Viettel, thương hiệu viễn thông dẫn đầu 8 năm liên tiếp, nổi bật với đầu tư công nghệ và trách nhiệm xã hội. |
Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, trải qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số hiệu quả nhất định.
Cụ thể, thứ nhất, nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng DN và xã hội đã được nâng cao rõ rệt.
Điều này thể hiện qua số lượng DN quan tâm đến Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của chương trình tăng đều qua các năm. Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng hơn 6 lần so với năm 2008 (năm đầu tiên tổ chức việc xét chọn DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam).
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều DN Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của DN. Kết quả, trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.
Thứ hai, nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là DN Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index – BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA – mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Điều này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.
Thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD. Bước đầu đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.
Thứ ba, giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Theo Brand Finance (tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh), Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 – 2023 là 102%. Đến năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023 dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
“Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và DN. Đồng thời, là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng DN Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu.” – ông Hoàng Minh Chiến khẳng định.
Đổi mới sáng tạo – Con đường tất yếu để phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). |
Chia sẻ tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025 diễn ra vào sáng ngày 16/4/2025, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có định hướng, chiến lược và cách tiếp cận trong công cuộc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia riêng, tuy nhiên lại có chung một điểm cùng hướng tới là có sự khác biệt và tính sáng tạo của riêng mình.
Tại Việt Nam, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia.
Sau 22 năm, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã tìm kiếm, hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm trở thành các sản phẩm mạnh, uy tín và chất lượng, quảng bá ra thế giới và toàn cầu, từ đó nâng cao hình ảnh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được triển khai với 3 trụ cột chính: Chất lượng, Đổi mới sáng tạo và Năng lực tiên phong. Trong đó, đổi mới sáng tạo là một trong 3 trụ cột chính, là yếu tố then chốt để tạo dựng nên thương hiệu mạnh và khác biệt trên thị trường toàn cầu.
Doanh nghiệp muốn tiên phong trên thị trường thì tất yếu phải dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp muốn duy trì chất lượng vượt trội cũng cần liên tục đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm để nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Ông Chiến nêu, đối với thương hiệu quốc gia, top 10 quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất đều là các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, có nhiều sáng kiến về đổi mới sáng tạo.
Có thể thấy, khoa học công nghệ là động lực quan trọng, là yếu tố có tác động lớn đến các thương hiệu sản xuất kinh doanh, quyết định năng suất lao động và sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Còn đối với doanh nghiệp, ông Chiến nêu ví dụ điển hình như, khi nhắc đến Apple, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các sản phẩm đột phá về trải nghiệm và công nghệ khác biệt; Microsoft, Google hay Facebook là sự đột phá về công nghệ thông tin trong từng sản phẩm;…
Nhìn vào những thương hiệu mạnh này có thể thấy một điểm chung rằng, những thương hiệu này không chỉ mạnh về quy mô kinh tế, tài nguyên dồi dào mà còn tập trung ở những sản phẩm có tính đột phá, đổi mới sáng tạo và luôn đưa ra những sản phẩm mới, giá trị mới để tạo dấu ấn riêng trên thị trường sản phẩm.
“Với Việt Nam, đây cũng là con đường tất yếu. Chúng ta muốn xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mạnh và thương hiệu quốc gia mạnh thì phải dựa vào đổi mới sáng tạo để làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm mang bản sắc riêng của Việt Nam”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu Việt Nam thông qua các sản phẩm thương hiệu mạnh trong nền kinh tế, qua đó, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên thị trường trong nước và quốc tế. Với ý nghĩa đó, ngày 20/4 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Thương hiệu Việt Nam. Với chủ đề Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. |