Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Vị quan chức duy nhất phản đối hạ lãi suất mạnh ở cuộc họp 18/9, lần đầu tiên bất đồng xảy ra sau 19 năm

Tại cuộc họp chính sách tuần này, Thống đốc Fed Michelle Bowman là quan chức ngân hàng trung ương đầu tiên phản đối quyết định được Chủ tịch Fed đưa ra. Bà là quan chức FED đầu tiên làm việc này kể từ năm 2005 tới nay. Bà vẫn ủng hộ việc hạ lãi suất ở mức thấp hơn.

Fed quyết định cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% vào ngày 18/9, thay vì mức giảm như thông thường là 0,25%. Đây cũng là lần nới lỏng chính sách đầu tiên trong 4 năm của Fed.

Trong khi đó, Bowman cho biết bà ủng hộ mức cắt giảm thấp hơn vì lo ngại rằng mức 50 điểm cơ bản “có thể được cho là tuyên bố chiến thắng sớm” trước lạm phát.

Bà Bowman được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Fed năm 2018. Bà từng là một nhân viên ngân hàng ở thị trấn nhỏ tại Kansas, sau đó trở thành uỷ viên ngân hàng của tiểu bang.

Hôm thứ Sáu, bà cho biết rằng tốc độ hạ lãi suất chậm hơn sẽ tránh việc thúc đẩy nhu cầu không cần thiết.

Thống đốc Fed Michelle Bowman.

Lạm phát hiện đang ở mức gần 2,5%, cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của Fed. Bowman cho biết bà không phản động thái hạ lãi suất nếu điều đó đảm bảo triển vọng lạm phát đang đi đúng hướng.

Thống đốc Fed nói: “Chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát. Tôi tin rằng việc di chuyển với tốc độ vừa phải, hướng tới lập trường chính sách trung lập hơn sẽ đảm bảo sự tiến triển hơn nữa trong lộ trình đưa lạm phát xuống 2%.”

Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập lãi suất, có 12 thành viên có quyền bỏ phiếu, gồm 7 Thống đốc Fed, Chủ tịch Fed New York và một nhóm luân phiên gồm 4 chủ tịch Fed khác. Vị trí thống đốc Fed được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm theo nhiệm kỳ xen kẽ.

Dù sự bất đồng quan điểm giữa các quan chức là điều phổ biến, song không có thống đốc nào có quan điểm trái chiều trong suốt 19 năm cho đến tuần này.

Hơn nữa, Chủ tịch Fed Jerome Powell chưa phải đối mặt với tình trạng bất đồng quan điểm về quyết định chính sách từ bất kỳ thành viên có quyền bỏ phiếu nào trong 17 cuộc họp gần đây nhất. Điều này cũng tương tự với thời điểm từ tháng 8/2003 đến tháng 8/2005 khi cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan điều hành ngân hàng trung ương.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo hôm 18/9.

Lần các thống đốc Fed bất đồng quan điểm gần đây nhất là vào tháng 9/2005. Khi đó, Mark Olson phản đối việc tăng lãi suất vì ông cho rằng ngân hàng trung ương nên theo dõi tác động kinh tế từ cơn bão Katrina.

Vì các thống đốc Fed chưa từng bất đồng quan điểm trong suốt 19 năm, nên chắc chắn đây sẽ là vấn đề lớn ở thời điểm này, theo Esther George, cựu Chủ tịch Fed Kansas City.

Tại một cuộc họp báo hồi tháng 7, ông Powell đã trấn an thị trường mức độ nhất trí trong thời gian gần đây trong nội bộ ngân hàng trung ương. Ông nói: “Những bất đồng quan điểm có xảy ra, nhưng điều đó sẽ ổn. Không một cá nhân nào có quyền bác bỏ. Vì thế, vấn đề chỉ là ai sẽ bỏ phiếu ủng hộ và phản đối.”

Sau quyết định được đưa ra hôm 18/9, ông Powell cho biết việc hạ lãi suất 50 điểm cơ bản được đa số các quan chức ủng hộ. Ông cũng trích dẫn các dự báo về lãi suất, cho thấy cả 19 nhà hoạch định chính sách tham gia cuộc họp của FOMC đều cho rằng lãi suất thấp hơn trong năm nay là phù hợp.

Thống đốc Fed Christopher Waller đã bày tỏ quan điểm ủng hộ với quyết định của Fed. Ông nói: “50 là con số phù hợp. Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát giảm và chúng tôi muốn duy trì tình hình như vậy.”

Trong khi đó, Bowman đã đưa ra nhiều bài phát biểu chi tiết về một loạt các ván đề chính sách nhưng không được các nhà phân tích về chính sách nhận định là người có ảnh hưởng đặc biệt đến việc định hình các quyết định về chính sách tiền tệ.

Tham khảo WSJ

Nguồn

Exit mobile version