Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Xây dựng đô thị di sản Hoa Lư – Nhìn từ mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO

(KTVN 251) – Di sản – trở thành một thương hiệu, định vị định danh và tôn vinh cao cấp nhất đối với đô thị hay một nơi chốn. Với các thành phố ở Việt Nam, nơi mà quỹ di sản, di tích dày đặc, trải dài, trải rộng trong không gian và đậm đặc tính lịch sử của thời gian thì có được tôn vinh là đô thị di sản. Vậy, để định danh được nó, cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể. Và trên thực tế các thành phố còn “lúng túng” khi xác định các tiêu chí này dễ tạo nên những mâu thuẫn trong cách ứng xử với chính di sản của minh.

TỪ DI SẢN ĐÔ THỊ ĐẾN ĐÔ THỊ DI SẢN

Khái niệm “Di sản đô thị – Urban Heritage” lần đầu tiên được đề cập bởi KTS người Ý Gustato Giovannoni (từ những năm 1930) nhằm thay đổi cách tiếp cận bảo tồn di sản trong đô thị. Thay vì xem xét công trình kiến trúc lịch sử có giá trị riêng biệt sang đánh giá nó trong mối quan hệ với khung cảnh, các cấu trúc và không gian cấu thành của đô thị (không gian cảnh quan, cấu trúc đô thị, không gian văn hóa – kinh tế – xã hội) nhằm mục đích tránh kết quả bảo tồn trở thành “bảo tàng hóa”. Từ đó di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại. Trong nhiều trường hợp khái niệm “Di sản đô thị” được dùng để nói đến các di sản kiến trúc đô thị. Đến nay, khái niệm về di sản đô thị đã được phát triển rộng hơn đề cập đến các di sản vật thể hoặc phi vật thể bao gồm sản phẩm nhân tạo hoặc thể nguyên thiên nhiên, miễn là chúng nằm trong bối cảnh đô thị.

Việc làm rõ khái niệm này nhằm tránh sự hiểu nhầm giữa “Đô thị di sản” và “Di sản đô thị” thường gặp trong một số trường hợp như hiện nay. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò tác động của các yếu tố phát triển đô thị lên di sản cũng như các giá trị của di sản mang lại cho đô thị. Như vậy, có thể hiểu “Di sản đô thị/Di sản trong đô thị” là một trong những loại hình di sản văn hóa nằm trong đô thị và được hình thành trong quá trình phát triển đô thị. Đây cũng là vấn đề đô thị Ninh Bình cần quan tâm trong việc xây dựng các tiêu chí và định hướng phát triển trong tương lai.

Đô thị di sản – Phạm vi của thuật ngữ di sản hiện nay đã được thống nhất trên quy mô quốc tế bao gồm cả di sản “hữu hình (vật thể)” và “vô hình (phi vật thể)” cũng như “môi trường”, tuy nhiên, thuật ngữ về “di sản” vẫn chưa được định hình hợp lý hoặc chưa được tiêu chuẩn hóa và do đó, không có sự đồng bộ giữa các quốc gia. Một đô thị di sản, cũng sẽ được hiểu là những dấu ấn vật thể, phi vật thể xuyên suốt chiều dài lịch sử của đô thị và chứa đựng yếu tố nhân văn của nơi đó. Cũng rất gần với khái niệm đô thị di sản là thuật ngữ “đô thị lịch sử” (historic city), “khu định cư lịch sử” (historical settlement) hay “định cư truyền thống” (traditonal settlement) – là những khu định cư con người hiện hữu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cấu trúc vật chất có nguồn gốc từ quá khứ và được công nhận là đại diện cho sự tiến hóa của con người, trong đó, bên cạnh các yếu tố nhân tạo như công trình kiến trúc, không gian đường phố, quảng trường… còn bao gồm cảnh quan thiên nhiên và con người với phong tục, tập quán… của họ. Và như thế có thể nhìn nhận đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn mình đô thị.

Một đối tượng được coi là di sản khi có các thuộc tính: tính truyền thống, vì di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng: sự hiện diện của di sản là thông điệp của cộng đồng gửi đến cho thế hệ sau; di sản còn là biểu tượng của một thành phố; tính khoa học, vì di sản được thừa nhận thường có giá trị lớn về mặt lịch sử hoặc nghệ thuật, và tỉnh kinh tế: di sản còn gắn với giá trị kinh tế và khi mất đi, nó có thể gây nên tổn thất cho các nghề truyền thống, dịch vụ du lịch và văn hóa nghệ thuật… của cộng đồng.

Như vậy, có thể nhận biết, di sản văn hóa đô thị bao gồm các di tích khảo cổ học; hình thái và cấu trúc đô thị (gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn như các công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị); các công trình tiêu biểu cho lịch sử phát triển của đô thị; các loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội, lối sống, ngôn ngữ, ẩm thực, địa danh, ký ức thị dân…

Từ những dẫn dắt trên, có thể hiểu khái niệm di sản đô thị là di sản lịch sử và văn hóa được xây dựng trong thành phố, tức là, các khối lịch sử, môi trường lịch sử và các công trình lịch sử mang đặc điểm truyền thống và địa phương có thể phản ánh giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật của một thành phố. Nó là một phần quan trọng của cơ cấu đô thị và thường là khu vực năng động và sôi động nhất của thành phố.

Thành phố di sản – đô thị di sản được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.

Thủ đô Bắc Kinh – Đô thị di sản của Trung Quốc

Mục tiêu thiên niên kỷ cho các thành phố di sản – gắn kết quá khứ hướng tới tương lai

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, còn gọi là Mục tiêu Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDGs) gồm 8 mục tiêu, 21 tiêu chí được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỳ năm 2000.

Mục tiêu 7. Đảm bảo sự bền vững của môi trường: Tích hợp nguyên tắc phát triển bền vững trong các chính sách và chương trình quốc gia; giảm thiểu tổn thất về môi trường

Giáo dục phát triển bền vững (ESD) là chìa khóa cho các vấn đề quan trọng như xóa đói giảm nghèo, sinh kế bền vững, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, trách nhiệm xã hội và bảo vệ nền văn hóa bản địa.

Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành ngày 04/6/2019. Gần đây nhất là Nghị quyết Về phát triển bền vững (Nghị quyết số 136/NQ-CP), được ban hành ngày 25/9/2020.

Mục tiêu 11. Sustainable cities and communities – Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam. Có thể nói, mục tiêu của LHQ không đề cập đến vấn đề văn hóa hay di sản, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào phát triển đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị, nông thôn và môi trường cũng là sự đề cao giá trị của nơi cư trú, tính nhân văn và con người…

UNESCO đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ghi danh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vào các danh mục di sản của UNESCO, đồng thời hỗ trợ về mặt chuyên môn trong nhiều lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, UNESCO cam kết phát triển các chính sách công hiệu quả và bền vững hơn; cũng như đảm bảo rằng sức mạnh chuyển đổi của văn hoá trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, tiếp tục được duy trì cùng với sự phát triển của các Chỉ số chuyên đề về Văn hóa trong Chương trình nghị sự 2030.

Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa, để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa-sáng tạo, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc là vấn đề cần giải quyết.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III – “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” được tổ chức ngày 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, nêu rõ mục tiêu và nhiệm vụ phải chấn hưng văn hóa, để “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Và gần như cùng thời điểm trên, Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành cũng khẳng định vai trò cùng sự đóng góp to lớn của văn hóa cho sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt, bên cạnh các mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa còn đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đạt khoảng 7% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 hiện đang được các địa phương đồng loạt triển khai gắn liền với công cuộc chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, đó là một hướng đi phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới…

KINH NGHIỆM VỀ THIẾT LẬP TIÊU CHÍ VÀ PHÂN LOẠI THÀNH PHỐ DI SẢN TRÊN THẾ GIỚI

Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO đã công nhận một số lượng đồ sộ các đô thị di sản trên khắp thế giới như châu Âu là 21 đô thị, châu Á là 20 đô thị, châu Phi là 09 đô thị và châu Mỹ là 02 đô thị với các loại nền văn hóa khác nhau. Mỗi châu lục đều có nguồn cội văn hóa khác nhau với những cơ tầng văn hóa vô cùng phức tạp và để lại một hệ thống đô thị di sản vô cùng phong phủ và đậm chất văn hóa bản địa.

Trung Quốc: Xác định các tiêu chỉ để phân loại đặc điểm các thành phố di sản để có chính sách bảo vệ

Tính đến ngày 2/5/2018, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công nhận 135 thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia và có những chính sách bảo vệ đặc biệt đối với các di sản văn hóa của những thành phố này. Một số các thành phố tiêu biểu nằm trong danh sách như: Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Lạc Dương, Quế Lâm, Thành Đô, Côn Minh, Thượng Hải, Lệ Giang, Vô Tích…

Luật bảo vệ di tích văn hóa và Luật quy hoạch đô thị và nông thôn Trung Quốc đã thiết lập các hệ thống bảo vệ cho các thành phố, thị trấn và làng văn hóa… được Hội đồng Nhà nước quy định rõ ràng. Vào ngày 1/10/2005, “Hướng dẫn bảo vệ và quy hoạch các thành phố lịch sử và văn hóa” đã chính thức xác lập các nguyên tắc, biện pháp, nội dung và ưu tiên bảo vệ đối với thành phố lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Thành phố cổ của Quito (Ecuador)

Quito: Phân vùng bảo tồn và kết nối các vùng lân cận tạo động lực phát triển cho tương lai

Được xây dựng trên đống tro tàn đổ nát của thành phố Inca cổ xưa từ năm 1534, Quito là thành phố đầu tiên trên thế giới được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa vào năm 1978.

Quito được chia thành 3 vùng rõ rệt: phố cổ nằm giữa trung tâm, kẹp trên dưới là các quận phía nam và phía bắc. Vùng tập trung khách du lịch nhiều nhất quy tụ ở phía bắc. Thành phố cổ của Quito được xem là lớn nhất châu Mỹ. Nơi đây đã trải qua thời kỳ phục hưng và tái thiết toàn diện trong suốt những thập niên qua, nhờ nguồn vốn tài trợ chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB). Thủ đô Quito của Ecuador ngày nay mang gương mặt mới của một thành phố hiện đại nhưng vẫn còn đó những nét hoài cổ được gìn giữ cho thế hệ mai sau. Quito tự hào với nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa bản địa, bao gồm không dưới 40 nhà thờ và tu viện, 17 quảng trường và các viện bảo tàng khác nhau. Quito được ví như “thánh tích của cả châu Mỹ” với kho tàng di sản đậm đặc và độc đáo.

“Thủ đô” di sản – Một nước Nga di sản

Saint Petersburg được ví như một trong những đại đô thị sở hữu nhiều di sản với mật độ dày đặc, đứng số 1 thế giới. Các Sa Hoàng trị vì nước Nga thuộc nhà Romanov kéo dài từ đầu thế kỷ 18 đến khi kết thúc chế độ phong kiến tập quyền và cuộc cách mạng Tháng Mười nổ ra vào đầu thế kỷ 20. Với chừng ấy thời gian, các Sa hoàng đã kịp đặt nền móng cho công cuộc phát triển và bảo tồn một nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc, những di sản họ để lại cho hậu thế trên chính thành phố Saint Petersburg có thể nói là vô số kể.

Năm 2017, chính phù Nga đã bắt đầu cho khởi động một dự án du lịch quốc gia mang tên “Vành đai vàng nước Nga”. Đây là một dự án du lịch quốc gia kết nối các thành phố có các giá trị độc đáo về di sản văn hóa, kiến trúc. Dự án nhằm tạo những tuyến du lịch hấp dẫn, mang đến môi trường du lịch tiện nghi, an toàn, nâng cao đời sống người dân và tăng sự hấp dẫn đầu tư du lịch ở các TP thuộc dự án. Các tiêu chí cho các thành phố tham gia là một thành phần của dự án đã được Bộ văn hóa Liên bang Nga công bố với nội dung 5 nhóm tiêu chí như sau: (i) Lịch sử – văn hóa; (ii) Vui chơi – giải trí; (iii) Cơ sở hạ tầng; (iv) Thông tin du lịch; (v) Vận tải hậu cần.

CÁCH TIẾP CẬN ĐÔ THỊ DI SẢN – TỪ CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM

Thừa Thiên Huế

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đã xác định mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản thì sẽ thuận lợi trong việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hơn hết, cuộc sống của người dân, đối tượng được xem là trung tâm của Thành phố di sản sẽ thay đổi… Đặt vấn đề đô thị di sản thì việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản phải theo xu hướng mới, nó phải đặt trong mối quan hệ mật thiết với khung cảnh, các cấu trúc và không gian cấu thành một đô thị hoàn chỉnh. Qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng từ thực tiễn, chính quyền tỉnh nhận diện 5 tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản. Đó là, vai trò lịch sử và yếu tố di sản trong chức năng đô thị; số lượng, quy mô di sản, di tích; yếu tố truyền thống trong đô thị; vai trò của di sản trong phát triển kinh tế đô thị; công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Cố đô Huế

Đà Lạt

Với việc trở thành thành phố di sản, 3 giá trị vốn có của Đà Lạt sẽ không ngừng được tôn tạo, bồi đắp, bảo tồn và phát huy, gồm: Khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người. Giá trị cốt lõi của Đà Lạt là khí hậu và phong cách kiến trúc khác biệt so với cả nước. Với việc trở thành thành phố di sản, 3 giá trị vốn có của Đà Lạt sẽ không ngừng được tôn tạo, bồi đắp, bảo tồn và phát huy, gồm: Khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người. Đà Lạt là đô thị hội đủ 4 giá trị đặc biệt để xây dựng trở thành đô thị di sản – đô thị du lịch sinh thái, đó là: khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, quỹ di sản kiến trúc đô thị phong phú, bản sắc văn hóa và lịch sử đặc trưng.

Đà Lạt đáp ứng 2 tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đó là: (II) Biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan; (IV) Là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn lịch sử loài người.

Xây dựng bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Có thể nói, trong sự phát triển đa dạng, đa chiều của thế giới đương đại, đô thị di sản không chỉ thể hiện sự nổi bật, duy nhất, tinh túy nhất của lịch sử, văn hóa, tri thức nhân văn và kết tinh của tạo hóa… để có thể tuyền tải năng lượng từ quá khứ đến tương lai. Những giá trị cốt lõi của các đô thị đã và đang phát triển, vẫn tiếp tục khẳng định vai trò của nó trong tương lai. Trên cơ sở đó, tiếp cận phương pháp luận bảo tồn đô thị do các học giả Viện Công nghệ Massachusett (MIT, Mỹ) xây dựng và Nahoum Cohen đúc kết trong cuốn sách Urban Conservation. Phương pháp luận gồm các bước cơ bản sau: (i) Lựa chọn/xác định khu vực cần bảo tồn; (ii) Nghiên cứu các dữ liệu gốc theo trình tự thời gian; (iii) Phân tích bối cảnh đô thị thông qua dữ liệu gốc; (iv) Xác định các thành phần cần bảo tồn bằng phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn (Conservation Potential).

Tiềm năng bảo tồn được đánh giá theo 5 tiêu chỉ (mỗi tiêu chí tối đa 20%): Đặc tỉnh nhận diện/Cảm nhận địa phương/Các mối quan hệ nội tại/Kiểu dáng và phong cách/Kỹ thuật và vật liệu (5 tiêu chí của Phương pháp luận bảo tồn di sản đô thị của Nahoum Cohen).

Áp dụng phương pháp, xác định các tiêu chí cho trường hợp của Hoa Lư – Ninh Bình cho việc Xây dựng bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và danh thắng nổi bật toàn cầu, có vài gợi mở: Bộ tiêu chí nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản gồm 05 tiêu chí:

Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa, thiên nhiên rất phong phú của mình. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương cùng áp lực phải phát triển nhanh dẫn đến nguy cơ xóa sổ nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên quan trọng. Sự đứt gãy của một số truyền thống văn hóa đã để lại nhiều hậu quả rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là đối với quá trình xây dựng, định hình nếp sống văn minh đô thị và nông thôn…

Nhìn lại chiều dài lịch sử của Hoa Lư – danh xưng của đô thành – đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, là đô thị – cảng thị tựa núi, nhìn sông, mở ra biển Đông. Nhìn lại lịch sử vùng đất Tràng An cổ, có thể thấy tầm nhìn về chiều sâu của lịch sử, chiều rộng không gian xứng tầm vùng đất có vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Những đặc điểm này đã là tiền đề xây dựng cố đô di sản.

Chính vì thế, đặt vấn đề “Đô thị di sản thiên niên kỷ” là đô thị có chứa đựng trong mình di sản văn hoá và thiên niên của nhân loại, nơi còn lưu giữ những di tích, vết tích công trình, kiến trúc đô thị về quá trình tự cư, quần cư liên tục hàng nghìn năm, gồm cả những công trình nhân tạo và thiên tạo được con người sử dụng, thích ứng với sự biến đổi môi trường, xã hội. Đồng thời, việc phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không làm tổn hại tới các giá trị của di sản, phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và yêu cầu, quy định quản lý, bảo vệ di sản thế giới của UNESCO.

Tạo năng lượng mới cho di sản trong bối cảnh phát triển. Nhưng đô thị di sản cũng đặt ra những thách thức; việc bảo tồn và phát triển đô thị di sản đòi hỏi sự hợp tác và hiểu biết sâu rộng từ cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần phải duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ giá trị lịch sử và khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai. Đô thị di sản không chỉ là một kho tàng của quá khứ, mà còn là một nguồn cảm hứng, một tài liệu cho tương lai. Do đó khi một đô thị di sản được UNESCO công nhận không chỉ trách nhiệm của người dân địa phương mà còn trách nhiệm của nhân loại trên toàn thế giới cần tôn vinh và bảo vệ những nơi này, để chúng có thể tiếp tục kể câu chuyện về nhân loại, văn hóa và sự phát triển bền vững trong tương lai./.

TS Bùi Văn Mạnh – Sở Du lịch Ninh Bình; TS Tạ Hoàng Vân – Viện Kiến trúc Quốc gia



Nguồn

Exit mobile version