Kinh Tế

Tỉnh nhỏ lọt top 10 địa phương GRDP lớn nhất cả nước đặt mục tiêu trở thành cứ điểm quan trọng, trụ cột trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm xây dựng Bắc Ninh trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của Việt Nam , một trong các trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển hàng đầu của cả nước; tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bứt phá phát triển trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phấn đấu nhanh chóng đưa Bắc Ninh trở thành “Thành phố vì tương lai”, tiên phong sử dụng công nghệ số và dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, giải quyết các thách thức của đô thị, phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển mạng lưới kết nối của tỉnh với các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước, tập trung vào các công nghệ chiến lược và chuyển đổi số; thí điểm triển khai bản sao số cho ít nhất 1 đô thị (thành phố, thị xã) của tỉnh có đủ điều kiện. Đồng thời, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm đáp ứng các nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; xây dựng kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật Nhà nước. Cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tổ chức xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ đầu tư, sản xuất, đặt trụ sở tại tỉnh, tập trung thu hút đầu tư vào các dự án trọng tâm…

Năm 2024, với mức tăng trưởng 6,03%, quy mô nền kinh tế GRDP (theo giá hiện hành) của Bắc Ninh đạt hơn 232 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước.

Khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nên kinh tế của tỉnh. Trong đó, cơ cấu kinh tế theo các khu vực tiếp tục có sự dịch chuyển dần sang khu vực Dịch vụ. Cụ thể: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản là 3,02%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng là 70,3%; khu vực Dịch vụ là 22,34% (cơ cấu kinh tế năm 2023 lần lượt là: 2,88%; 71,92%; 20,71%).

GRDP bình quân đầu người ước đạt 150,5 triệu đồng/người. Năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 293,9 triệu đồng/lao động.

Năm 2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI, nhất là một số lĩnh vực có tiềm năng tạo ra sự bứt phá, động lực mới cho tăng trưởng như: sản xuất chíp, chất bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydrogen xanh; phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng trí thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, từ đó, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn