Việt Nam sẽ có 10 tỉ phú USD và 2 triệu doanh nghiệp
Nghị quyết số 66/NQ-CP được Chính phủ ban hành cách đây 3 ngày (ngày 9.5) nhằm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ mới. Theo đó, chương trình đặt ra từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (DN), trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân VN lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn. Số lượng DN được xếp vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm…
Năm 2022, số lượng tỉ phú USD của VN được Tạp chí Forbes (Mỹ) ghi nhận là 7 người. Năm 2024 giảm xuống còn 6 tỉ phú USD gồm ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group; và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group).
Mặc dù số doanh nhân VN vẫn còn khá khiêm tốn trong danh sách tỉ phú USD thế giới nhưng đã là một kết quả tích cực sau nhiều thập niên phát triển kinh tế. Song song đó là hàng loạt DN Việt, thương hiệu Việt cũng đã được biết đến nhiều hơn trên thị trường quốc tế. Có thể kể đến như Tập đoàn Vingroup đã được truyền thông quốc tế nhắc đến sau khi lập hãng xe điện thương hiệu Việt VinFast và nhanh chóng đưa xe điện VN sang Mỹ, châu Âu, châu Á cũng như niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Tập đoàn FPT cũng đã gia nhập nhóm DN dịch vụ công nghệ thông tin tỉ USD, khẳng định năng lực triển khai các dự án quy mô cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu. Hay Tập đoàn Hòa Phát hiện là DN Việt duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC) và trở thành DN sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á…
Ước tính cả nước đang có khoảng 920.000 DN đang hoạt động. Ngoài ra còn có khoảng 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đề ra đạt 2 triệu DN vào năm 2030 khá thách thức nhưng cũng có thể đạt được nếu Chính phủ có các giải pháp cụ thể, tạo môi trường kinh doanh đầu tư tốt nhất để DN mạnh dạn phát triển.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN), nhận định: Nghị quyết số 41-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành vào ngày Doanh nhân VN 10.10.2023 đã nêu rõ mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước… Điều đó có nghĩa là vai trò của doanh nhân, DN tư nhân đã ngày càng được nhìn nhận quan trọng và đây là cơ sở để đưa kinh tế VN phát triển mạnh hơn. Quan trọng nhất sẽ là vấn đề thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu đề ra.
Một báo cáo về các thành phố giàu có nhất năm 2024 của nhà tư vấn đầu tư di cư Henley & Partners (London, Anh) mới đây cho thấy tại Đông Nam Á, chỉ có 2 thành phố được nhắc đến, đó là TP.HCM của VN và Singapore. Báo cáo lưu ý rằng sự gia tăng dân số giàu có của TP.HCM có thể là do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thành phố trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ, dịch vụ tài chính, điện tử, du lịch và dệt may. Phát hiện của Henley & Partners phù hợp với dự báo của New World Wealth trước đó rằng tài sản của VN sẽ tăng 125% trong thập kỷ tới. Đây sẽ là mức tăng trưởng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Cụ thể, báo cáo thống kê, VN có 19.400 triệu phú với mức tài sản hơn 1 triệu USD và 58 đại gia có tổng tài sản hơn 100 triệu USD. Đây được coi là một quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính điều này tạo thêm động lực cho các DN để thiết lập các hoạt động sản xuất tốt hơn. Bên cạnh đó, chi phí lao động thấp, chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng và xuất khẩu tốt đã biến VN thành những điểm đến hàng đầu cho đầu tư quốc tế. Đó chính là điểm mạnh thúc đẩy giúp VN ngày càng có nhiều người giàu có hơn, số tỉ phú, triệu phú đều tăng theo đó.
Sản xuất thép HRC tại Hòa Phát
Những con số trên cũng khá tương đồng với Báo cáo thịnh vượng do công ty tư vấn Knight Frank phát hành. Theo đó, số người siêu giàu ở VN, là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên, được ước tính khoảng 752 vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm trước đó. Mức tăng này thấp hơn các nước láng giềng như Malaysia (4,3%), Indonesia (4,2%) và Singapore (4%), nhưng lại cao gấp 3 lần Thái Lan với chỉ 0,8%. Dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu VN sẽ đạt 978, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong top 5 châu Á – Thái Bình Dương.
Nhà khoa học, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng Nghị quyết 66 của Chính phủ với các mục tiêu, giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị càng thêm khẳng định hướng phát triển kinh tế VN lấy trọng tâm là DN tư nhân. Nhưng từ nghị quyết đến thực tế thì cần phải có thêm nhiều chính sách rất cụ thể, rõ ràng. Trong đó, phải có chính sách khuyến khích đào tạo, tự đào tạo cho đội ngũ doanh nhân. Chỉ có những con người có đủ trình độ, tầm hiểu biết thì mới đủ khả năng để điều hành và đưa DN vươn lên ngày càng lớn mạnh, có thể cạnh tranh ngay tại VN hay ra khu vực.
“Dù thực tế một số doanh nhân có thể không học đại học vẫn thành công, điều hành DN tốt nhưng số này không nhiều. Bản thân doanh nhân vẫn phải tự trang bị kiến thức và cần có sự khuyến khích các chương trình đào tạo chuyên sâu”, GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Theo GS Võ Tòng Xuân, hầu hết các tập đoàn lớn nhất hiện nay trên toàn cầu đều xuất thân từ những công ty gia đình. Vì vậy, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất ở VN cũng có thể là những hạt giống. Nếu có môi trường kinh doanh tốt, doanh nhân tự tin, thúc đẩy sáng tạo và phát triển các cơ sở sẽ lớn mạnh và cũng trở thành một tập đoàn lớn. Do vậy, GS Xuân nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ, hộ gia đình hầu như đã có; nhưng khi đi vào thực hiện ở các địa phương lại không được suôn sẻ. Ví dụ câu chuyện tiếp cận vốn thì hộ gia đình, DN nhỏ và vừa vẫn còn rất khó khăn. Hay các chính sách khuyến khích khởi nghiệp cũng đã đưa ra nhưng thực hiện còn chậm, nhiều chủ trương chưa cụ thể. Chính phủ phải quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh để mọi thành phần kinh tế được đối xử công bằng. Từ đó mới thúc đẩy lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo đa dạng của mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nhân. Một nền kinh tế lớn mạnh là phải có càng nhiều tập đoàn lớn và các doanh nhân giỏi.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Võ Đại Lược, các chính sách, mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy sự hình thành của đội ngũ doanh nhân là quan trọng, thể hiện quan điểm của VN trong bối cảnh mới. Hiện khối DN nhà nước vẫn chiếm khoảng 28% GDP, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 18% GDP, DN tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% GDP và phần còn lại là kinh tế cá thể, hộ gia đình. Thực tế vẫn còn có nhiều chính sách “phân biệt đối xử” giữa các thành phần kinh tế nói trên. Hay nói cách khác, DN nhà nước được ưu tiên, DN FDI có nhiều chính sách ưu đãi, trong khi DN tư nhân hầu như rất ít được hưởng các chính sách tương tự.
Trong khi đó, ở các nước phát triển thì tất cả thành phần kinh tế đều như nhau, áp dụng chung một chính sách và DN nhà nước chiếm tỷ trọng rất thấp. Nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc từ hàng trăm năm qua là nhà nước không kinh doanh. Những DN nhà nước ra đời chỉ để thực hiện một số lĩnh vực mà tư nhân không làm.
PGS-TS Võ Đại Lược nhấn mạnh: Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tự lực tự cường, có nhiều tập đoàn DN lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh thế giới, thì VN phải xem xét bãi bỏ các chính sách chỉ ưu tiên, ưu đãi riêng cho những DN nhà nước hay DN FDI. Nếu còn nơi nào, chính sách nào cho rằng kinh tế nhà nước là chủ đạo thì điều này đang làm hạn chế khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ có tạo ra được môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch mới giúp các doanh nhân, DN tư nhân phát huy được tính làm chủ, sáng tạo để lớn mạnh hơn. Để làm được việc này thì đẩy nhanh việc cổ phần hóa các DN nhà nước. Quan trọng hơn, trong đó phải thoái vốn nhà nước xuống dưới 49% để thật sự chuyển giao việc quản lý cho những đơn vị tư nhân. Cần ưu tiên chuyển giao, bán cổ phần cho DN trong nước để tiếp tục tạo ra những tập đoàn kinh tế lớn. Từ việc phát triển được khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh thì đi kèm sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nhân lớn, có tài sản nhiều tỉ USD như các nước khác.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM), đánh giá: Các mục tiêu, kế hoạch đầy tham vọng đã được đặt ra rất nhiều trước đây, trong đó có cả mục tiêu VN phải tăng số lượng tỉ phú USD hay DN có tầm ảnh hưởng. Gần đây nhất là Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Bây giờ là Nghị quyết 66 triển khai Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Chính trị đặt trọng tâm phát triển đất nước vào vai trò của đội ngũ doanh nhân để giải quyết vấn đề.
“Điều này rất tham vọng, nhưng rất cần thiết bởi có tham vọng mới có sự nỗ lực. Chúng ta không thiếu giải pháp, nhưng đưa được giải pháp vào cuộc sống, triển khai thực tế để hiện thực hóa nghị quyết là vấn đề của địa phương, bộ, ngành. Thế nên, nghị quyết đã có rồi, giải pháp không thiếu, thậm chí rất chi tiết. Điều chúng ta cần là những địa phương, cơ quan dám nghĩ, dám làm. Cần có sự chuyển biến trong cách tiếp cận chính sách, định hướng rõ ràng vì một điều lớn lao hơn, quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc… thì không có gì khó để VN có đội ngũ doanh nhân có tầm ảnh hưởng ra bên ngoài. Trong mấy năm qua, tuy có quá nhiều khó khăn, chững lại của cải cách, nhưng những DN lớn, có tầm ảnh hưởng trong nước, đã đi ra nước ngoài, ghi danh VN trên thị trường quốc tế… là điều đáng trân trọng”, bà Thảo nhấn mạnh.
Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể như về số lượng DN, doanh nhân tỉ phú USD, Nghị quyết 66 của Chính phủ cũng “phân việc” cụ thể cho từng bộ, ngành tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay. Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hoàn thiện đề án kinh tế tuần hoàn…
Sang năm 2025, Bộ KH-ĐT cần có đánh giá và sớm có giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống. Bộ Công thương chủ trì khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, tín dụng cho các DN công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp. Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất phương án nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa trong thời gian tới…