Viện Nhà ở và Phát triển Đô thị được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2016, tiền thân là Viện Nhà ở và Công trình công cộng. Trải qua gần 1 thập kỷ hoạt động và phát triển, với khối lượng công việc phủ rộng khắp mọi miền Tổ quốc, Viện đã có những bước phát triển mạnh mẽ đóng góp vào sự phát triển của Viện Kiến trúc Quốc gia nói riêng và Ngành Xây dựng nói chung. Viện Nhà ở và Phát triển đô thị đã triển khai nghiên cứu toàn diện các lĩnh vực Kiến trúc, Nhà ở và Phát triển đô thị theo chức năng nhiệm vụ được giao với các đề tài tiêu biểu như: thiết kế nhà ở nông thôn; hệ thống công trình các bậc học giáo dục phổ thông và trường mầm non phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu phát triển xã hội; giải pháp thiết kế, xây dựng hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn cho nhà ở và công trình công cộng đô thị trước nguy cơ sạt lở; xây dựng bộ tiêu chí, hướng dẫn đánh giá, công nhận dự án khu đô thị xanh; nghiên cứu mô hình nhà ở nông thôn phòng tránh ảnh hưởng của nguy cơ sạt lở tại khu vực ven biển và ven sông vùng Đông và Tây Nam Bộ; sổ tay hướng dẫn thiết kế nhà ở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía Bắc bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở; đề xuất quy định nội dung hình thức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài trong việc ban hành quy tắc ứng xử và phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư.
Các đề tài, dự án nghiên cứu bám sát các vấn đề thực tiễn, đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý, các địa phương và các nhà nghiên cứu, giảng dạy.
Viện là một trong số ít các đơn vị trên cả nước đã triển khai thực hiện toàn diện trong công tác tư vấn cho các địa phương về lĩnh vực lập Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị… Một số đồ án tiêu biểu: đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Lai Châu và vùng phụ cận đến năm 2035; đồ án Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận (Lâm Đồng); Quy hoạch chung đô thị Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khảo sát, lập đồ án quy hoạch phân khu, tỷ lệ 1/2000, khu công nghiệp Mường So (Phong Thổ, Lai Châu).
Tư vấn và lập Quy chế quản lý kiến trúc tại địa bàn: TP Lai Châu; TP Quảng Ngãi; TP Hưng Yên; đô thị TP Tuyên Quang; đô thị thị xã Hương Thủy và đô thị huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
Đặc biệt, lĩnh vực Phát triển đô thị là một trong những thế mạnh hàng đầu của Viện Nhà ở và Phát triển đô thị. Lập Chương trình Phát triển đô thị các tỉnh như: Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn…
Hồ sơ khu vực phát triển đô thị, Báo cáo rà soát chất lượng hạ tầng đô thị, Đề án phân loại đô thị và Đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị tại các địa bàn như: TP Thanh Hóa, TP Vinh, TP Thái Bình, TP Sầm Sơn…
Viện đã và đang đóng góp không nhỏ trong việc tham mưu cho các địa phương như: thành lập TP Thủ Đức; thành lập TP Gò Công; thành lập thị xã Phong Điền (Thừa Thiên Huế); công nhận Thành phố Phủ Lý (Hà Nam) là đô thị loại II; đề án đề nghị công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II; phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương…
Các thành tích đạt được trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của tập thể cán bộ, nhân viên của Viện Nhà ở và Phát triển đô thị cùng sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo của Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng và các địa phương.
Các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Viện Nhà ở và Phát triển đô thị trong thời gian tới bao gồm: đẩy mạnh công tác phát triển nhân sự, thu hút thêm nhiều chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm; tập trung nghiên cứu phát triển nhà ở xã hội; quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị; lập quy chế quản lý kiến trúc cho các địa phương; nghiên cứu chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị…
TS.KTS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Viện Nhà ở và Phát triển Đô thị chia sẻ: “Trải qua gần 01 thập kỷ hoạt động và phát triển, với khối lượng công việc phủ rộng khắp mọi miền Tổ quốc, Viện Nhà ở và Phát triển Đô thị đã triển khai toàn diện trên các lĩnh vực Nhà ở, Phát triển đô thị, Kiến trúc, Quy hoạch đóng góp vào sự phát triển của Viện Kiến trúc Quốc gia nói riêng và Ngành Xây dựng nói chung”./.
TS.KTS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Viện Nhà ở và Phát triển Đô thị