Bất Động Sản

Tổ chức chính quyền tại vùng đô thị lớn – trường hợp TPHCM

(KTVN 255) Bài viết thảo luận về tổ chức chính quyền trong kỷ nguyên đô thị dựa vào đánh giá đặc điểm và yêu cầu về quản lý đô thị và tham khảo cách thức tổ chức chính quyền đô thị tại các vùng đô thị lớn tại một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới.

KỶ NGUYÊN ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM

Tính đến tháng 3/2025, dân số đô thị tính theo khu vực nội thành nội thị ở Việt Nam dự kiến đạt khoảng trên 40 triệu người [1], chiếm khoảng 40% tổng dân số (khoảng 101,5 triệu người [2]). Trong đó, khoảng 70% dân số đô thị tập trung ở 6 thành phố trực thuộc trung ương và 82 thành phố thuộc tỉnh. Dân số sống ở nội đô các đô thị nhỏ gồm 52 thị xã với trên 4 triệu người (chiếm tỷ trọng khoảng trên 10%), và gần 600 thị trấn có trên 7 triệu người (chiếm khoảng 18% dân số nội thị).

Tuy nhiên, số lượng dân số sống ở các xã ven đô thị lớn có mật độ dân số trên 1.000 người/km2 (ngưỡng phản ánh nền kinh tế đã chuyển sang phi nông nghiệp và với hình thức định cư tập trung mật độ cao) là khoảng 20 đến 25 triệu người. Nếu tính cả dân số ở khu vực này dân số sống tại các khu vực kinh tế đô thị là chủ đạo sẽ là trên 60 triệu tương đương 60% dân số [3]. Nếu chỉ tính dân số tại các xã ngoại thành của các thành phố và thị xã thì tổng dân số sống ở các đô thị là gần 50 triệu – khoảng 49% tổng dân số Việt Nam.

Như vậy, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên đô thị trong năm 2025 hoặc thậm chí đã bước vào kỷ nguyên này từ 5 năm trước [4], còn tính theo đơn vị hành chính thì phải sau năm 2030 mới bước vào kỷ nguyên đô thị.

Trong vài thập kỷ tới, các khu vực ven đô thị lớn, các đô thị thứ cấp của quốc gia (loại 1 trực thuộc tỉnh và trung ương), cùng những vùng ven đô thị rất lớn là những nơi tiếp tục tăng trưởng mạnh. Những xã có mật độ dân số cao (khoảng 1.500 xã với dân số 20-25 triệu người) nằm ở ven các khu vực nói trên sẽ tiếp tục đô thị hóa với sự thay đổi rất nhanh về cấu trúc không gian, kinh tế và xã hội với nhu cầu cao về đầu tư hạ tầng, về cung ứng dịch vụ, và yêu cầu phải quản lý (đô thị) tương ứng cùng tổ chức bộ máy phù hợp.

TỔ CHỨC KHÔNG GIAN ĐỊNH CƯ VÀ LÃNH THỔ CỦA KỶ NGUYÊN ĐÔ THỊ

Việc phân chia đơn vị hành chính theo mô hình tỉnh – huyện – xã phản ánh sự phân bố dân cư gắn với khai thác tài nguyên nông nghiệp tại chỗ đã trải qua hàng trăm năm. Đô thị văn minh nông nghiệp là các nút giao thương trao đổi nông sản và quản lý lãnh thổ. Hệ thống đô thị gắn với thứ bậc hành chính phản ánh tính chất phụ thuộc của nền kinh tế đối với tài nguyên nông nghiệp.

Trong khi đó, kỷ nguyên đô thị có mô hình định cư tập trung vào các trung tâm sản xuất công nghiệp và tiêu thụ các dịch vụ. Trong thế kỷ XX, các đô thị tăng trưởng nhanh với sự lan tỏa đô thị lõi mở rộng thành khu nhà ở ngoại vi do phát triển đường cao tốc và xe hơi cá nhân. Trong thế kỷ XXI, việc mở rộng mạng lưới hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị sẽ giúp các đô thị phát triển theo chuỗi và chùm. Tổ chức không gian đô thị cũng dịch chuyển từ phục vụ kinh tế công nghiệp sang hậu công nghiệp. Các đô thị trung bình sẽ đóng vai trò hỗ trợ sản xuất và dịch vụ tổng hợp. Các đô thị có lợi thế kết nối nhanh với hệ sinh thái dịch vụ có chiều sâu (kể cả đô thị nhỏ nằm ở vùng ven các siêu đô thị, đô thị lớn, chùm đô thị lớn và các siêu đô thị) sẽ đóng vai trò nòng cốt để nuôi dưỡng nền kinh tế dịch vụ đổi mới sáng tạo và là nền tảng sức cạnh tranh vùng và quốc gia.

Kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cho thấy việc xây dựng chính quyền tự chủ ở là nền tảng của sự thịnh vượng trong kỷ nguyên đô thị. Đầu tư lớn hơn, dịch vụ tốt hơn đòi hỏi sự đóng góp và tham gia cao hơn của người dân và doanh nghiệp. Chính quyền muốn làm điều này phải có đủ năng lực, có trách nhiệm gắn với đầu tư phát triển và cung ứng dịch vụ tương xứng, và có trách nhiệm giải trình với các chính sách và cơ chế quản lý có tính đặc thù theo từng đô thị. Chính quyền đô thị ở các quy mô nhất định có thể tự chủ cần được trao quyền và trách nhiệm giải trình với quyền hạn đó. Nhìn chung các đô thị có quy mô từ 200.000 đến 500.000 sẽ đạt ngưỡng quy mô và tính đa dạng hệ sinh thái kinh tế để có thể tạo được nguồn thu tại chỗ tự chủ, đồng thời có nhu cầu quản lý và thường tích lũy năng lực để tự chủ trong quản lý các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu (xem Phụ lục). Quy mô này cũng gần với ngưỡng đô thị loại I trực thuộc Trung ương ở Việt Nam, nơi được trao quyền tự chủ như của tỉnh.

Các đô thị siêu lớn (khoảng 10 triệu dân) cần phải phân cấp quản lý phù hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo tính tự chủ ở mỗi cấp. Việc phân hóa và mở rộng nhanh chóng không gian tại các siêu đô thị dẫn đến phải phân cấp để đảm bảo trách nhiệm giải trình khi có sự khác biệt về chất lượng hạ tầng, mức độ cung ứng dịch vụ và khả năng đóng góp giữa các khu vực. Vì vậy, các siêu đô thị thường phân ra các nhóm các quận trung tâm và thành phố mới với quy mô phù hợp với tính chất kết nối hạ tầng và quy mô để quản lý hiệu quả. Việc hình thành nhiều cấp, có cả cấp trung gian sẽ gây trở ngại trong trách nhiệm giải trình giữa các cấp, tuy nhiên cách thức phân cấp cụ thể và công nghệ hiện nay sẽ giúp phối hợp liên cấp đạt hiệu quả cao.

TỔ CHỨC CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG TẠI CÁC VÙNG ĐÔ THỊ LỚN TRONG KỶ NGUYÊN ĐÔ THỊ

Hệ thống đô thị ở Việt Nam đã và tiếp tục thay đổi lớn theo cấu trúc kinh tế mới. Năm 2025, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp của Việt Nam chỉ còn dưới 12% [5] và chỉ có 1/4 lực lượng lao động làm nông nghiệp. Không gian kinh tế đã và đang xoay trục theo hướng tối ưu thời gian tiếp cận đến trung tâm việc làm và dịch vụ là các đô thị. Khả năng kết nối tới 3 nhóm đô thị (đô thị nhỏ – trung bình – và lớn) theo khung thời gian (dưới 1h, từ 1h đến 2h) sẽ quyết định cơ hội tăng trưởng về việc làm cũng như dân số.

Mô hình cấu trúc không gian lãnh thổ theo thời gian tiếp cận đến ba nhóm đô thị [6]

Các khu vực ven đô thị lớn (loại 1 thuộc tỉnh trở lên) và siêu lớn (đặc biệt) là nơi cần tổ chức quản lý phù hợp để gia tăng hiệu suất kinh tế cung ứng dịch vụ xã hội hiệu quả, kịp thời phản ứng với các rủi ro an ninh và thiên tai. Điểm mấu chốt là xây dựng chính quyền đô thị tự chủ và tự chủ cao ở các đô thị này. Nói cách khác, kỷ nguyên đô thị đòi hỏi chúng ta thay đổi cách thức tổ chức lãnh thổ để tối ưu hóa khai thác không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, mà còn là cơ sở hạ tầng đầu tư tập trung quy mô lớn, và nguồn lực con người gắn với các động lực tăng trưởng của nền kinh tế mới gồm cả vốn xã hội – văn hóa tại các khu vực đô thị có khả năng tạo ra giá trị nhờ kết nối hệ sinh thái có chiều sâu và sức sáng tạo cao.

Lần cải cách này Việt Nam cần đặt nền móng cho các khu vực đô thị đang phát triển và mở rộng nhanh. Việc xây dựng chính quyền đô thị tự chủ ở đô thị lớn (loại 1 trực thuộc tỉnh), tự chủ cao ở đô thị rất lớn (trực thuộc trung ương), và phân cấp quản lý hợp lý bên trong các đô thị đặc biệt cần được cân nhắc mọi phương án để tối ưu hóa bộ máy quản lý. Cụ thể:

Hai đô thị đặc biệt thực chất là chùm đô thị lớn và nhỏ ở vùng ven có quy mô dân số bằng toàn bộ 23 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh và trung ương cộng lại [7]. Quy mô kinh tế của TPHCM nói riêng bằng khoảng 10 lần Cần Thơ – (đô thị trực thuộc trung ương lớn thứ hai [8]. Hai ‘chùm’ đô thị này có vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng và quốc gia trong đó có phát huy tốt cả chức năng quản lý cấp vùng và từng đô thị (cấp cơ sở). Các chức năng mới cần cải thiện là phát triển hạ tầng cấp đô thị và vùng (đường sắt, hạ tầng chống ngập, sân bay) để đảm bảo chức năng dẫn dắt phát triển, cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao cho các khu vực trọng điểm.

Các đô thị trực thuộc trung ương và loại 1 trực thuộc tỉnh (23 đô thị) đóng vai trò trung gian chiến lược trong hệ thống đô thị, vừa giảm áp lực cho siêu đô thị/lớn, vừa thúc đẩy phát triển đô thị nhỏ và nông thôn. Đây là các trung tâm kinh tế vùng, cầu nối phân phối tài nguyên, và góp phần cân bằng phát triển quốc gia, đồng thời linh hoạt hơn trong việc thích nghi với các thách thức hiện đại.

Kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức lại chính quyền ở các đại đô thị có những điểm tương đồng đáng chú ý. Trong số 50 thành phố có từ 5-20 triệu dân trên thế giới thì đại đa số đều được tổ chức thành các thành phố tự chủ (ở cả cấp trên và cấp trung gian) với số lượng cấp hành chính không giống với phần còn lại của các vùng khác. Số cấp phân chia phổ biến là 3 cấp (thành phố, quận, và phường), thậm chí 4 cấp như ở Trung Quốc (Xem Phụ lục).

Một số đại đô thị chỉ có 2 cấp chính thức (London, Paris, Tokyo), xong mô hình có 2 cấp thì vẫn có một đến hai cấp không chính thức bên dưới cấp cơ sở để thực hiện một số trách nhiệm gắn với cộng đồng dân cư. Cấp ‘cộng đồng’ không có đầy đủ cấu trúc chính quyền và thường được thiết kế theo mô hình chỉ có Hội đồng và không có Ủy ban ở Anh-Mỹ-Úc hoặc chỉ lập Cộng đồng tự quản ở Nhật Bản – hoặc chỉ có Ủy ban và không có hội đồng ở Trung Quốc.
Quy mô của cấp chính quyền cơ sở đầy đủ (có đủ hội đồng, thị trưởng và ủy ban) trên thế giới thường dao động từ 200.000 đến 500.000 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Pháp), đôi khi lên tới 1-2 triệu (New York) – tương đương các thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh hoặc trung ương và cũng tương đương với các quận ở Hà Nội và TPHCM. Sự lựa chọn này gắn với thực tiễn tổ chức không gian và hạ tầng kết nối chặt chẽ trên quy mô lớn hơn trung bình.

Sự khác biệt về phân chia các khu vực cấp dưới cơ sở dựa trên đặc điểm hình thành của cộng đồng. Các mô hình phổ biến là tiểu khu dạng phố (ward) nơi ít có bản sắc riêng hoặc các đơn vị ở (neighbourhood) hoặc làng đô thị – (urban village) nơi có quá trình hình thành độc lập hơn. Quy mô của các cộng đồng này dao động khá lớn, từ khoảng 1.000 người đến 20.000 – nhưng cũng gần với quy mô cấp phường hiện tại của Việt Nam.

Paris, Pháp

ĐỀ XUẤT TẠI TPHCM

Đối với TPHCM, nếu cần phải bỏ cấp trung gian cần đảm bảo xây dựng cấp cơ sở phát huy được hiệu quả quy mô quản lý ở cả cấp vùng và cơ sở, và giữ được quan hệ kết nối với cộng đồng.

Có hai lựa chọn cơ bản là (1) cấp cơ sở to – ít đầu mối, và (2) cấp cơ sở nhỏ – nhiều đầu mối (dường như đang là phương án chọn gần đây với cấp cơ sở có quy mô 50.000-100.000 người). Tuy nhiên, điều này dẫn đến TPHCM có bước nhảy cóc lớn từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc điều phối cấp cao không nên có bước nhảy cóc lớn. Thiết kế cấp cơ sở nhỏ ở quy mô này có thể làm tốt hơn vai trò đại diện, xong rất khó bố trí bộ máy quản lý các vấn đề chuyên môn, thiếu năng lực để quản lý các vấn đề cần sự phối hợp dẫn tới cấp trên phải trực tiếp xử lý vấn đề cho hàng trăm đầu mối một cách trực tiếp.

Vì vậy, nên chăng xây dựng cấp chính quyền cơ sở có đủ năng lực chuyên môn để vận hành như các thành phố có tính tự chủ nhất định, giúp cấp trên tập trung vào điều phối các vấn đề lớn như giao thông, năng lượng, chống ngập, an ninh, bảo vệ môi trường.

Có thể cân nhắc phân chia như sau:

Vùng lõi có lịch sử lâu đời, phát triển ổn định với bản sắc cần được tách riêng và có hai lựa chọn là giữ quy mô các quận hiện tại để làm chính quyền cơ sở hoặc gộp lại làm một. Quy mô lớn hay nhỏ một chút giữa các quận thực ra không quan trọng lắm do đã đạt mức vài trăm ngàn dân mỗi đơn vị. Có thể lựa chọn phương án gộp lại làm ít chín quyền địa phương hơn bằng cách gộp lại thành một thành phố trung tâm ở khu vực đã phát triển ổn định.

Các khu vực mới mở rộng (thành phố Thủ Đức, và huyện ngoại thành, và kể cả tỉnh lân cận như Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu… (nếu sáp nhập) có thể tổ chức thành các đơn vị hành chính cơ sở hoặc các thành phố trực thuộc. Các khu vực này sẽ tiếp tục phát triển nhanh nhưng đa số ít có bản sắc chung nên có thể được tổ chức lấy theo quy mô tối ưu về tổ chức không gian hạ tầng và dịch vụ. Quy mô có thể dao động từ 500.000 tới 1,5 triệu người – tương đương với thành phố trực thuộc trung ương hiện nay.

Nếu làm như vậy, TPHCM sẽ có khoảng 10-30 đầu mối trực tiếp. Nếu chia cấp cơ sở lớn, cấu trúc mới sẽ có 5 thành phố và 2 huyện (Cần Giờ, Củ Chi). Năm thành phố bao gồm thành phố trung tâm với 14 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân); Thành phố phía Bắc (Hóc Môn và quận 12); Thành phố phía Nam (Nhà Bè và một phần Bình Chánh); Thành phố phía Đông – Thủ Đức; Thành phố phía Tây – một phần Bình Chánh. Nếu chia cấp cơ sở nhỏ hơn, thành phố mở rộng sẽ có 38 đầu mối (thêm 9 đơn vị hành chính tại Bình Dương và 7 tại Bà Rịa Vũng Tàu).

Về mặt nhân lực và cơ sở vật chất, xây dựng cấp cơ sở lớn có những ưu điểm nhất định. Về cơ bản không phải đầu tư lại cơ sở vật chất các thành phố và quận và thực chất vẫn giảm nhu cầu bố trí mới. Trong khi đó, xây dựng nhiều cấp cơ sở quy mô lớn khi gộp vài phường lại dẫn đến phải xây dựng mới cơ sở vật chất. Số lượng đơn vị chuyên môn và cán bộ tại chính quyền thành phố trực thuộc (cấp cơ sở) sẽ có điều kiện giảm và tinh lọc. Về cơ bản sẽ ít phải điều chuyển bổ sung lên cấp trên và xuống cấp dưới, vừa giảm tải cho cấp trên đang quá tải về mặt trách nhiệm và đầu mối, vừa tăng cường phân cấp cho cơ sở.

Nếu sáp nhập thêm tỉnh lân cận, số lượng đầu mối trực thuộc cũng không quá lớn. Nếu chọn phương án quy mô cơ sở lớn có thể điều chỉnh tiếp để Bình Dương giữ lại 4 thành phố (nhập Thuận An và Dĩ An, nhập Tân Uyên vào thủ Dầu Một, Bến Cát và Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng), còn Bà Rịa Vũng Tàu làm 3 thành phố và một huyện đảo (Bà Rịa nhập cùng Châu Đức Long Đất và Xuyên Mộc, Vũng Tàu, Phú Mỹ và Côn Đảo). Mỗi thành phố cũng có quy mô đủ để tổ chức bộ máy quản lý hiệu quả về mạng lưới hạ tầng và xây dựng năng lực chuyên môn. Như vậy phương án gộp sẽ có 8 đầu mối, còn giữ hiện tại là 16.

Tuy nhiên, với tổ chức cấp cơ sở quy mô lớn hơn (quy mô tới 1 triệu người), cần tổ chức cấp không chính thức là các cộng đồng làm cánh tay nối dài tại các khu ở, khu đô thị, tổ dân phố hiện hữu tại các phường và xã sau sáp nhập. Cần đưa các đại diện cộng đồng này tham gia vào hội đồng của chính quyền cơ sở. Các cộng đồng này cần được khuyến khích để hình thành các cộng đồng tự quản hỗ trợ tạo đồng thuận trong thực hiện chính sách, đóng góp tài chính và nguồn lực cho duy trì cơ sở hạ tầng nội khu. Mô hình này giúp giảm tải trách nhiệm cho chính quyền cơ sở có quy mô khá lớn, và tăng hiệu quả giám sát của cấp chính quyền cơ sở (quận) đối với các cộng đồng tự quản trên.

THAY CHO LỜI KẾT

Một số gợi ý trên cung cấp thông tin cho việc thảo luận cách thức tổ chức và quản lý lãnh thổ tại các vùng đô thị lớn trong kỷ nguyên đô thị. Xây dựng các vùng đô thị lớn tinh, gọn, mạnh và hiệu quả cần xây dựng tổ chức chính quyền có năng lực, được trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm phù hợp với cấu trúc không gian kinh tế xã hội và hạ tầng.

Cơ hội để điều chỉnh lần này là rất quý và cần giải các bài toán chiến lược để vùng đô thị có cơ hội phát triển dài hạn bền vững. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các vùng đô thị phát triển nhanh không nhất thiết phải điều chỉnh một lần và cơ hội tiếp tục điều chỉnh sẽ tới khi hạ tầng vùng kết nối nhanh mở rộng, khi công nghệ quản lý phát triển cao hơn, khi nhận thức và năng lực của cả chính quyền và người dân thay đổi.
Đề xuất trên chưa tính một số yếu tố khác như chính trị – lịch sử – nếu đưa vào sẽ giúp giải bài toán toàn diện hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương án đề xuất nào cũng cần được giải trình và tham khảo các đánh giá đầy đủ và toàn diện để có lựa chọn tốt nhất cho hiện tại và tương lai.

Tokyo, Nhật Bản

PHỤ LỤC

Nước Anh đại diện cho mô hình tổ chức chính quyền hai cấp ở địa phương. Tuy nhiên London là khu vực phân cấp quản lý riêng không giống với toàn bộ các khu vực khác, được phân làm chính quyền thành phố, 33 quận và 630 phường. Mỗi quận (borough) có quy mô khoảng 300.000-500.000 người. Dưới đó là các phường (ward) trung bình có khoảng 15.000 người là cấp bầu cử (chỉ có đại diện tham gia vào hội đồng cấp quận), và các tiểu khu là cấp cộng đồng không chính thức nhưng lại được tham gia vào nhiều nhiệm vụ đặc thù như lập quy hoạch [9].

Nước Pháp có hệ thống tổ chức tập trung từ xã đến tỉnh và trung ương tổ chức cấp quận cho vùng Paris (20 quận), Lyon (9 quận) và Marseille (16 quận). Các quận ở Paris có quy mô từ 100.000 lên tới 300.000 và dưới cấp quận là các khu phố (cấp chính quyền không chính thức – chỉ có hội đồng) [10].

Nước Đức tổ chức thành vùng đô thị có 3 cấp hành chính tại các đô thị lớn (tương đương cấp Bang (có 3 thành phố). Các đô thị tương đương huyện (108 thành phố) có 2 cấp chính quyền, và đô thị dưới huyện có thể gọi là thị trấn hoặc làng đô thị – thị tứ (trên 10.000 đơn vị). Một số vùng đô thị lớn tổ chức thêm cấp vùng (4 bang Bayern, Baden-Württemberg, Hessen, và Nordrhein-Westfalen) phản ánh sự phát triển lan tỏa đô thị theo chùm cần sự liên kết của một cấp quản lý trung gian [11].

Hoa Kỳ tổ chức chính quyền đô thị nằm trong các bang – đa phần có tính tự chủ cao và phân làm 1 hoặc 2 cấp (đô thị lớn). Các đô thị rất lớn như New York gồm có 2 cấp chính gồm cấp thành phố, cấp quận (district/county) và một cấp cộng đồng (community) là chính quyền không đầy đủ. New York được phân chia thành 1 thành phố, 4 quận và 59 cộng đồng (mỗi cộng đồng đại diện cho 100.000 đến 200.000 dân nằm trong các thành phố và quận nói trên) [12].

Nhật Bản có 3 nhóm đô thị gồm đô thị đặc biệt như vùng đô thị Tokyo (16 triệu dân – 10 triệu ở vùng lõi) được chia làm 23 quận quản lý theo cấu trúc riêng theo mô hình chính quyền 2 cấp đầy đủ, dưới đó có một cấp tiểu khu – không chính thức. Có 20 đô thị được trao quyền tự chủ cao (quy mô trên 500.000 người) tổ chức thành 2 cấp thành phố và cấp phường (mỗi phường có khoảng 20.000 dân); và 63 thành phố nhỏ hơn được trao quyền hạn chế – thường là 1 cấp và đôi khi được tổ chức thành 2 cấp không đầy đủ (quy mô từ 200.000 người trở lên), 792 thành phố thông thường 1 cấp và 743 thị trấn độc lập [13].

Trung Quốc tổ chức chính quyền đô thị với 4 cấp hành chính bao gồm siêu đô thị cấp tương đương tỉnh trực thuộc trung ương (4 thành phố), cấp tương đương địa phương (293 thành phố), và tương đương cấp huyện (361 thành phố), thị trấn tương đương xã (8.101 thị trấn). Các siêu đô thị như Thượng Hải, Bắc Kinh được tổ chức thành 3 cấp chính là thành phố quận và phường và một cấp không đầy đủ là ủy ban cư dân (không chính thức) [14].

Thái Lan có hệ thống 3 loại đô thị với 33 thành phố loại cấp cao tự chủ cao, 179 thành phố trung bình và 2233 thị trấn. Khu vực Bangkok và Pattaya được tổ chức thành khu vực đặc biệt có hai cấp chính quyền và một cấp cộng đồng không chính đầy đủ. Chính quyền vùng Bangkok (7 triệu dân) tổ chức thành cấp thành phố và 50 quận (mỗi quận có dân số khoảng 100.000-200.000 người) [15].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguồn: tổng hợp từ www.Danso.org và nội suy một số số liệu từ 2020 đến 2025.
2. Tổng cục thống kê, 2025.
3. Vùng đồng bằng Bắc bộ có trên 10 triệu, đồng bằng sông Cửu Long 2,7 triệu, Đông Nam bộ 2,3 triệu, Bắc Trung bộ 1,5 triệu, vùng núi phía Bắc 1,5 triệu, Nam Trung bộ 1,3 triệu, Tây Nguyên 0,5 triệu – số liệu tổng hợp từ tổng điều tra dân số và nhà ở, tổng cục thống kê 2019 và cập nhật về dân số sử dụng trang wikipedia.
4. Mật độ dân số tối thiểu tính theo phạm vi toàn bộ đô thị theo quy định hiện hành (NQ 26/2022QH15)
5. Báo cáo Chính phủ, 2025.
6. Nguồn: FAO, 2021. (https://data.apps.fao.org/map/catalog/srv/)
7. Số liệu dân số tính đến hết năm 2024, nguồn: www.danso.org
8. Chênh lệch năm 2024 về GRDP giữa TP Hồ Chí Minh và Cần thơ là 1,62 triệu tỷ so với 155 ngàn tỷ đồng
9. Nguồn: tổng hợp từ www.local.gov.uk và www.london.gov.uk
10. Nguồn: tổng hợp từ www.interieur.gouv.fr và www.paris.fr
11. Nguồn: tổng hợp từ www.bmi.bund.de
12. Nguồn: tổng hợp từ www.usa.gov/local-governments và www.nyc.gov
13. Nguồn: tổng hợp từ www.soumu.go.jp và www.metro.tokyo.lg.jp
14. Nguồn: tổng hợp từ www.gov.cn
15. Nguồn: tổng hợp từ www.dla.go.th và www.bangkok.go.th

TS Nguyễn Ngọc Hiếu – Chương trình phát triển đô thị bền vững, trường Đại học Việt Đức



Nguồn