Thủ tướng yêu cầu trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.
Tại cuộc họp với các bộ ngành chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 cần được khẩn trương cụ thể, thể chế hóa, để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Ông yêu cầu trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách.
“Với thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung phong phú, Nghị quyết này cần chọn cách tiếp cận phù hợp, khả thi”, ông nói.
Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra dự kiến kết thúc vào ngày 30/6.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp, ngày 7/5. Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm.
Nhóm đầu là các nhiệm vụ tương đối rõ, cấp bách, chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tuy nhiên, các giải pháp này lại chưa thuộc chương trình của Kỳ họp Quốc hội lần này. Với trường hợp này, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào 10 cơ chế, chính sách cụ thể.
Nhóm thứ hai gồm 8 cơ chế, chính sách cụ thể cần sửa ngay và đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật trong kỳ họp này. Bộ Tài chính kiến nghị sớm rà soát, nghiên cứu bổ sung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội.
Nhóm cuối là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất đưa vào dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ để giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cơ quan soạn thảo rà soát, tập trung vào những nội dung được doanh nghiệp, người dân đang mong đợi nhất, những nội dung cần thiết, cấp bách, có thể làm ngay mà chưa cần nhiều nguồn lực. Ông cũng đề cập những vấn đề cần xử lý ngay những nội dung mang tính chất “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa”, mang lại tác động, hiệu quả lớn, thực sự tháo gỡ, tạo xung lực, động lực mới, giải phóng được nguồn lực, sức sản xuất.
Theo Nghị quyết 68, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ thủ tục hành chính phải nhanh, đơn giản và chi phí ít nhất có thể. Đặc biệt, các thủ tục thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản phải được đơn giản hóa. Cùng với đó, nhà điều hành phải có cơ chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp như khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành lớn và doanh nghiệp lớn trở thành lớn hơn.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị soạn thảo cụ thể những nội dung của Nghị quyết 68 về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp, hợp tác công tư.
Các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư được tăng phân cấp trong việc đặt hàng các công trình, dự án cho doanh nghiệp thực hiện với nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn và tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc này có cơ chế thông thoáng nhưng phải có công cụ để tăng giám sát, kiểm tra.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết cần cụ thể hóa nội dung về “phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, hay giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm”. Việc này để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, theo Thủ tướng.
Cụ thể, theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, các quy định sửa đổi để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, các biện pháp hành chính sẽ được ưu tiên trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.
Còn với trường hợp đến mức xử lý hình sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Tinh thần là không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.
Với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng, cơ quan điều tra phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Cùng với đó, họ phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Phương Dung