổ, đồng thời cũng nhận diện ra được các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản mà làng cổ đang phải đối diện. Buổi tối, SV được trải nghiệm ẩm thực địa phương, nghe Đờn ca tài tử… (Hình 5). Sau đó, các nhóm SV bắt đầu thảo luận, phân tích dữ liệu và đề xuất các ý tưởng. GV trao đổi và hướng dẫn cho SV thực hiện nội dung bài báo cáo bằng hình thức cắt dán (collage) bằng tay hoặc trên máy tính nhằm đạt hiệu quả về chất lượng nội dung, hình thức và về thời gian.

Ngày thứ 2, buổi báo cáo ý tưởng lần 1 đã được diễn ra ngay tại phòng khách của nhà cổ ông Kiệt (ngôi nhà hơn 180 năm tuổi, được JICA Nhật Bản nhận định là “ngôi nhà đẹp nhất Việt Nam”). Không gian triển lãm kết quả khảo sát do chính các SV tự chủ động tổ chức và điều phối, dưới sự hướng dẫn của GV (Hình 6). Khách mời tham dự buổi báo cáo gồm có các GV, chuyên gia, KTS và người dân địa phương, đặc biệt là có sự tham dự của cô Chín (chủ nhà – người trực tiếp quản lý, vận hành và gìn giữ ngôi nhà cổ này). Cô Chín đã lắng nghe SV trình bày và tham gia nhận xét các ý tưởng đề xuất, cũng như lý giải thêm về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình bảo tồn, trùng tu và gìn giữ ngôi nhà. Kết quả cho thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng SV đã nắm bắt nhanh và học hỏi rất nhiều kiến thức về di sản của làng cổ này. Quan trọng hơn cả, tất cả SV đã cảm nhận sâu sắc và có được ý thức về sự gìn giữ, phát triển di sản kiến trúc một cách bền vững cho ngôi làng này.

Sau chuyến khảo sát thực tế, SV có thêm thời gian (khoảng 2 tuần) để tiếp tục hoàn thiện bài tập và buổi nghiệm thu chính thức kết quả bài tập lớn đã được tổ chức tại lớp học dưới hình thức Triển lãm – Thuyết trình về giá trị di sản kiến trúc nhà cổ tại làng cổ Đông Hòa Hiệp và Giao lưu, chia sẻ học thuật cùng các khách mời, GV và các SV khóa trên (Hình 7). SV đã tỏ ra rất có trách nhiệm trong việc phối hợp cùng nhau để sắp đặt không gian triển lãm và thể hiện sự hào hứng với cách thực hiện phần báo cáo theo phương thức này. Từng nhóm SV lần lượt trình bày kết quả làm việc của mình, chia sẻ về những bài học rút ra sau quá trình thực hiện khảo sát. Các GV và khách mời tham dự đã cùng thảo luận, góp ý cho từng nhóm SV. Ngoài ra, GV cũng đã nhận xét và khen thưởng cho những SV có sản phẩm vẽ ký họa và chụp ảnh nghệ thuật tốt nhất.

Đề rèn luyện các kỹ năng mềm, SV được yêu cầu tham gia vào ban tổ chức chuyến đi. Trong đó bao gồm GV, lớp trưởng, các trưởng nhóm và đội nhóm hỗ trợ như nhóm hậu cần (vận chuyển, sắp xếp, bố trí không gian báo cáo, triển lãm…), nhóm truyền thông (thiết kế các ấn phẩm truyền thông, lan tỏa thông tin đến cộng đồng thông qua hình ảnh từ chuyến đi thực tế, trên các trang mạng xã hội…), nhóm văn nghệ (tổ chức đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ, ca hát, nhảy sạp…)… Các đội nhóm đã hỗ trợ đắc lực cho GV trong việc điều hành tổ chức giảng dạy, học tập, di chuyển, lưu trú, các hoạt động hữu ích và góp phần tạo nên sự thành công chung cho môn học. Tham gia các hoạt động này giúp cho SV có được những kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động học tập hay làm việc nhóm, cũng như triển khai công việc thực tế trong tương lai.

Kết luận

Sau chuyến đi, SV được yêu cầu tham gia khảo sát trực tuyến và ẩn danh. Kết quả khảo sát đã cho thấy các SV đều nắm được các kiến thức cơ bản và các phương pháp, kỹ năng đã được GV truyền đạt và hướng dẫn. Có 85% SV cho rằng mình đã đạt được mục tiêu học tập cụ thể mà SV đặt ra trước chuyến tham quan, trong đó 30% SV cho rằng kết quả vượt quá mong đợi của mình. Tất cả SV đều đồng ý rằng chuyến tham quan đã tạo ra sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Được trang bị lý thuyết sẵn sàng trước khi đi và được bổ sung thêm kiến thức ngay tại thực địa, SV nhận thấy trong chuyến đi thực tế này SV được cảm nhận bằng tất cả các giác quan, điều đó giúp cho kiến thức sẽ được lưu giữ lâu hơn so với việc chỉ tìm hiểu và tra cứu thông tin trên mạng hay chỉ nghe giảng tại lớp học. 100% SV đánh giá cao về PPGD và hài lòng với cách tổ chức môn học cũng như về các GV phụ trách môn học. Các hoạt động giao lưu trong chuyến đi cũng giúp cho mối quan hệ giữa GV và SV trở nên thân thiện gần gũi hơn, giúp cho SV có thể thoải mái hơn trong việc thể hiện các suy nghĩ, ý tưởng về môn học. Bên cạnh đó, SV cũng thể hiện mong muốn được kéo dài thêm thời gian trải nghiệm tại thực địa trong những chuyến tham quan tương tự. Những phản hồi và ý kiến góp ý của SV sẽ giúp cho GV nghiêm túc xem xét lại toàn bộ việc tổ chức môn học, điều chỉnh và cải tiến tốt hơn cho những học kỳ tiếp theo.

Việc ứng dụng phương pháp HTTN vào giảng dạy môn học Thực tập Di sản Kiến trúc và Đô thị tại Trường ĐHBK-HCM đã giúp cho SV: (i) Hiểu biết về bảo tồn di sản văn hóa, từng bước tiếp cận với bảo tồn di sản đô thị và kiến trúc, hiểu biết về xu hướng bảo tồn di sản trên thế giới và ở Việt Nam, ứng xử tích cực đối với di sản vật thể và phi vật thể; (ii) Rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch và quản lí thời gian; (iii) Rèn luyện kĩ năng thể hiện bằng kỹ thuật cắt dán (collage), làm mô hình, bố cục và tổ chức triển lãm sản phẩm kiến trúc; (iv) Nhận diện giá trị thành phần di sản kiến trúc và đô thị di sản; (v) Kích thích tính sáng tạo, chủ động trong học tập; (vi) Có môi trường trao đổi các kinh nghiệm văn hóa – xã hội, giao lưu, học hỏi giữa SV và chính quyền, người dân địa phương. Ngoài ra, cách tổ chức môn học theo phương pháp HTTN cũng thể hiện có sự liên kết liên ngành và sự gắn kết với các môn học khác.

Sự trải nghiệm trong quá trình nhận diện, khám phá tri thức và tìm giải pháp trên thực tế giúp cho SV phát triển năng lực và sự tự tin. Như vậy, có thể nói, HTTN giữ vai trò quan trọng trong đào tạo đại học, nhờ đó mà SV có nhiều cơ hội để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, phát huy tối đa tính năng động, thích ứng và tiềm năng sáng tạo của mình. PPGD tích cực này nên được nhân rộng và phát triển trong các môn học phù hợp của chương trình đào tạo.

Trần Công Danh (1)
Lê Thị Hồng Na (2)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)


Ghi chú: Đề tài nghiên cứu được Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM hỗ trợ
(1)Bộ môn Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TP HCM
(2)Đại học Quốc gia TP HCM

Tài liệu tham khảo
1. Nghiêm Đình Vỳ (2018). Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng phát triển năng lực gắn với thực tiễn phổ thông. Ban quản lí Chương trình ETEP, Bộ GD-ĐT.
2. Phạm Minh Đương, Phạm Thị Trúc Mai (2022). Vận dụng phương pháp dạy học trải nghiệm trong đào tạo theo hướng phát triển năng lực tại trường Đại học Trà Vinh. Tạp chí Giáo dục, 22(5), 59-64.
3. Đào Thị Ngọc Minh, Nguyễn Thị Hằng (2018). Học tập trải nghiệm – lí thuyết và vận dụng vào thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn học ở trường phổ thông. Tạp chí Giáo dục, 433, 36-40.
4. Scott D. Wurdinger (2005). Using Experiential Learning in the Classroom. Published by Rowman & Littlefield Education, America.
5. Dương Văn Cường, Thái Thế Hùng, Nguyễn Tiến Long (2020). Vận dụng mô hình dạy học trải nghiệm để dạy học thiết kế kĩ thuật trong đào tạo nghề cắt gọt kim loại trình độ cao đẳng. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 4, 197-201.
6. Lê Thị Hồng Na (2023). Vận dụng Phương pháp Học tập qua Trải nghiệm – trường hợp giảng dạy môn Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc. Kỷ yếu Hội thảo Phương pháp giảng dạy lần thứ VI – năm 2023: Thế hệ Z – Hoạt động dạy và học hiệu quả, tháng 07/2023. NXB ĐHQG-HCM, 84-89.
7. Trần Ngọc Chính (2023). Kiến trúc Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước – Hướng tới tương lai. Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 75 năm Hội KTS Việt Nam: Vai trò Kiến trúc với phát triển bền vững văn hóa – kinh tế – xã hội. Tạp chí Kiến trúc Hội KTSVN, online, ngày 25/04/2023.
8. Phòng Quản lý Du lịch (2023). Làng Cổ Đông Hòa Hiệp. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Tỉnh Tiền Giang, 24/04/2018. Website: https://svhttdl.tiengiang.gov.vn/du-lich/-/asset_publisher/q4Cf4MmQJ5eE/content/lang-co-onh-hoa-hiep



Nguồn

Exit mobile version