Mỹ ra tín hiệu không muốn tăng thuế thêm với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump cho biết ông không muốn tiếp tục tăng thuế đối với Trung Quốc vì điều đó có thể làm đình trệ thương mại giữa hai nước và khẳng định Bắc Kinh đã nhiều lần liên lạc cho một thỏa thuận.
Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào thứ Năm, ông Trump cho biết các quan chức mà ông tin là đại diện cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách bắt đầu các cuộc đàm phán. Nhưng ông liên tục né tránh các câu hỏi trực tiếp về việc liệu ông và Tập có liên lạc trực tiếp hay không.
Khi được hỏi liệu bản thân ông Tập có liên lạc trực tiếp với ông hay không hay đó là các quan chức Trung Quốc, ông Trump trả lời: “Tôi thấy rất giống nhau”.
“Ông ấy biết mọi thứ về vấn đề này, ông ấy điều hành vấn đề rất chặt chẽ, rất mạnh mẽ, rất thông minh”, Tổng thống Trump nói tiếp, ý nhắc đến nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đã liên tục tăng thuế nhập khẩu trong cuộc xung đột kinh tế giữa hai siêu cường. Ông Trump đã tăng thuế mới lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã trả đũa bằng thuế 125%.
Vừa qua, ông Trump cho biết ông không muốn tiếp tục tăng thuế và ám chỉ rằng ông có thể sẽ hạ thuế.
“Đến một thời điểm nào đó, tôi không muốn tăng thuế cao hơn nữa vì sẽ khiến mọi người không chi tiêu nữa”, ông nói.
Nhưng ông Tập hiện vẫn chưa có bất kỳ động thái chính thức nào đáp lại nhà lãnh đạo Mỹ.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tháng này đã đăng một đoạn video về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông vào năm 1953, trong đó có nói: “Bất kể cuộc chiến này kéo dài bao lâu, chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng hoàn toàn”.
Washington gọi, Bắc Kinh chưa bắt máy?
Phong cách ngoại giao truyền thống là các nhóm làm việc của 2 nước sẽ thảo luận trước và đặt nền tảng cho các cuộc thảo luận cấp cao.
Vì vậy, các quan chức Trung Quốc muốn cử phái viên đến Washington để thảo luận về thuế quan, Yun Sun, một nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Stimson cho biết. Thôi Thiên Khải, cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã cố gắng làm điều đó vào đầu tháng này.
Tiếp đó, chính phủ Trung Quốc đã công bố một phái viên thương mại mới vào thứ Tư: Lý Thành Cương (Li Chenggang), cựu đại diện tại Tổ chức Thương mại Thế giới và quan chức Bộ Thương mại, người đã tham gia các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu tiên.
Chú thích ảnh
Nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa thống nhất về các cuộc đàm phán.
Một trong những tiếng nói có ảnh hưởng nhất về thương mại, Peter Navarro, cố vấn Nhà Trắng đã định hình chính sách với Trung Quốc trong chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu tiên, hài lòng với việc “đóng băng” các cuộc đàm phán giữa hai nước. Ông Navarro, đồng tác giả của cuốn sách có tên “Chết dưới tay Trung Quốc”, từ lâu đã ủng hộ việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, một người nhạy cảm với tình hình biến động của thị trường, đã nói rằng hai bên nên đàm phán và ông “rất tin tưởng” vào mối quan hệ giữa ông Trump và ông Tập.
Những người khác trong giới tài chính cũng thúc giục đàm phán.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nhấn mạnh rằng cuộc nói chuyện duy nhất mà ông Trump muốn hiện tại là một cuộc trò chuyện riêng với ông Tập.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã thử cách tiếp cận này với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Ban đầu, ông Trump đã leo thang căng thẳng, thậm chí đe dọa hành động quân sự chống lại Triều Tiên bằng “lửa và thịnh nộ”. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi những gì ông Trump gọi là “những bức thư đẹp đẽ”. Bất chấp những điều này, hai nước không đạt được thỏa thuận.
Và có lẽ, Bắc Kinh vẫn nhớ sự kiện này. Bên cạnh đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến thành cuộc cãi vã cũng là một tiền lệ không hay khi các nhà lãnh đạo cân nhắc khi đề cập đến cuộc gặp cấp cao, tờ New York Times bình luận.
Theo New York Times