Bất Động Sản

Trục cảnh quan sông Hồng: Trong quy hoạch vùng thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 – Tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 25/3/2022, Hà Nội phê duyệt Đề án Phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, trong đó có khu vực Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương và phường Phúc Tân quận Hoàn Kiếm.

Theo định hướng Quy hoạch Phân khu Đô thị sông Hồng, sông Hồng là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng: Công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí của Thủ đô, trong đó không gian thoát lũ được đặc biệt quan tâm trong Quy hoạch này.

Bãi Giữa sông Hông (Nguồn Internet)

Hà Nội đang xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quan điểm về tổ chức không gian trong các quy hoạch lớn Hà Nội đang triển khai, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông: Khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng và bãi giữa sông Hồng. Định hướng này sẽ là “điểm tựa” để đưa con sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội, trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai. Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan toả, tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô và thành phố Hà Nội.

Vì vậy, việc nghiên cứu, cải tạo Bãi Giữa, Bãi Bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của Bãi Giữa sông Hồng, tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa, sáng tạo, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và triển lãm nghệ thuật của người dân Thủ đô. Rõ ràng điều này sẽ cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử.

Bài học từ các đô thị ven sông nổi tiếng thế giới

Trên thế giới, việc quy hoạch đô thị ven sông của nhiều thành phố lớn London (Anh), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)…đã được chú trọng và đem lại những giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân đô thị. Những đô thị ven sông thành công trên thế giới vừa đóng vai trò như một hành lang giao thông và thương mại, vừa tạo lập những công viên đầy sức sống, không gian hoạt động văn hóa, thu hút cả người dân địa phương và du khách, giúp đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Công viên còn giúp làm tăng một phần giá trị của các dự án bất động sản xung quanh. Ở Mỹ, cụ thể là New York, nhà ở hoặc văn phòng gần các công viên thường có giá cao hơn 25% so với những khu vực khác ở xa công viên.

Ở Mỹ, Công viên Forest Park đã giúp tái sinh dòng sông Des Peres sau thời gian dài ô nhiễm và xuống cấp. Các yếu tố then chốt được xem xét khi thiết kế đó là: Nước, thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, tiếp cận, giải trí và bảo trì. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể cuối cùng. Cách tiếp cận này giúp Forest Park đảm bảo những giá trị bản sắc địa phương đồng thời thu hút du khách và góp phần đáng kể vào cải thiện hình ảnh địa phương.

Công viên Forest Park, St. Louis (Nguồn Internet)

Sự phát triển của Luân Đôn và không gian ven sông Thames gắn liền với sự phát triển của hình thái kinh tế – xã hội. Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố, sông Thames vừa là lá phổi xanh của London, là nguồn cung cấp nước chính, vừa là trục cảnh quan với nhiều công trình văn hóa, du lịch, di sản, công viên sinh thái tự nhiên bám dọc hai bên bờ sông. Về cơ bản, lõi đô thị London vẫn là những không gian hành chính, thương mại dịch vụ với nhiều quảng trường và lối đi ven sông, có khả năng kết nối giữa các giá trị kiến trúc cũ và mới. Với mật độ hệ thống mạng lưới đường giao thông cao nhất ở khu vực lõi và giảm dần ra phía bên ngoài đô thị, các công trình kiến trúc cổ chủ yếu tập trung ở khu vực lõi và giảm dần ra phía ngoài, mật độ cây xanh và rừng ven sông cũng tăng dần từ lõi ra vùng ngoại vi, không gian ven sông được đan xen giữa quá khứ và hiện tại trong sự hài hòa của không gian kiến trúc. Tất cả đã khiến dòng sông này trở thành biểu tượng của xứ sương mù.

Tòa tháp BigBen và vòng quay London Eyes song hành cùng dòng chảy sông Thames (Nguồn Internet)

Tại Hàn Quốc, Sông Hàn được coi là “báu vật” của xứ kim chi. Cấu trúc không gian đô thị Seoul cũng nằm trong quá trình hình thành và phát triển không gian ven sông Hàn, biến sông Hàn thành viên ngọc sinh thái của thủ đô, sử dụng đất theo hướng xanh. Các khu ở thiếu kiểm soát ven sông đã dần được thay thế bằng các công trình văn hóa và không gian công cộng phục vụ cộng đồng và khách du lịch. Các đoạn hạ lưu sông Hàn được tổ chức lối đi cho người đi bộ, xe đạp, công viên, nhà hàng. Hơn nữa, áp dụng quy hoạch đô thị trong điều chỉnh đất phát triển mật độ thấp, khi xây dựng các dự án phát triển không gian ven sông Hàn, chính quyền Seoul không chỉ tính lợi nhuận kinh tế thuần túy, mà tính cả các giá trị xã hội làm cho cuộc sống của đại đa số người dân được cải thiện thông qua việc làm, thu nhập và môi trường sống an toàn, lành mạnh. Tận dụng các kênh rạch từ sông lớn để tạo nên không gian mở, sự thông thoáng giữa các quần thể cảnh quan có giá trị và chức năng khác nhau. Đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú…- Đây chính là “kỳ tích” sông Hàn.

Đối với sông Châu Giang thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, chính quyền đô thị lấy dòng sông là trục lõi của quy hoạch đô thị. Tổ chức kiến trúc cảnh quan ven sông và từ dòng sông được đặt trong mối quan hệ thống nhất. Những hòn đảo giữa dòng sông không chỉ là nơi gìn giữ được các chức năng bảo vệ các hệ sinh thái, mà còn là nơi khai thác về nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, làm tăng giá trị thẩm mỹ của hệ thống cảnh quan của dòng sông, với sự kết nối hành lang xanh, hành lang sinh thái, vùng bán ngập, vùng ẩm ướt, những quần đảo ven sông, công viên sông, hồ thủy sinh, công viên trung tâm, thảm họa…. Chính quyền đô thị còn khai thác triệt để công nghệ hiện đại để tạo ra một hệ thống cảnh quan hài hòa, sinh động.

Điều đó cho thấy với các nhà làm quy hoạch thế giới, dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các đô thị, trong đó không gian hai bên bờ sông phải hướng tới sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như kết nối dòng sông với lợi ích chung của toàn xã hội.

Như vậy, với những kinh nghiệm vừa nhận diện, chúng ta có thể thấy xu hướng tích hợp đa dạng hóa các hoạt động tại không gian mở ven sông để chuyển từ không gian mở thuần túy sang không gian công cộng, tăng cường sức sống và sự sôi động cho không gian ven sông, tăng cường hiệu quả sử dụng đất, kết nối kiến trúc cảnh quan ven sông với hệ thống không gian mở đô thị nhằm hướng tới tạo lập hạ tầng sinh thái, hướng tới tạo dựng bản sắc đô thị và xu hướng bảo tồn thiên nhiên, văn hóa không gian ven sông là thước đo sự phát triển bền vững. Đó có thể được xem là những bài học có thể vận dụng cho Việt Nam

Giải pháp nào cho quy hoạch trục cảnh quan sông Hồng

Mặc dù trong lịch sử của Hà Nội gắn liền với sự hiện diện của dòng sông và các vùng đất màu mỡ của vùng châu thổ sông Hồng, nhưng ngày nay rất hiếm có mối liên hệ nào của thành phố với dòng sông hay với bất kỳ hoạt động nào trên dòng sông này. Thay vào đó là các khu ở nhếch nhác ven sông không chỉ tạo nên rào cản về vật chất mà còn thêm cả rào cản về tâm lý.

Với chiều rộng lớn nhất hơn 1000m và chỗ hẹp nhất là 400m, sông Hồng được thiên nhiên ban tặng, nằm ngay cạnh trung tâm lịch sử của Thủ đô, cũng với những nhánh sông khác, các vùng nông nghiệp trù phú và những bãi bồi đã tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội từ Thăng Long, Đông Đô đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của thành – thị trước đây và đô thị ngày nay. Trong giai đoạn hiện nay, khi thành phố đang ngày càng được mở rộng, ngày càng phát triển, sức ảnh hưởng của sông Hồng đối với bộ mặt cảnh quan chung của toàn đô thị càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sông Hồng là không gian cảnh quan chủ thể kết nối bờ Bắc và bờ Nam, là trung tâm của các tuyến phát triển không gian và như chứng nhân của lịch sử, một cầu nối giữa Quá khứ – Hiện tại – Tương lai mà cầu Long Biên tuyệt đẹp là một chứng tích vắt qua 3 thế kỷ. Đối với bộ mặt cảnh quan không gian đô thị, sông Hồng trở thành không gian kết nối, không gian giao thoa giữa không gian cũ và không gian mới, giữa không gian của lịch sử và không gian của tương lai.

Năm trục quan trọng trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô

Nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để hình thành những điểm dân cư nông thôn, tiếp đến hình thành tuyến giao thông – thương mại tiến tới phát triển các điểm dân cư đô thị. Như vậy, có thể nói dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị, đáp ứng nhu cầu: Cấp thoát nước, giao thông vận tải, phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị. Vì vậy, khi thiết kế, cần khai thác các lợi thế về văn hóa, lịch sử, hài hoà thiên nhiên. Phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, thuận theo các dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê tông hóa và không chất tải hạ tầng quá lớn hai bên bờ sông. Chuỗi công viên, vườn hoa phải là không gian mở để người dân dễ dàng tiếp cận và kết nối thân thiện, thụ hưởng và phát triển thành phố theo hướng “nhìn sông” thay vì “quay lưng” vào dòng sông.

Việc phát triển lá phổi xanh giữa trung tâm Hà Nội và quy hoạch lại không gian cho hai bên bờ sông Hồng cần tính đến việc làm gia tăng giá trị cho khu đất, nơi mà hiện nay các khu nhà ở chật chội, kém chất lượng sống cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang chiếm lĩnh cả hai bên bờ sông Hồng. Để làm được điều này, cần ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian xanh sinh thái, cung cấp các tiện ích, dịch vụ cộng đồng cho người dân đô thị. Kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị. Xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông. Phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng, đồng thời với kiểm soát chặt chẽ sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu.

Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hoá đa chức năng”, đang được nghiên cứu, trước đây là khu vực để trồng dâu và dệt lụa. Vì vậy khi xây dựng đề án, cần có những không gian, để khách du lịch được tham gia các hoạt động thủ công và văn hóa để gợi nhắc lại quá khứ, tạo lập lại vùng nông nghiệp trù phú vốn có của vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn hóa lúa nước.

Khi quy hoạch công viên văn hoá cảnh quan ở khu vực Bãi Giữa sông Hồng cần đặc biệt quan tâm việc kết nối với các yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội, vì nó không chỉ mang thiên nhiên đến cho việc thư giãn và rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cho các hoạt động văn hóa, giao lưu xã hội. Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị, mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn.

Kiến trúc ven sông phải khai thác tối đa những ưu thế và những khác biệt của khung cảnh thiên nhiên ven sông cùng với mục đích sử dụng công trình cho các đối tượng du lịch để tạo nên một loại hình kiến trúc độc đáo, tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long, kể cả về hình thức kiến trúc cũng như các chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật (khác với các công trình ở trong trung tâm đô thị).

Cần quan tâm đến tác động của một khu đô thị tới môi trường nhất là sức chịu tải của bãi bồi khi nơi đây trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí lớn không chỉ của cư dân Thủ đô mà mọi du khách khi đến với Hà Nội.

Khi thực hiện Quy hoạch hai bên bờ sông cần có giải pháp bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông. Đối với việc chỉnh trang, tái thiết đô thị dựa trên nguyên tắc ưu tiên các công trình hạ tầng xã hội, cây xanh vườn hoa, sân chơi thể dục thể thao, công cộng đô thị, thương mại dịch vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe (phục vụ dân cư khu vực, mật độ xây dựng thấp, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành).

Vấn đề thoát lũ, từ ngàn đời nay, dòng sông Hồng là nguồn cung cấp nước tưới cho hệ thống nông nghiệp của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, là tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng, vì vậy nhu cầu phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư đô thị, giải quyết bài toán thoát lũ cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu, đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, có giải pháp khoa học thích ứng nhằm đảm bảo an toàn, môi trường sinh thái, bên cạnh việc xây dựng những dự án, công trình kiến trúc. Trước hết, phải tập trung đánh giá quy hoạch phòng, chống lũ cho lưu vực sông Hồng, với những kịch bản cụ thể, trong đó tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Bãi Giữa sông Hồng và cầu Long Biên (Nguồn Internet)

Bài toán quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho trục cảnh quan chung cả về giao thông cũng như sự phát triển của hai bên sông trong thời gian tới. Việc khai thác trục cảnh quan sông Hồng và Bãi Giữa sông Hồng phải phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được rà soát, điều chỉnh. Quy hoạch chung sẽ là cơ sở để khớp nối, gắn kết và phân chức năng cho từng khu vực trong khai thác tiềm năng của sông Hồng.

Với định hướng tạo dựng một không gian mở, không gian văn hóa trung tâm của Thành phố tại khu vực sông Hồng đi qua khu đô thị lịch sử cần dựa trên nền tảng là cầu Long Biên và Bãi Giữa sông Hồng tạo thành một thể thống nhất kết nối giữa khu vực đô thị với sông Hồng, cầu nối giữa khu vực đô thị lịch sử phía Nam và khu vực đô thị mới phía Bắc. Lúc đó, Cầu Long Biên trở thành kiến trúc đặc biệt có vai trò kết nối với các không gian mở, không gian vườn hoa, cây xanh, sân chơi, quảng trường được nghiên cứu trên khu vực Bãi Giữa tạo thành một thể thống nhất, thành trái tim, điểm thu hút, điểm nhấn trên trục cảnh quan sông Hồng cũng như toàn Thành phố, khắc ghi dấu ấn lịch sử của Hà Nội và dõi theo sự phát triển năng động và sáng tạo của Thủ đô yêu quý trong tương lai.

KTS Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Tài liệu tham khảo
1. Tiếp cận mô hình tích hợp về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông, Tạp chí Kiến trúc;
2. Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng;
3. “Cầu Long Biên, trái tim của trục cảnh quan sông Hồng” Ths.KTS. Nguyễn Đức Hùng- Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.



Nguồn