Mặc sự ngạc nhiên, thậm chí khó hiểu từ bạn bè, đồng nghiệp, ông Jeffery vẫn quyết định rời bỏ công việc tại ngôi trường đại học nằm trong top 10 thế giới để tới “thử sức mình” trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, quốc gia mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ đồng thời cũng tồn tại rất nhiều điều khác biệt so với môi trường giáo dục ở London nói riêng, nước Anh nói chung.
Sau 14 năm nhìn lại, ông Jeffery nói rằng mình mỉm cười mỗi ngày với hành trình khám phá ở dải đất hình chữ S, nơi ông có công việc thú vị và năng động. Thậm chí, nhà giáo dục Anh còn nhấn mạnh làm việc ở Việt Nam là một vinh dự và đặc quyền to lớn và ông đang tiếp tục đóng góp để chắp mối duyên cho nhiều doanh nghiệp Vương quốc Anh với Việt Nam hơn nữa.
Ông đã sống và làm việc ở Việt Nam rất lâu năm. Ông có còn nhớ điều gì đã đưa ông đến với mảnh đất hình chữ S này và giữ chân ông lại cho đến giờ?
Tôi vẫn nhớ như in cái duyên của mình với Việt Nam. Khi còn ở quê hương London, tôi đang có một công việc khá thuận lợi. Khi ấy, tôi làm việc ở một trường đại học danh tiếng. Nhưng chính sự ổn định đó khiến tôi dần cảm thấy nhàm chán và cần tìm một công việc mới nhiều thử thách hơn.
Đúng lúc ấy, một người đã gọi điện cho tôi. Người này hỏi tôi có quan tâm đến việc chung sức thành lập và phát triển một trường đại học ở Việt Nam không? Tôi nghĩ đây là một thử thách đồng thời là một cơ hội mới nên đã nhận lời.
Nhưng đây không phải là một quyết định dễ dàng. Các đồng nghiệp cũ của tôi từng hỏi rằng: “Ông đang làm gì vậy? Tại sao lại rời khỏi London? Tại sao lại từ bỏ ngôi trường hàng đầu thế giới?”. Nhưng bây giờ, họ phải đồng tình với tôi rằng đó là một quyết định đúng đắn.
Năm 2010, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam. Tôi bắt đầu với vai trò Giám đốc Học vụ tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (British University Vietnam – BUV). Sang đến năm 2011, tôi tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc (BritCham) tại Việt Nam. Đây là những công việc thú vị tại một đất nước có vô vàn điều để khám phá. Tôi cảm thấy đó là một vinh dự và là một đặc quyền to lớn. Tôi luôn mỉm cười và biết ơn mỗi ngày.
Vậy Việt Nam mười mấy năm về trước trong ký ức của ông so với Việt Nam bây giờ có gì đổi khác và điều gì vẫn nguyên vẹn như xưa?
Có thể nói, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, nhưng cũng không hề thay đổi. Điều này tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Tôi là một người rất thích uống nước ngọt có ga, loại dành cho người ăn kiêng. Thời điểm mới đến Việt Nam, tôi nhớ đã phải lùng sục khắp các cửa hàng mới mua được một lon như vậy. Vì hơn 13 năm trước, không phải ở đâu cũng bán mặt hàng này. Đôi khi, tôi uống trà thay cho coca. Còn bây giờ thì mua chúng rất dễ dàng.
Một ví dụ khác cho thấy sự thay đổi tích cực của Việt Nam là hành trình bay từ London đến Hà Nội. Ngày ấy, tôi phải bay từ London đến Doha, từ Doha đến Bangkok, rồi từ Bangkok mới về đến Hà Nội. Còn bây giờ, chúng ta có hai chuyến bay trực tiếp mỗi ngày. Như thế, những cải thiện trong mối quan hệ quốc tế được phản ánh qua việc những chuyến bay thẳng thuận tiện hơn, công việc kinh doanh tại Việt Nam cũng dễ dàng hơn. Tôi thấy số lượng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam nhiều hơn trước, những người nói tiếng Anh thuộc mọi thế hệ cũng đông hơn.
Tôi nghĩ Việt Nam đã nắm bắt rất tốt các cơ hội phát triển và thực sự đang thay đổi từng ngày, nhưng những giá trị nền tảng thì vẫn nguyên vẹn. Tôi nghĩ mình có chút nhớ nhung Việt Nam xưa, Hà Nội xưa, đặc biệt là các dịp lễ Tết. Tôi yêu Tết ở Việt Nam và năm nào cũng dành thời gian đón Tết ở Việt Nam.
Như ông vừa nhắc, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước đang tiến triển, từ đó công việc kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam cũng thuận lợi hơn. Vậy theo ông, cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đã thay đổi ra sao và hiện còn những tiềm năng nào cho các doanh nghiệp nước ngoài?
Khi tôi mới đến, Việt Nam vẫn còn là một thị trường xa lạ đối với đại đa số doanh nghiệp. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Nhưng bây giờ, Việt Nam đã trở thành người chơi chính trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài với nhiều cơ hội rộng mở.
Thông qua một loạt các hoạt động nhất quán của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cũng như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Chamber of Commerce and Industry), Việt Nam thành công truyền ra thế giới thông điệp mở cửa chào đón doanh nghiệp quốc tế, nghiêm túc với mong muốn gia tăng chuỗi giá trị. Một điều nữa, Việt Nam đang rất đề cao vai trò của hợp tác quốc tế và có nhiều động thái thiết thực để hiện thực hoá điều đó.
Trải qua hơn 13 năm ở Việt Nam, tôi thấy môi trường cởi mở hơn nhiều. Nếu bạn nhìn vào Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nơi tôi là thành viên của hội đồng quản trị, bạn cũng sẽ thấy cách tiếp cận của Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ. Việt Nam hiện là một quốc gia có vai trò toàn cầu về kinh tế, xuất nhập khẩu.v.v… và điều đó giúp đất nước xác lập vị thế của mình. Điều này vẫn đang tiếp diễn.
Và để thúc đẩy và tối đa hoá FDI, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần xây dựng cho mình thương hiệu trong khuyến khích và hỗ trợ đầu tư. Bạn có thể thấy nhiều quốc gia gây dựng cho mình thương hiệu trong các lĩnh vực như du lịch, kinh doanh, đầu tư, v.v… Và nếu Việt Nam tạo dựng được thương hiệu quốc gia của riêng mình trong khuyến khích và hỗ trợ đầu tư, những nhà đầu tư nước ngoài như tôi sẽ hiểu hơn về Việt Nam cũng như những cơ hội khi đến với quốc gia của các bạn.
Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư sớm nhất tại Việt Nam. Vậy theo ông, các doanh nghiệp Anh hiện diện tại Việt Nam đã trao đi và nhận lại những gì từ Việt Nam?
Một số công ty Anh quốc xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, chẳng hạn KPMG, Standard Chartered, HSBC. Họ đến và xây dựng mối quan hệ, xây dựng niềm tin và hiện đóng một vai trò quan trọng.
Điều này cũng dẫn đến việc thu hút những người Anh có tinh thần kinh doanh đến với Việt Nam. Chẳng hạn như ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital. Ông ấy đã xây dựng một công ty tuyệt vời, thực sự tập trung vào Việt Nam, thu hút đầu tư cho Việt Nam và hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam.
Giáo dục cũng là một lĩnh vực quan trọng không kém. Chúng ta có Trường Quốc tế Anh (BIS) thuộc Hệ thống giáo dục Nord Anglia. Đây là đơn vị dẫn đầu cung cấp môi trường giáo dục năng động cho người Việt và thu hút các gia đình quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta có trung tâm đào tạo tiếng Anh Apolo English để hỗ trợ kỹ năng ngoại ngữ. Chúng ta có chứng chỉ Cambridge để học sinh, sinh viên Việt Nam có được bằng cấp quốc tế chất lượng, phục vụ học vấn và việc làm về sau.
Nước Anh là một quốc gia hỗ trợ nền kinh tế tri thức. Và Việt Nam không chỉ hướng tới việc trở thành một nhà sản xuất chi phí thấp, không chỉ là một trung tâm vận chuyển, mà còn phát triển nhiều hơn về cơ sở hạ tầng tri thức, cơ sở hạ tầng vật chất để xây dựng đất nước. Đó là một trong số những điểm chung của chúng ta.
Là một doanh nhân, ông thấy các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Vương quốc Anh nói riêng đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?
Tôi nghĩ môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam đang ngày một cải thiện. Dưới góc nhìn của một người Anh, các công ty thường sẽ tìm đến một quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với Anh như Singapore và Malaysia. Để thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế, tôi nghĩ Việt Nam phải thể hiện tiềm năng của mình, kể câu chuyện của mình cho thế giới biết.
Sau khi ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm ngoái, vai trò, vị thế của Việt Nam với các doanh nghiệp Anh càng được nâng cao. Hai nước cũng đã có lộ trình rõ ràng cho các doanh nghiệp tham gia. Tôi nghĩ đây là một khía cạnh quan trọng và chúng ta cần tận dụng cơ hội này để thảo luận và làm việc cùng nhau.
Nhưng Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút đầu tư. Các khoản đầu tư phù hợp sẽ hỗ trợ các mục tiêu và kế hoạch của chính phủ về trí tuệ nhân tạo (AI), về gia tăng giá trị chất bán dẫn, về điện tử, về du lịch…. Tất cả những yếu tố đó cần sự chung sức của người dân và chính phủ.
Những gì chúng ta đã làm ngày hôm qua sẽ không còn hiệu quả vào ngày mai. Vì vậy, chúng ta cần phải liên tục đánh giá, liên tục xây dựng và phát triển các quy trình, thương hiệu và sản phẩm của mình.
Việt Nam cần trở thành một môi trường kiếm tiền bền vững, chứ không phải nay đến mai đi một cách chóng vánh. Vấn đề thực chất không nằm ở những sáng kiến hay thay đổi to lớn, mà ở những cải thiện nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Điều này còn liên quan đến một khía cạnh khác đó chính là con người. Người Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và vấn đề là làm thế nào để giúp mỗi người nâng cao, phát huy tài năng đó.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài biết Việt Nam rộng lớn ra sao, quy mô 100 triệu dân hấp dẫn thế nào, tăng trưởng GDP hay tăng trưởng thu nhập bình quân là bao nhiêu…Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng gia tăng và các doanh nghiệp phương Tây sẵn sàng gia nhập thị trường cũng như tìm kiếm đà tăng trưởng với kỹ năng, kiến thức và trình độ của lao động Việt Nam.
BritCham được cấp phép thành lập năm 1998 và trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài phát triển năng động nhất tại Việt Nam với hơn 500 thành viên. Với tư cách là chủ tịch BritCham, ông đánh giá điều này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hợp tác giữa hai nước?
Chúng tôi là một tổ chức Anh quốc. Vì vậy, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Tổng Lãnh sự quán, Hội đồng Anh, Đại sứ quán Anh, cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại London và VCCI tại Việt Nam. BritCham giống như tiếng nói của doanh nghiệp Anh nhưng đồng thời cũng hỗ trợ và tạo cơ hội cho cả đôi bên cùng phát triển.
Tôi rất tự hào khi BritCham cùng Việt Nam phát triển qua từng năm. Hiện nay, chúng tôi hướng tới vận động chính sách, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp sắp tham gia. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy mối quan hệ đang phát triển.
Chúng tôi cũng là thành viên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, chúng tôi tham gia vào các cuộc thảo luận của chính phủ và mong muốn đóng góp ý tưởng về chính sách cũng như sự phát triển đất nước. Chúng tôi không đưa ra những đề xuất kiểu dập khuôn như ở Anh mà cố gắng điều chỉnh sao cho phù hợp với những đặc thù ở Việt Nam.
Có điều gì đặc biệt ấn tượng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Vương quốc Anh khiến ông nhớ mãi hay không?
Tôi nghĩ một trong những điều tuyệt vời nhất là sự phát triển của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh trong việc quảng bá Việt Nam cũng như cách làm việc với các tổ chức ở Anh. Đó là một bước tiến tuyệt vời.
Việt Nam là một trong những trung tâm của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP). Và theo quan điểm của Vương quốc Anh, cuối cùng tất cả đều bắt đầu từ những cơ hội mà Hiệp định Thương mại Tự do mang lại.
Vậy Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã tạo điều kiện như thế nào cho thương mại hai nước?
Tôi nghĩ là UKVFTA mang lại rất nhiều lợi ích cho hai quốc gia. Có những thành tựu thấy ngay trước mắt nhưng cũng có những thành quả lâu dài.
Nhìn từ góc độ của Việt Nam, thành công của các bạn là mở cửa thị trường Anh để xuất khẩu nhiều hơn. Về lâu dài, chúng ta có thể thấy tiềm năng của lĩnh vực ô tô, đặc biệt trong việc dỡ bỏ thuế quan đối với ô tô trong nhiều năm.
Trong khi đó, Vương quốc Anh có nhiều thương hiệu ô tô nổi tiếng như Jaguar Land Rover, Rolls Royce, Bentley, Aston Martin. Tất cả các thương hiệu này đều có mặt tại Việt Nam. Việc tăng cường kinh doanh và tăng cơ hội nhờ vào việc giảm thuế sẽ là một dấu hiệu tuyệt vời cho sự phát triển xa hơn nữa.
Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4,28 tỷ USD, xếp thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ông đánh giá ra sao về con số này?
Tôi nghĩ những con số quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là đảm bảo có được một hoạt động kinh doanh và đầu tư phù hợp với Việt Nam. Chẳng hạn như cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0, cam kết về tính bền vững, cũng như các lĩnh vực trọng tâm của chính phủ. Đó là những gì mà chúng tôi hướng đến để hỗ trợ Việt Nam.
Chúng tôi thà xếp thứ 15 nhưng có khoản đầu tư và quan hệ đối tác dài hạn, còn hơn xếp thứ 3, thứ 4 nhưng lại rời đi trong một sớm một chiều. Chúng tôi muốn xây dựng được những doanh nghiệp FDI gắn bó trăm năm nới Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu đó, rõ ràng chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiều điều cần thay đổi cũng như bỏ nhiều công sức để vun đắp.
Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 thế giới và lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, châu Mỹ. Ô ng thấy thị trường Anh có thái độ ra sao với sản phẩm “made in Vietnam”? Ông có bắt gặp sản phẩm Việt mỗi lần trở về Anh quốc không?
Chúng ta trở lại với vấn đề về thương hiệu. Việt Nam thực sự cần tạo dựng và củng cố một thương hiệu mang dấu ấn riêng. Việc làm này giống như bổ sung vào chuỗi giá trị gia tăng, để ngày càng nhiều người hiểu về Việt Nam và những nét văn hóa truyền thống tuyệt vời của các bạn. Từ đó, bạn sẽ thấy sự gia tăng về số lượng và giá trị của các thương hiệu của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Tôi nghĩ điều này đang diễn ra và nên được khuyến khích tiếp tục.
Tôi đã thấy rất nhiều đồ ăn Việt xuất hiện ở Anh, cũng như nhiều nhà hàng cung cấp những món ăn này. Điều này cho thấy người dân Anh thực sự ưa chuộng các sản phẩm Việt. Tôi cũng từng thử qua vài nhà hàng, nhưng vẫn thích ăn nhưng món ăn trên đất Việt. Phiên bản Việt chính thống vẫn ngon hơn phiên bản dành cho Tây (cười).
Ông đã nói nhiều về tiềm năng hợp tác chung. Là người làm trong mảng giáo dục, ông đánh giá ra sao về tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam?
Giáo dục là một trong những lĩnh vực then chốt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tôi thấy Việt Nam rất có tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng cũng giống như Vương quốc Anh, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp một nền giáo dục đại học chất lượng cho người cần.
Vì vậy, xét về các trường đại học công lập lớn của Việt Nam, các trường đại học tư thục, cơ hội cho sinh viên đi du học đang bị thách thức. Vì Anh, Australia và Canada gần đây đã thay đổi về quy định nhập cư đối với sinh viên. Thế nên, sẽ thật tuyệt vời khi mang đến cho sinh viên cơ hội trải nghiệm chất lượng giáo dục quốc tế ngay trên đất Việt. Họ không cần phải ra nước ngoài, không phải xa gia đình mà vẫn đón nhận những cơ hội tốt. Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) nơi tôi là Giám đốc Học vụ là một cơ hội như vậy.
Nhiều người Việt Nam thường nói đùa rằng BUV là trường con nhà giàu. Thực tế không thể phủ nhận rằng học phí tại BUV cao hơn nhiều so với đa số các trường ở Việt Nam. Phải chăng BUV cho rằng người Việt đang ngày càng giàu lên và ngày càng nhiều người có thể chi trả được mức phí này?
Để đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, môi trường, trình độ giảng dạy, cơ chế hỗ trợ… BUV cần có kinh phí. BUV không phải là trường có học phí rẻ nhất, tuy nhiên chúng tôi cũng có những chương trình học bổng lớn để khuyến khích những học sinh vượt khó.
Tôi thấy tầng lớp trung lưu Việt Nam đang phát triển và có đủ khả năng để trả học phí cao hơn, nhưng họ lại không đủ khả năng cho con họ du học nước ngoài. Vì vậy, BUV tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng với mức mức chi phí hợp lý hơn. Nhờ đó, các gia đình sẽ có cơ hội tiết kiệm và chuẩn bị cho con tiến tới những cấp bậc cao hơn sau đại học.
Vậy các kế hoạch tiếp theo của ông tại Việt Nam là gì?
Đầu tiên, tại doanh nghiệp nơi tôi làm việc, BUV dự kiến có kế hoạch mở rộng các chương trình học vào năm 2025. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho sinh viên những chương trình học sáng tạo hơn, nằm trong những lĩnh vực cần cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai
Còn đối với BritCham, chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác với chính phủ để hỗ trợ, thúc đẩy mối quan hệ, gia tăng các cơ hội. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận với các doanh nghiệp về những thách thức cần đối mặt ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ chú trọng đến các lĩnh vực như năng lượng xanh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Vậy còn đối với bản thân ông, ông vẫn sẽ gắn bó với Việt Nam thêm nhiều năm nữa chứ?
Tôi luôn luôn hy vọng vậy. Tôi “ghét” Việt Nam vì đã cho tôi quá nhiều cơ hội để đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước, phát triển mối quan hệ hai quốc gia, hỗ trợ người trẻ vượt khó trong kinh doanh và thông qua giáo dục để mang đến thịnh vượng cho đất nước. Tôi vẫn còn nhiều nơi chưa đến, nhiều món ăn chưa thử. Vì thế, tôi sẽ thực hiện từng điều một khi còn có cơ hội.
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/chu-tich-britcham-tu-bo-ngoi-truong-top-10-the-gioi-den-viet-nam-xay-lai-tu-dau-tu-vung-dat-la-viet-nam-dang-vuon-minh-thanh-nguoi-choi-chinh-trong-thu-hut-fdi-toan-cau-53847.html