Kinh Tế

Vì sao ‘vua điều’ 10 năm chưa đòi được 4 container hàng bị mất?

Gần 10 năm chưa lấy được tiền hàng

Công ty Long Sơn (TP.HCM), do ông Vũ Thái Sơn làm Chủ tịch HĐQT, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất về xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Theo nội dung vụ “tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực vận chuyển hàng hải” giữa Công ty CP Long Sơn và Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Con Thoi được TAND TP.HCM thụ lý, ngày 15.8.2015, Công ty Long Sơn ký hợp đồng số 25215LS-ZUD để bán hạt điều nhân cho khách hàng BEST NUTS tại Kazakhstan với số lượng tổng cộng 20 container, giá tiền 126.000 USD/cont. Hợp đồng được thực hiện từ tháng 9.2015, mỗi tháng xuất 4 container theo điều kiện giao hàng FOB (tức Công ty Long Sơn sẽ giao hàng cho khách tại cảng TP.HCM và khách hàng chịu trách nhiệm trả tiền cước vận chuyển từ TP. HCM tới cảng đến).

Công ty Long Sơn xuất khẩu 4 container hạt điều sang Kazashtan đến nay vẫn chưa lấy được tiền

Về phương thức thanh toán, khách hàng ứng trước 5% giá trị hợp đồng; 95% giá trị hàng còn lại sẽ được khách hàng thanh toán trong vòng 7 ngày, kể từ ngày nhận được bản scan hoặc fax bộ chứng từ xuất hàng đầy đủ, hợp lệ (bao gồm vận đơn, hóa đơn thương mại, chi tiết đóng gói…). Sau khi nhận được 95% tiền còn lại thì Công ty Long Sơn mới gửi bản gốc bộ chứng từ đầy đủ (trong đó có vận đơn) bằng đường chuyển phát nhanh cho BEST NUTS để khách hàng làm thủ tục nhận hàng tại cảng đến.

Ngày 31.8.2015, Công ty Long Sơn nhận được email xác nhận của ông Farrukh, đại diện Công ty BEST NUTS, xác nhận rằng Trans – China Logistics Co., LTD, Qingdao Brand là công ty vận tải sẽ sắp xếp hàng hóa cho BEST NUTS và đề nghị Công ty Long Sơn liên hệ. Tiếp đó, ngày 1.9.2015, bà Lydia, đại diện Trans – China Logistic đã email đề nghị Công ty Long Sơn liên hệ với đại lý giao nhận tại Việt Nam là Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Con Thoi (sau đây gọi là Công ty Con Thoi) để thực hiện việc giao hàng. Đơn vị này được xác định là đại lý vận chuyển nhận hàng của Công ty Long Sơn, sẽ thay mặt Công ty Long Sơn tiếp tục làm việc với hãng tàu vận chuyển về các thủ tục cần thiết để vận chuyển hàng hóa của Công ty Long Sơn tới cảng đến cuối cùng.

Thực hiện hợp đồng đã ký với BEST NUTS, Công ty Long Sơn đã xuất hàng qua đại lý là Công ty Con Thoi. Cụ thể, ngày 11.9.2015, Công ty Long Sơn xuất 2 container hàng đầu tiên với giá trị lô hàng 239.400 USD. Xuất hàng xong, Công ty Long Sơn đã gửi bản copy bộ chứng từ đầy đủ cho BEST NUTS bằng email để họ thanh toán tiền. Ngày 6.10.2015 Công ty Long Sơn đã nhận được 239.400 USD của BEST NUTS, sau đó gửi chứng từ gốc cho người mua, đúng theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đến các lô hàng tiếp theo thì xảy ra sự cố. Người mua là Công ty BEST NUTS đã nhận được 4 container nhưng không thanh toán tiền. Công ty Long Sơn cho rằng khi giao hàng thì Công ty Con Thoi bắt buộc phải yêu cầu người nhận hàng xuất trình vận đơn gốc để xác thực, sau đó mới được nhận hàng theo quy định. Tuy nhiên, phía Con Thoi đã không tuân thủ cam kết trên và đã giao hàng trái quy định của pháp luật, vì vậy phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại của lô hàng là 7,1 tỉ đồng, cộng với lãi suất suốt thời gian qua là 5,3 tỉ đồng.

Về phía Con Thoi, công ty này khẳng định chỉ là đại lý, đơn vị trung gian thực hiện các công việc tại Việt Nam và được hưởng phí dịch vụ vận chuyển 30 USD/cont theo hợp đồng đại lý với Trans China Logistics. Với vai trò là đại lý chỉ định nên Công ty Con Thoi chỉ thực hiện việc liên hệ hãng tàu vận chuyển Cosco, cũng như nơi chỉ định liên hệ container rỗng để phía Công ty Long Sơn thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa và phát hành vận đơn vận tải liên hợp theo yêu cầu bên bán (Công ty Long Sơn). Công ty Con Thoi không thể biết về nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa thỏa thuận thanh toán, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán… và phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc thực hiện hợp đồng này, bao gồm việc thanh toán tiền mua bán hàng hóa giữa người bán hàng là Công ty Long Sơn và người mua BEST NUTS.

Doanh nghiệp mất tiền, mất hàng nhưng không ai chịu trách nhiệm?

Vì sao 'vua điều' 10 năm chưa đòi được 4 container hàng bị mất?- Ảnh 2.

Công ty Long Sơn bức xúc vì đơn vị vận chuyển là Công ty Con Thoi đã phát hành vận đơn, có trách nhiệm giao hàng khi khách hàng xuất trình chứng từ gốc, nhưng khi làm sai thì không chịu trách nhiệm bồi thường

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp trên vào ngày 19.9.2023, đại diện Công ty Long Sơn tiếp tục khẳng định vận đơn của Công ty Con Thoi là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa 2 doanh nghiệp. Cũng theo luật Hàng hải thì vận đơn chứng minh quyền sở hữu của lô hàng, tức là chỉ người có vận đơn trong tay thì mới có quyền định đoạt lô hàng hoặc được nhận hàng. Trên vận đơn mà Công ty Con Thoi phát hành cho Long Sơn cũng ghi rõ: “Chỉ khi nào khách hàng xuất trình vận đơn gốc thì mới được giao hàng”. Sau khi có vận đơn của Công ty Con Thoi phát hành thì Công ty Long Sơn đã scan để gửi cho Best Nuts yêu cầu thanh toán hết tiền hàng thì Công ty Long Sơn mới gửi chuyển phát nhanh bộ vận đơn gốc cho họ để nhận hàng (theo đúng quy định của hợp đồng).

Trong khi đó, Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm nhận định: Công ty Con Thoi chỉ là đại lý của nhà vận chuyển của người mua, chỉ làm việc theo chỉ định của đơn vị vận chuyển khác; Công ty Long Sơn và Công ty Con Thoi không ký hợp đồng vận chuyển; Công ty Long Sơn không thanh toán tiền cước vận chuyển cho Con Thoi. Từ đó, Hội đồng xét xử kết luận Công ty Con Thoi không phải là nhà vận chuyển hàng hóa của Công ty Long Sơn. Từ lập luận trên, Tòa án TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của Công ty Long Sơn.

Cho đến nay, Công ty Long Sơn không đồng ý với phán quyết trên và tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm, kéo dài vụ tranh chấp gần 10 năm vẫn chưa ngã ngũ. Đại diện Công ty Long Sơn nêu các vấn đề chưa được làm rõ: “Điểm 1, điều 86, luật Hàng hải 2005 quy định: “Theo yêu cầu của người giao hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn”, nhưng Hội đồng xét xử lại không làm rõ Công ty Con Thoi phát hành vận đơn dựa trên cơ sở pháp lý nào? Nếu Công ty Con Thoi không phải nhà vận chuyển thì sao lại nhận hàng và phát hành vận đơn? 

Trên vận đơn đã ghi rõ “Chỉ khi nào khách hàng xuất trình vận đơn gốc thì mới được giao hàng” nhưng họ vẫn cố tình giao, như vậy tại sao lại không chịu trách nhiệm? Việc tòa nhận định Công ty Con Thoi không ký hợp đồng vận chuyển với Long Sơn cũng không đúng, vì theo điểm 2, điều 73, luật Hàng hải 2005 nói rõ “vận đơn là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa”. Long Sơn không thanh toán phí vận chuyển cho Công ty Con Thoi là nhận định mâu thuẫn hoàn toàn với thực tế vì phương thức hợp đồng là bán giá FOB, tức người mua phải chịu phí vận chuyển”.

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Công ty Long Sơn, bức xúc.”Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều xuất khẩu theo hình thức giá FOB. Về mặt thương mại quốc tế thì bán giá FOB tức là người bán giao hàng lên boong tàu và người mua sẽ chịu cước tàu và toàn bộ chi phí còn lại cho đến khi nhận hàng. Doanh nghiệp Việt Nam khi giao hàng tại cảng đi thì cũng sẽ thông qua một đại lý vận chuyển tại Việt Nam là đối tác của đại lý vận chuyển của người mua. Đại lý này sẽ phát hành bộ vận đơn cho người bán theo quy định và người mua bắt buộc phải xuất trình vận đơn gốc để được nhận hàng (sau khi một vận đơn gốc được xuất trình thì các vận đơn gốc còn lại không còn giá trị để nhận hàng). Phán quyết của Tòa án TP.HCM như trên có thể dẫn tới những rủi ro lớn với các lô hàng xuất khẩu bán giá FOB đối với các doanh nghiệp Việt Nam mà ước tính có thể lên đến vài trăm tỉ USD mỗi năm, tạo ra kẽ hở lớn để đại lý nhà vận chuyển làm ăn không đàng hoàng có thể lợi dụng, câu kết, thông đồng với các đối tác nước ngoài, người mua để chiếm đoạt hàng hóa, gây thiệt hại rất lớn cho người xuất khẩu nhưng lại không chịu trách nhiệm bồi thường”.

Nguồn